The Guardian dẫn lời phát ngôn viên Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay cho biết Snowden đã rút đơn xin tị nạn sau khi ông Putin tuyên bố anh này sẽ chỉ được chào đón nếu chấm dứt "công việc nhằm gây hại" đến nước Mỹ, đối tác của nước Nga.
Wikileaks, tổ chức đang giúp Snowden, nói anh này đã gửi đơn xin tị nạn tới 21 quốc gia. Nga, Na Uy, Áo và Ba Lan là những nước đầu tiên xác nhận về việc nhận được đơn. Warsaw ngay lập tức từ chối đề nghị. Các nước khác bao gồm Bolivia, Brazil, Trung Quốc, Cuba, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ấn Độ, Italy, Iceland, Hà Lan, Nicaragua, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Venezuela.
Nga đã từ chối giao nộp Snowden, người bị chính phủ Mỹ cáo buộc vi phạm luật chống gián điệp vì đã công bố tài liệu tối mật về các chương trình theo dõi của nước này. Người đàn ông 30 tuổi đã đến sân bay Sheremetyevo ở Moscow từ từ 23/6, sau khi rời Hong Kong.
Nỗ lực xin tị nạn của anh gặp nhiều khó khăn. Rafael Correa, tổng thống Ecuador, cho biết nước ông đang không cân nhắc đơn xin tị nạn của Snowden. Ông chủ Wikileaks, Julian Assange, hiện đang tị nạn tại đại sứ quán Ecuador ở London, Anh. Trong khi đó tổng thống Venezuela cho rằng Snowden cần "sự bảo vệ của thế giới".
Mắc kẹt tại sân bay Nga suốt 9 ngày liền, Snowden được ví như phiên bản đời thực của nhân vật nam chính trong phim The Terminal, do diễn viên Tom Hanks thủ vai. Trong bộ phim xuất sắc của đạo diễn Steven Spielberg, một người nhập cư châu Âu bị kẹt trong nhà ga phi trường quốc tế suốt 9 tháng do hộ chiếu của anh bị mất giá trị. Hộ chiếu của Snowden đã bị chính phủ Mỹ hủy.
Trọng Giáp