John McManus, một nhà sinh vật biển nổi tiếng, thuộc đại học Miami, Mỹ, đang cùng các nhà khoa học Philippines nghiên cứu về Biển Đông. Reuters dẫn lời ông cho hay hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở các bãi đá tại Trường Sa đang "phá hủy vĩnh viễn khu vực san hô này với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người".
Ở khu vực xung quanh, một hệ thống san hô lớn hơn cũng bị thiệt hại nặng do Trung Quốc nạo hút cát để bồi đắp đảo mới và nạo vét các kênh vận tải để tiếp cận chúng. Qua những bức ảnh vệ tinh ở Trường Sa, các nhà khoa học thấy rằng khu vực bị ảnh hưởng có thể lớn hơn đánh giá ban đầu.
McManus kêu gọi các bên liên quan gác lại tranh chấp và tạo ra một "công viên hòa bình" trên biển để bảo tồn những rạn san hô còn lại của Biển Đông.
Trung Quốc được cho là đã tạo ra 8 hecta đảo nhân tạo từ các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Hà Nội và quốc tế.
Hồi đầu tuần, Philippines cáo buộc Trung Quốc gây thiệt hại hơn 280 triệu USD cho kinh tế thường niên của các quốc gia ven biển trong khu vực.
Tuy nhiên, phản ứng trước mối quan ngại của các chuyên gia hải dương, Trung Quốc vẫn biện bạch rằng nước này đang áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ môi trường.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận thêm mà lặp lại một tuyên bố của Cục Hải dương Quốc gia tuần trước rằng "tác động đối với hệ sinh thái san hô đã được khu biệt, chỉ mang tính tạm thời, có kiểm soát và có thể khôi phục".
Dù hệ thống san hô ở Trường Sa tương đối nhỏ so với hệ thống san hô toàn cầu, chúng vẫn được xem là đa dạng sinh học và có thể giúp nhân giống các loài san hô ven biển có nguy cơ tuyệt chủng. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều sinh vật biển đang bị đe dọa, trong đó có trai khổng lồ, cá nược và một số loài rùa.
Anh Ngọc