SCMP dẫn lời Zhang Wenyue, người đứng đầu đoàn kiểm tra tại Thượng Hải, cho biết sẽ chú ý đặc biệt đến các hành vi vi phạm kỷ luật và luật pháp, bao gồm nhận hối lộ, lợi dụng quyền lực để thu lợi, và lạm quyền. Đoàn tới Thượng Hải hôm 30/7.
"Chúng ta không nên bao che (hành vi sai trái) và chúng ta không sợ bị vạch trần bất kỳ hành vi sai trái nào", thị trưởng Thượng Hải Hàn Chính phát biểu trong cuộc họp có sự tham dự của đoàn thanh tra cùng quan chức cấp cao của thành phố trong cùng ngày. Ông Hàn kêu gọi các đảng viên hợp tác tối đa trong quá trình điều tra, đồng thời phải đi đầu trong việc tự kiểm điểm.
Các quan chức trong chính quyền Thượng Hải nói gần như toàn bộ cán bộ cấp cao nơi đây đều "đứng ngồi không yên" bởi mọi dấu hiệu đều cho thấy có những cú đánh lớn ẩn trong quá trình điều tra.
"Cuộc điều tra là phép thử cứng rắn đối với các quan chức cấp thành phố", một quan chức giấu tên thuộc chính quyền huyện Pudong nói. "Bộ máy hành chính địa phương nhất trí rằng một số lãnh đạo quyền lực ở thành phố sẽ bị nhắm đến".
Các nhà phân tích cho rằng cuộc điều tra lần này dễ gây chú ý bởi Thượng Hải từng là căn cứ quyền lực của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và nằm dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời gian ngắn hồi năm 2007. Ông Tập từng được đề nghị phái đoàn kiểm tra tới các khu vực ông đã lãnh đạo, gồm Thượng Hải và Chiết Giang, để chứng minh ông đã sẵn sàng để xử lý mọi cá nhân vi phạm kỷ luật đảng và không gì có thể ngăn được chiến dịch chống tham nhũng.
Hai ngày trước cuộc kiểm tra, công tố viên Thượng Hải thông báo điều tra tham nhũng với Wang Zongnan, cựu chủ tịch của hai công ty nhà nước ở thành phố vì nhận hối lộ và biển thủ công quỹ.
Các nguồn tin từ chính quyền thành phố nói có ít nhất một hoặc hai quan chức tương đương thứ trưởng, thậm chí cao hơn, sẽ trở thành mục tiêu của các thanh tra. Những người đã về hưu cũng không được bỏ qua. Một trong số này có thể là Zhang Xuebing, 59 tuổi, từng bị cách chức phó thị trưởng Thượng Hải và trưởng sở cảnh sát hồi tháng 3/2013, sau đó giáng chức xuống bí thư tại Cơ quan Cảng Hàng không Thượng Hải (SAA) hồi tháng 6.
Cuộc điều tra ở Thượng Hải nằm trong đợt truy quét thứ tư trong chiến dịch chống tham nhũng toàn quốc, do Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI), tiến hành từ tháng 5/2013. Ông Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc, cam kết sẽ không khoan nhượng với tệ nạn này.
Phong trào chống tham nhũng của Trung Quốc đang được đẩy mạnh trong năm 2014. Trong một cuộc họp của Ủy ban Kỷ luật và Kiểm tra hồi đầu tháng 1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng cuộc chiến chống tham nhũng của nước này rất khốc liệt và phức tạp, nhưng nó sẽ được giải quyết nhanh bằng "liều thuốc mạnh".
Hôm 29/7, cơ quan thông tin của đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị chính thức bị điều tra do nghi ngờ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Cụm từ này thường được Trung Quốc sử dụng để ám chỉ hành vi tham nhũng. Đây là một bước đi táo bạo của ông Tập và Chu trở thành quan chức cao nhất bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch Trung Quốc.
Như Tâm