Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua theo sát thông tin một tàu vận tải hạng nặng đã chở tàu ngầm đầu tiên do Nga sản xuất cho Việt Nam đến cảng Cam Ranh vào cuối ngày 31/12/2013.
HQ-182 Hà Nội cập cảng sau chuyến hành trình dài một tháng rưỡi từ thành phố St. Petersburg, nơi nó được đóng ở xưởng Admiralty Verfi.
"Tàu ngầm chạy bằng diesel mang tên Hà Nội là chiếc đầu tiên trong số 6 tàu ngầm Kilo 636 mà Việt Nam mua từ Nga nhằm hiện đại hóa hải quân", Xinhua giới thiệu.
Hãng thông tấn IANS của Ấn Độ giới thiệu các thông số kỹ thuật cũng như độ lón của tàu ngầm Hà Nội và bình luận: "Đây là lựa chọn tốt nhất cho việc trinh sát và tuần tra biển.
IANS cũng nhận xét rằng, sự kiện tiếp nhận tàu ngầm Kilo đầu tiên thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng Việt Nam.
"Tôi rất vui mừng. Từ bây giờ, năng lực bảo vệ đất nước của quân đội Việt Nam sẽ mạnh hơn", hãng dẫn lời một người dân tên Hải nói.
Ngày mai, tất cả trang thiết bị đi kèm của tàu ngầm Kilo Hà Nội sẽ được bốc dỡ, sau đó sàn chở hàng của tàu mẹ hạ xuống thấp để tàu ngầm thoát ra biển.
Tàu ngầm Kilo do Nga chế tạo Nga được đánh giá là một vũ khí đáng gờm nhờ vận hành êm, độ ồn rất nhỏ và được trang bị một hệ thống vũ khí hiện đại. Do đó, ngoài biệt danh "hố đen trong lòng đại dương", loại tàu ngầm này còn được gọi là "sát thủ vô hình" và đã được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, sử dụng từ lâu.
Hãng DPA dẫn lời ông Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á, thuộc Viện Quốc phòng Australia, nhận định: "Sự kiện chiếc đầu tiên trong số 6 tàu ngầm Kilo hiện đại cập vịnh Cam Ranh đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển năng lực quốc phòng của Việt Nam".
Với tàu ngầm Hà Nội, Việt Nam hiện đã gia nhập vào nhóm các nước ASEAN triển khai tàu ngầm, bao gồm Indonesia, Singapore và Malaysia.
Hãng thông tấn Đức cũng cho hay theo hợp đồng trị giá 2,1 tỷ USD, được ký kết năm 2009, Nga sẽ bàn giao Việt Nam hai tàu ngầm nữa mang tên Hồ Chí Minh và Hải Phòng trong năm nay. Hợp đồng bao gồm cả việc đào tạo thủy thủ đoàn cho tàu ngầm cũng như cung cấp các vật liệu khí cụ cần thiết.
Trước đó, hồi tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thị sát tàu ngầm HQ-182 Hà Nội, nhân dịp sang thăm Nga. Đến ngày 7/11, tàu được bàn giao kỹ thuật cho Việt Nam tại St. Petersburg.
Anh Ngọc