Ông Key trước đó trả lời câu hỏi của lãnh đạo đảng Xanh James Shaw về lý do từ chối xin lỗi các tổ chức từ thiện như Hòa bình Xanh, Hội Chữ Thập Đỏ và Tổ chức Ân xá Quốc tế, sau khi liên hệ họ với những quỹ nước ngoài có tên trong Hồ sơ Panama.
Ông Key đang tiếp tục phát biểu trước quốc hội thì chủ tịch Quốc hội David Carter, người điều hành phiên thảo luận, đứng dậy. Ông Carter ngắt lời thủ tướng, yêu cầu trật tự nhưng ông Key tiếp tục nói.
Chủ tịch Quốc hội New Zealand cho biết điều tương tự đã xảy ra một ngày trước đó và ông đã thẳng thắn cảnh báo ông Key. "Khi tôi đứng lên, yêu cầu trật tự, ông ấy cần được đối xử không khác bất cứ ai trong căn phòng này", Radio New Zealand dẫn lời ông Carter nói. Chủ tịch quốc hội New Zealand sau đó yêu cầu thủ tướng rời khán phòng.
"Rõ ràng tôi đã không nhìn thấy ông ấy, không nghe thấy ông ấy, tôi đang trả lời câu hỏi", ông Key nói sau khi rời cuộc họp. Đây là lần đầu tiên ông bị ra lệnh rời cuộc họp với tư cách thủ tướng.
Ông Key hôm qua cho rằng các tổ chức từ thiện là bên hưởng lợi của những quỹ có tên trong hệ thống cơ sở dữ liệu Hiệp hội Phóng viên Điều tra công bố mới đây, dựa trên tài liệu bị rò rỉ của công ty luật Panama Mossack Fonseca.
Thực tế, các tổ chức từ thiện là nạn nhân của một vụ lừa đảo trước đó, và họ bị coi là bên hưởng lợi của quỹ nước ngoài nhằm giấu danh tính của những bên hưởng lợi thực sự.
Hồ sơ Panama là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử, với hơn 11 triệu tài liệu từ hãng luật Mossack Fonseca. Báo cáo của Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế dựa trên những thông tin này cho thấy Mossack Fonseca đã giúp giới nhà giàu và quyền lực lập ra hàng trăm nghìn công ty tại Quần đảo British Virgin, Cayman, Seychelles và Bermuda. Đây là những nơi được mệnh danh là thiên đường thuế, lý tưởng cho các hoạt động ngầm, né thuế hay rửa tiền.
Xem thêm: Tổng thống Panama: Hồ sơ Panama là cuộc chiến ngầm giữa các cường quốc
Trọng Giáp