Dòng tiền chảy vào những sòng bạc ở Macau mỗi ngày lớn hơn gấp nhiều lần so với thành phố Las Vegas. Ảnh: AFP |
Lịch sử hình thành Macau được gắn với một chi tiết khá bất ngờ và thú vị. Đó là vào năm 1564, trước sự đe dọa của những tên cướp biển, ngư dân địa phương đã quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ từ một hạm đội hải quân Bồ Đào Nha, bằng cách giấu những khẩu pháo của phương Tây trên tàu cá Trung Quốc và mai phục trên đại dương. Để thể hiện lòng biết ơn, cư dân Trung Quốc cho phép người Bồ Đào Nha ở lại bán đảo. Từ đó, Macau trở thành điểm dừng quan trọng trong những cuộc hành trình từ Ấn Độ tới Nhật Bản. Đáng tiếc là cuối cùng, cảng biển ở Hong Kong lại được xây dựng tốt hơn, và Macau lại được sử dụng với những mục đích khác: buôn bán thuốc phiện, hoạt động mại dâm và cờ bạc. Khi nhà văn Hà Lan Hendrik de Leeuw tới thăm thành phố cảng này vào thập niên 30 của thế kỷ trước, trong cuốn sách “Cities of Sin", ông miêu tả nơi đây là nhà của "mọi thứ xấu xa nhất của thế giới, từ những vị thuyền trưởng nát rượu tới những đồ vật vô chủ, trôi giạt trên biển. Đáng xấu hổ hơn cả, là nơi này chưa chấp nhiều phụ nữ xinh đẹp nhưng hoang dã hơn bất cứ cảng biển nào trên thế giới. Thật chẳng khác nào địa ngục."
Cho tới ngày nay, Macau mang trong mình hình ảnh của một thành phố thuộc Địa Trung Hải hơn là vùng đất của Trung Quốc, với nhà thờ Công giáo và những tiệm cà phê, nơi các vị thực khách đứng tuổi thưởng thức bữa sáng bên trang báo Jornal Tribuna. Không những thế, nơi này còn mang dáng dấp của một thành phố bên vịnh Ba Tư. Thuế thu dược thường nhiều gấp đôi ngân sách đất nước. Giống như Kuwait, Macau đôi lúc cũng thực hiện chương trình Thịnh vượng Chung (Wealth Partaking Scheme). Năm ngoái, đã có 875 USD được trao cho mỗi dân của thành phố. Đáng ngạc nhiên hơn, tỷ lệ thất nghiệp của Đặc khu này chỉ vào khoảng 3%.
"Chúng tôi chỉ mất 15 năm để đạt được những gì Las Vegas phải cố gắng trong suốt 75 năm", Paulo Azevedo, nhà xuất bản Macau Business và một số tờ báo địa phương khác, nói. Tuy nhiên, sự phát triển đột biến cũng lấy đi khỏi thành phố rất nhiều thứ: từ xe taxi tới những con đường, các căn nhà và cả hệ thống chăm sóc sức khỏe. "Nếu muốn đi khám nha khoa, tôi buộc tới Thái Lan", Azevedo nói. Mỗi tháng, các sòng bạc tại Macau sẽ đóng cửa một lần để sắp xếp lại cuộc sống và công việc. Truyền thống này không thường thấy tại những thành phố khác trên thế giới. Au Kam San, thành viên Hội đồng lập pháp Macau, hiện là một giáo viên trung học, chia sẻ: "Nhiều học sinh khẳng định với tôi rằng, "Em có thể ngay lập tức kiếm một công việc tại sòng bạc và kiếm gấp nhiều lần so với thu nhập của các thầy cô"".
Khi tới Macau, đại gia Las Vegas Steve Wynn nhanh chóng nhận ra rằng, cửa hàng Louis Vuitton ở Đặc khu này luôn thu được lượng lợi nhuận gấp nhiều lần bất cứ cửa hàng Louis Vuitton nào trên thế giới. Bản thân tôi cũng đã nhận ra sự thật rằng những khách hàng Trung Quốc có nhu cầu rất cao trước các món hàng xa xỉ, vì "tất cả đều là những giám đốc hay chủ tịch tập đoàn", theo lời một nhân viên sòng bạc.
Để làm vừa lòng những khách hàng châu Á, Wynn đã chấp nhận các quan điểm của người Trung Quốc về may mắn và sự giàu sang. Ông làm tất cả điều đó bằng niềm đam mê của một người dẫn đầu xu hướng. Khi phát hiện ra số phòng cá nhân trong khu spa của khách sạn là 4 - vốn bị cho một con số không may mắn, vì cách phát âm của nó trong tiếng Trung gần giống với từ "chết chóc" - ông đã yêu cầu kiến trúc sư thiết kế những cánh cửa giả, tăng lượng phòng lên 8, là con số có cách phát âm gần với từ "giàu có". Không những thế, khách sạn tại Macau của Wynn còn sở hữu một chi tiết "không thể chê trách". Mỗi giờ, du khách tập trung tại sảnh sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sự xuất hiện của một bức tượng rồng vô cùng sống động, trồi lên từ mặt đất, vươn lên không trung với đôi mắt đỏ rực và cái miệng phun khói.
Những trò chơi may rủi đã xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc từ thời nhà Hạ (2000 - 1500 TCN). "Triều đình luôn xây dựng những đạo luật ngăn cấm các hoạt động cờ bạc, nhưng chính những quan lớn lại là những người tham gia cá cược nhiều nhất", Desmond Lam, giáo sư tại Đại học Macau, khẳng định. "Nếu bị phát hiện, những người này sẽ phải hứng chịu các hình phạt nặng nề nhất như cắt chức, tra tấn, lưu đày hay bỏ tù. Nhưng những điều luật hà khắc ấy chẳng thể ngăn họ tiếp tục lặp lại tiền lệ này qua mỗi triều đại." Ông Lam cũng tâm sự: "Gia đình tôi thường xuyên đánh bạc, trong những kỳ nghỉ, giữa những lễ tang, chúng tôi chẳng làm gì khác ngoài việc đó. Chính vì vậy, tôi luôn muốn tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao người Trung Quốc lại đánh bạc?" Lam và tác giả bài viết này cùng trò chuyện khi đi dạo trên những con đường ở Macau, nơi được mệnh danh là "Thành phố của những Giấc mơ". Trước mắt họ hiện ra tấm biển quảng cáo của một sòng bạc, trên đó viết: "Đăng ký, Chơi và Đổi đời"
Sau 6 năm nghiên cứu và tiến hành nhiều cuộc khảo sát, Lam nhận thấy mỗi chiếc bàn các cược chính là một một "vũ đài thu nhỏ", nơi luôn bế tắc giữa niềm tin và khoa học. Một bên sòng bạc là nơi có thể tính toán chính xác lợi thế chiến thắng tới hai chữ số thập phân. Bên còn lại là tập hợp của những người Trung Quốc vô cùng mê tín và luôn mang niềm tin về số phận, thứ mà Lam nói rằng: "ai cũng biết là hoàn toàn vô lý, nhưng lại là một phần của nền văn hóa". Lam dẫn chứng bằng cách nhắc tới một số thói quen kỳ lạ của những con bạc Trung Quốc: nếu muốn gặp may, hãy vận đồ lót màu đỏ và bật tất cả công tắc đèn trước khi ra khỏi nhà. Để không thua cuộc, đừng bao giờ nhìn vào các nữ tu và các vị thiền sư bạn bắt gặp trên đường tới sòng bạc. Không được đi vào bằng lối cửa chính. Hãy tìm một cửa phụ và bước qua nó.
Thành phố của những Giấc mơ luôn ngập chìm hương nước hoa, xì gà và nước giặt thảm. Những con bạc Trung Quốc không có thói quen uống rượu trong lúc kiếm tiền, và khách phương xa sẽ rất hiếm khi bắt gặp hình ảnh của một lễ hội đường phố. Thay vào đó, bạn sẽ thấy nơi này luôn ngập chìm âm thanh từ những con bạc đang vui sướng hoặc đau khổ, hay tiếng la hét cổ vũ khi mỗi lá bài được đưa ra. Một đêm, khi có mặt trong một sòng bạc ở thành phố, tôi bắt gặp có một người đàn ông gầy gò với đôi lông mày rậm và gương mặt đỏ bừng, nhễ nhại mồ hôi đang siết chặt những lá bài, bên cạnh mội người khác đang hét lớn "Cố lên! Cố lên!". Khi người đàn ông gầy gò run rẩy hé mở lá bài đủ để nhìn thấy những con số, gương mặt ông ta biến sắc, chứa đầy sự giận dữ và dồn mọi bực tức lên những lá bài vô tội.
"Người Mỹ có xu hướng tự quyết định tương lai của mình, trong khi người Trung Quốc luôn tin số phận là thứ đã được sắp đặt từ trước", Lam nói. Để thay đổi số phận, người Trung Quốc cảm thấy họ cần phải cố gắng giành lấy thật nhiều may mắn." Một số cuộc khảo sát cho thấy, những con bạc Trung Quốc thường có xu hướng coi khoản cá cược như một món đầu tư và ngược lại. Thị trường chứng khoán và bất động sản, theo quan điểm của người dân nước này, không khác một sòng bạc. Hai nhà khoa học hành vi Elke Weber và Christopher đã thực hiện một so sánh về cách người Mỹ và người Trung Quốc tiếp cận rủi ro trong vấn đề tài chính. Kết quả thu được cho thấy, hầu hết nhà đầu tư Trung Quốc thường thận trọng hơn so với những nhà đầu tư Mỹ. Tuy nhiên, kết quả cuộc điều ra mở rộng lại mang đến một kết quả hoàn toàn trái ngược, rằng người Trung Quốc luôn gặp nhiều rủi ro hơn người phương Tây trong các hoạt động tài chính.
Trong quá trình sống tại Trung Quốc, tôi đã nhận được một bài học về cách sử dụng tiền bạc đúng cách, rằng đừng bao giờ dùng hết số vốn bạn vất vả kiếm được vào công việc kinh doanh, để rồi phải nay đây mai đó khắp đất nước thay vì sở hữu một công việc ổn định. Theo "giả thuyết đệm" được Weber và Hsee đưa ra, thì mối liên kết gia đình chặt chẽ theo truyền thống Trung Quốc đủ sức giúp mỗi người tự tin rằng, họ luôn có thể trở về với người thân nếu không may thất bại. Một giả thuyết khác đã được cụ thể hóa trong những năm bùng nổ dân số. "Bản thân cuộc cải cách kinh tế do Đặng Tiểu Bình khởi xướng cũng chính là một canh bạc", Ricardo Siu, một giáo sư kinh tế thuộc Đại học Macau, nhận định. "Điều đó khiến người dân nước này quan niệm rằng, nguy cơ thất bại không những không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng mà còn có thể mang tới rất đến nhiều lợi ích. "Với những người thuộc tầng lớp trung lưu vốn đi lên từ nghèo khó", ông nói thêm, "họ luôn tin rằng, nếu tôi thua bạc và mất một nửa số tiền, tôi sẽ chấp nhận điều đó. Chắc chắn trong tương lai tôi sẽ không nghèo khó trở lại. Rồi tôi sẽ kiếm được số tiền đã mất trong một vài năm tới. Nhưng nếu tôi thắng cuộc thì sao? Tôi sẽ trở thành một triệu phú!"
Trường hợp của Con sâu cờ bạc Siu Yun Ping đã thu hút rất nhiều sự chú. 4 tháng sau khi gặt hái được những thành công đầu tiên, Siu đã có mặt trên Apple Daily, tờ báo nổi tiếng của Hong Kong. "Ông ta thực sự gặp vận đỏ hay là người sở hữu đôi tay kỳ diệu?" Apple Daily đặt câu hỏi. Chỉ một ngày sau khi bài báo đó xuất hiện, một thành viên của cơ quan lập pháp Hong Kong, Pui Chung, bản thân cũng là một con bạc, tuyên bố với báo giới rằng ông đang tìm hiểu về những "Thần Bài" - tên một bộ phim Hong Kong nổi tiếng do diễn viên Châu Nhuận Phát thủ vai chính.
Một chi tiết khác cũng có thể thu hút nhiều sự quan tâm, đó là những tay bạc ở Macau đã chia sẻ với nhau về phương pháp gian lận đầy sáng tạo. Mùa hè năm ngoái, cảnh sát địa phương đã bắt các thành viên của một băng đảng, với lời cáo buộc sử dụng camera thu nhỏ trong những chiếc máy phát bài tự động. Quá nhiều người thắng bạc sẽ gây ra sự nghi ngờ. Bản thân một ván bài baccarat là có thể mang tới cơ hội chiến thắng rất cao. Tuy nhiên, nếu thua cuộc, người chơi sẽ bị mất lượng tiền rất lớn. Một người chơi chuyên nghiệp có thể kiếm được một cả nghìn USD trong dịp cuối tuần, nhưng sau 7 tháng chơi liên lục, hiếm ai có thể chiến thắng trở về.
Không lâu sau khi bài báo miêu tả Siu như một thần bài, cậu con trai 20 tuổi của ông đã nhận được một loạt cuộc gọi nặc danh với nội dung đe dọa. Không những thế, căn nhà của gia đình ông cũng từng bị âm mưu thiêu trụi. Thậm chí, Wong Kam-ming, bạn thân của Siu, người đã giới thiệu ông vào những phòng đánh bạc hạng sang, còn nhận được một cuộc gọi khẩn cấp. Đầu dây bên kiađòi hỏi một cuộc gặp trực tiếp để Con sâu cờ bạc Ping nói thật xem ông có gian lận hay không.
Quỳnh Hoa (The New Yorker)