Năm 1943, trước những trận phản công của Hồng quân Liên Xô và phe Đồng minh, quân đội phát xít Đức buộc phải lần đầu tiên rút lui kể từ khi Thế chiến 2 bắt đầu.
Trùm phát xít Adolf Hitler hết sức ngỡ ngàng khi chứng kiến quân Đồng minh dội bom tàn phá các thành phố của Đức. Để trả đũa, Hitler muốn chế tạo khẩu siêu pháo V3, khẩu pháo lớn nhất trong lịch sử quân sự thế giới, nhằm chấm dứt chiến tranh theo hướng có lợi cho Đức. Ông trùm phát xít dự định dùng V3 oanh tạc thủ đô London của Anh từ hai boongke ngầm ở miền bắc nước Pháp, theo Documentaytube.
Tương tự tên lửa hành trình V1 và hỏa tiễn V2 trước đó, siêu pháo V3 cũng được coi là "thứ vũ khí phục hận" của phát xít Đức. Đây là một khẩu siêu pháo với chiều dài mỗi nòng pháo dài 130 m, hoạt động theo cơ chế nhồi thuốc theo nhiều giai đoạn.
Khi khẩu pháo khai hỏa và viên đạn vẫn đang bay trong nòng súng, khí thuốc sẽ lần lượt kích hoạt khối thuốc phóng thứ hai, thứ ba... nhằm nhanh chóng tăng tốc cho đạn pháo hướng tới mục tiêu. Trong đợt bắn thử nghiệm đầu tiên vào tháng 5/1944, khẩu V3 có tầm bắn lên tới 88 km và trong lần thử thứ hai vào tháng 7, viên đạn rơi xuống vị trí cách xa khẩu pháo tới 93 km.
Theo kế hoạch của Hitler, 25 khẩu siêu pháo V3 được bố trí trong boongke ngầm lớn nằm sâu dưới một ngọn đồi ở miền bắc nước Pháp để đảm bảo bí mật trước các cuộc không kích của phe Đồng minh. Tuy nhiên, hầm ngầm này lại cách London 160 km, nên để oanh tạc trúng mục tiêu, các siêu pháo V3 phải có sơ tốc đầu nòng hơn 1500 m/s và các nòng pháo được đặt chếch một góc 50 độ.
Thời gian là thách thức lớn nhất với cơ chế thuốc phóng nhiều giai đoạn mà đội ngũ kỹ sư phát xít Đức phải đối mặt. Theo các sử gia, khẩu siêu pháo V3 phải khắc phục được tình trạng rò rỉ hỏa khí, ngoài ra viên đạn còn phải có hình dạng đặc biệt để có thể bay ở vận tốc siêu thanh.
Sáu công ty khác nhau đã nghiên cứu thiết kế hình dáng đạn pháo nhưng không một công ty nào phát triển thành công, theo bình luận viên Aleksandar Miskov của Documentarytube. Hậu quả là những viên đạn pháo thường bay rất không chính xác và không trúng vào các mục tiêu đã định.
Cơ chế hoạt động của siêu pháo V3 Đức
Phát xít Đức dự tính sử dụng 50 khẩu siêu pháo V-3 để oanh tạc London từ các hầm ngầm ở Mimoyecques, miền bắc nước Pháp, trong đó giai đoạn đầu khai hỏa 25 nòng pháo theo kế hoạch vào tháng 10/1944. Tuy nhiên, chỉ ba tháng trước khi phát xít Đức thực hiện kế hoạch này, quân Đồng minh đã mở những cuộc không kích lớn, sử dụng bom xuyên "tallboy" nặng hơn 6 tấn để phá hủy hầm ngầm đặt pháo, cứu London khỏi bị biến thành bình địa.
Dù vậy, Đức Quốc xã đã kịp chế tạo ba khẩu siêu pháo V3 với nòng ngắn hơn, nhưng chỉ hai khẩu được sử dụng. Từ 11/1 đến 22/2/1945, khoảng 183 quả đạn pháo được khai hỏa nhằm vào thành phố Luxembourg mới được giải phóng nhưng không gây nhiều thiệt hại đáng kể. 143 quả đạn pháo rơi trúng mục tiêu chỉ làm chết 10 người và bị thương 35 người. Ngày nay, một bản sao thu nhỏ của siêu pháo V3 vẫn được trưng bày ở bảo tàng Mimoyecques.
Duy Sơn