Lầu Năm Góc hôm 23/10 chính thức công bố danh tính của quân nhân Mỹ đầu tiên thiệt mạng trên chiến trường Iraq trong 4 năm qua: Joshua Wheeler, 39 tuổi. Wheeler thiệt mạng trong một cuộc đột kích của chiến binh người Kurd và đặc nhiệm Mỹ, vào một nhà tù của IS tại thị trấn Hawija để giải cứu 70 con tin.
Xem thêm: Giây phút cận kề cái chết của tù nhân trong tay IS
Cùng với danh tính và tuổi của Wheeler, thông cáo của Lầu Năm Góc có mô tả đơn vị của người lính hy sinh này là "Bộ Tư lệnh đặc trách Chiến dịch Đặc biệt".
Theo Washington Post, cụm từ này là một cách nói tránh được sử dụng lần thứ 12 kể từ năm 2003, khi mô tả binh sĩ Mỹ tử trận tại Iraq. Lý lịch chính thức của các binh sĩ này thường có những điểm chung: họ thường ngoài 30 tuổi - lớn tuổi so với binh lính tác chiến thông thường. Họ từng hoạt động trong các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ của quân đội, như đơn vị Mũ nồi xanh, hoặc như trong trường hợp của Wheeler là trung đoàn biệt kích số 75.
Họ hy sinh tại những điểm nóng của các phần tử nổi dậy như Qaim, Ramadi, hoặc như cuộc đột kích hôm 22/10 là Hawija. Họ chính là những người lính đã ngã xuống của đơn vị biệt kích chống khủng bố tối mật của quân đội Mỹ - lực lượng Delta.
Delta luôn là nòng cốt cho chiến thắng của Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq. Đối với đơn vị biệt kích tinh nhuệ này, nó giống như một cuộc chiến dài với những quãng nghỉ hiếm hoi. Lần đầu được triển khai đến Iraq năm 1991, và lần tiếp theo năm 2003, Delta rời quốc gia này 4 năm trước cùng với những binh sĩ Mỹ khác.
Lực lượng Delta được cho rằng năm ngoái đã trở lại Iraq sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đóng Mosul. Họ lập một tổng hành dinh cho các nhiệm vụ truy lùng và giải cứu con tin gần Irbil, thành phố của người Kurd được tin là nơi xuất kích của chiến dịch giải cứu vừa qua.
Sự tồn tại của Lực lượng Delta, dù về mặt lý thuyết được coi là mật, nhưng không khó nhận ra. Trong hồ sơ cá nhân, các cựu thành viên của họ không hoàn toàn giấu giếm việc từng tham gia đơn vị có trụ sở tại căn cứ Fort Bragg, bang North Carolina, với cụm từ miêu tả nơi làm việc là "Đơn vị Hoạt động Đặc biệt".
Một số cuốn hồi ký của cựu đặc nhiệm mô tả quá trình huấn luyện các bộ binh, và cả những lính thủy đánh bộ, thành "đặc nhiệm" có thể tiến hành nhiệm vụ với thời gian chuẩn bị tối thiểu, tại các vùng đang xảy ra chiến sự hay hỗn loạn hậu chiến tranh. Đôi khi họ đột kích những khu nhà cùng chó nghiệp vụ, tham gia vào những cuộc đấu súng nghẹt thở, nhưng cũng có thể hoạt động hoàn toàn bí mật.
Dù những năm gần đây có vẻ bị lấn lướt bởi các đồng nghiệp là đặc nhiệm hải quân, SEAL Team 6, Delta vẫn luôn thu hút sự chú ý từ công chúng. Năm 1986, ngôi sao màn bạc Chuck Norris đã thủ vai trong bộ phim hành động "The Delta Force", khi lực lượng Delta còn chưa hoạt động được 10 năm.
Những binh sĩ trong đơn vị này cũng trở nên nổi tiếng bởi cuốn sách và bộ phim "Black Hawk Down", về trận chiến năm 1993 tại Mogadishu, Somalia. 5 lính biệt kích đã thiệt mạng. Hai người được truy tặng Huy chương Danh dự, vì sự dũng cảm trong trận chiến ác liệt.
Lực lượng Delta được quân đội Mỹ điều động khắp toàn cầu, từ Colombia, nơi họ giúp truy tìm trùm ma túy Pablo Escobar, tới Afghanistan, nơi họ triển khai cuộc tấn công lớn bằng trực thăng đầu tiên, chưa đầy 6 tuần sau vụ khủng bố 11/9. Sau đó, cũng chính các biệt kích Delta tham gia cuộc chiến kéo dài vài năm tại thành phố Kunduz ở miền bắc nước này, và cả Libya, nơi hai thành viên của họ thiệt mạng trong trận chiến Benghazi năm 2012.
Chiến trường chính
Dù vậy, Iraq vẫn là trọng tâm hoạt động của Delta. Ba trong số những binh sĩ đầu tiên của lực lượng này thiệt mạng trong một vụ rơi trực thăng khi làm nhiệm vụ tìm kiếm các tên lửa Scud của Iraq năm 1991. Trong số 23 đặc nhiệm thiệt mạng trên chiến trường kể từ đó đến nay, có 12 người chết tại Iraq.
Được ghi nhận vì đã giữ cho Israel không tham gia cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, khi khống chế các vụ tấn công tên lửa Scud của Iraq, Delta đã trở về Mỹ khi các vụ tấn công chấm dứt. Nhưng theo cuốn sách "Relentless Strike" của phóng viên Sean Naylor, các nhân viên bí mật của Delta vẫn thường kỳ trở lại Iraq trong thập niên sau đó, dưới dạng thành viên các đội thanh sát vũ khí của Liên Hợp Quốc.
Năm 2003, hoạt động của Delta tại Iraq được khôi phục sau khi Mỹ tiến quân vào nước này, vượt qua các sa mạc phía tây để tìm kiếm Saddam Hussein và những người trung thành với ông này. Dù vậy, chính sự trỗi dậy của al-Qaeda tại Iraq, tiền thân của IS, mới là nhân tố khiến Delta phải tham gia vào cuộc chiến dài hơi và khó khăn nhất. Nhiệm vụ giải cứu tuần qua tại Hawija có thể được xem như phần mở rộng của cuộc chiến đó.
Lực lượng Delta chiến đấu tại Iraq giống như các binh sĩ Mỹ khác, tấn công al-Qaeda tại Iraq với những cuộc đột kích trong đêm, khiến ngay cả các phóng viên nằm vùng đưa tin về cuộc chiến cũng không hay biết. Al-Zarqawi, thủ lĩnh của al-Qaeda tại Iraq, bị tiêu diệt theo lệnh của một chỉ huy của Delta, và chính các thành viên Delta là người thu giữ xác của tên khủng bố đầu sỏ này.
Khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq cuối năm 2011, Delta cũng về nước, nhưng một sĩ quan phụ trách chiến dịch đặc biệt cho biết họ vẫn duy trì một lực lượng tại đây.
Sự trỗi dậy của IS từ đống tro tàn al-Qaeda tại Iraq đã chấm dứt giai đoạn "giải lao" của Delta. Cho đến trước ngày 23/10, khi cái chết của Wheeler được công bố, sự quay trở lại của lực lượng tại Iraq hầu như chỉ là những lời đồn đoán.
Lần này, căn cứ của chiến dịch không ở Baghdad hay tỉnh Anbar, nơi Delta từng có những cuộc chiến ác liệt nhất, mà là thành phố Irbil. Đây được xem như căn cứ chính của người Kurd trong cuộc chiến với IS ở miền bắc Iraq. Mối quan hệ giữa Delta và lực lượng an ninh người Kurd cũng khá sâu sắc.
Đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ nhất của người Kurd được thành lập với sự hỗ trợ của Delta. Khi các chiến binh người Kurd bắt giữ được phần tử al-Qaeda, Hassan Ghul, họ đã chuyển hắn cho Delta. Khi bị thẩm vấn, tên này đã cung cấp một trong những manh mối giúp dẫn tới chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Đợt triển khai mới nhất của Delta tại Iraq có thể xem như một chuyến trở về nước này và trở lại với mục đích ban đầu khi thành lập của lực lượng. Mặc dù hai thập niên gần đây, Delta tập trung chính vào các cuộc truy lùng, thì mục đích chính khi lực lượng này được thành lập năm 1979 là giải cứu. Họ từng tiến hành chiến dịch Eagle Claw năm 1980, với nhiệm vụ cứu các nhà ngoại giao Mỹ bị bắt làm con tin tại đại sứ quán ở Iran. Nhiệm vụ này thất bại và 8 binh sĩ đã thiệt mạng. Sau đó, số hoạt động giải cứu có phần ít đi so với các cuộc đột kích bắt hoặc tiêu diệt.
Khi Delta triển khai nhiệm vụ tại Syria tháng 7/2014 để gắng giải cứu công dân Mỹ bị IS giam giữ, họ đã thất bại và con tin bị sát hại không lâu sau đó. Còn tại Hawija, tuần trước, sự hy sinh của Wheeler đã giúp Delta thực hiện thành công sứ mệnh.
Video: Đặc nhiệm Mỹ giải cứu con tin dưới làn đạn
Hoàng Nguyên