Mùa đông năm 1942, thành phố Stalingrad của Liên Xô trở thành tâm điểm giao tranh ác liệt trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của Hồng quân trước cuộc xâm lược của phát xít Đức. Thành phố hoang tàn đổ nát vì bom đạn này cũng được cho là nơi đã diễn ra trận đấu súng sinh tử nổi tiếng nhất giữa hai lính bắn tỉa huyền thoại, theo WarisBoring.
Một bên là Vasily Zaitsev, lính bắn tỉa cự phách của quân đội Liên Xô với bảng thành tích tiêu diệt khoảng 400 tên địch, bên kia là "thiếu tá Konig", hiệu trưởng trường bắn tỉa của quân đội Đức ở Berlin, người được bộ tư lệnh tối cao phát xít Đức biệt phái tới Stalingrad để săn lùng Zaitsev. Họ chạm mặt nhau trong một buổi chiều định mệnh, với màn săn đuổi, đấu trí một mất một còn, và chỉ có Zaitsev sống sót để kể lại câu chuyện.
Trận đấu súng sinh tử giữa hai siêu xạ thủ này trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có bộ phim "Enemy at the Gate" (Kẻ thù trước cửa) năm 2001. Trong cuốn tự truyện "Những ghi chép của một lính bắn tỉa Nga", Zaitsev đã thuật lại cách ông nghiên cứu chiến trường tỉ mỉ như thế nào, nghi binh ra sao để có thể hạ gục được Konig giữa những tòa nhà đổ nát dọc chiến tuyến Xô - Đức.
Người lính bắn tỉa cự phách của Hồng quân Liên Xô kể rằng ông phải cùng người đồng đội Kulikov tìm cách gài bẫy Konig, bởi tay súng này đã từng hạ gục nhiều chiến sĩ bắn tỉa của Hồng quân.
"Kulikov bắn một phát đạn vu vơ để thu hút sự chú ý của Konig. Tuy nhiên chúng tôi quyết định án binh bất động trong buổi sáng ngày hôm đó, bởi ánh sáng Mặt trời phản xạ từ kính ngắm có thể khiến chúng tôi bị lộ. Vào buổi chiều, chúng tôi ở trong bóng râm, trong khi Mặt trời chiếu thẳng vào vị trí của tay súng bắn tỉa Đức", Zaitsev viết trong cuốn tự truyện.
Ông bất ngờ phát hiện một tia sáng lóe lên bên dưới một tấm tôn nằm giữa những bức tường đổ nát. Đó có thể là ánh sáng phản xạ từ súng trường của Konig, nhưng cũng có thể chỉ là một mảnh thủy tinh vỡ.
Để chắc ăn, Zaitsev ra hiệu cho Kulikov đang nấp sau bức tường dùng gậy giơ chiếc mũ sắt lên phía trên. Tiếng súng rền vang, tay bắn tỉa Đức đã nhắm trúng vào chiếc mũ sắt đó. Kulikov giả vờ nhổm dậy và hét to rồi gục xuống như thể vừa trúng đạn.
Đó là khoảnh khắc mà Konig phải trả giá cho sai lầm cuối cùng của mình, Zaitsev viết. Cho rằng kẻ địch đã chết, Konig ló nửa đầu lên khỏi tấm tôn để quan sát thành tích. "Tôi lập tức nổ súng, đầu của anh ta gục xuống, kính ngắm quang học trên khẩu súng trường của xạ thủ này lóe lên dưới ánh mặt trời".
Những điểm bất hợp lý
Theo sử gia người Anh Frank Ellis, trận đấu súng sinh tử với "thiếu tá Konig" mà Zaitsev kể lại có thể chỉ là một huyền thoại của chiến tranh, chứ không hẳn là một sự kiện đã xảy ra trong lịch sử. Trong cuốn "Vạc dầu Stalingrad" xuất bản năm 2013, Ellis đã chỉ ra những lỗ hổng trong câu chuyện này.
Trước hết, ở Đức không thấy nhắc đến tay súng bắn tỉa bậc thầy nào tên là "thiếu tá Konig" từng tồn tại. Người Đức cũng không thành lập trường bắn tỉa nào ở Berlin trong năm 1942 hay 1943, thời điểm trận Stalingrad diễn ra.
Ellis cũng lưu ý rằng Zaitsev thường ghi ngày tháng cụ thể cho mỗi sự kiện trong cuốn sách của ông, nhưng huyền thoại bắn tỉa này không hề đề cập đến thời điểm chính xác của trận đối đầu sinh tử với Konig. "Không một người Liên Xô nào nói đến ngày tháng chính xác khi Konig bị bắn hạ", Ellis viết.
Ellis cũng chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong câu chuyện của Zaitsev. Zaitsve kể rằng ông bắn hạ Konig vào buổi chiều, khi chiếu thẳng vào khẩu súng trường hay kính ngắm của xạ thủ Đức. Như vậy, Konig chắc chắn phải nằm đối diện hướng Tây, trong khi chiến tuyến của người Đức ở Stalingrad lại quay sang hướng Đông.
Một số người cho rằng Konig là một lính bắn tỉa nên có thể đã xâm nhập vào phía sau vị trí của xạ thủ Liên Xô và nằm đối diện hướng Tây. Tuy nhiên, trong cuốn tự truyện của mình, Zaitsev nói rằng hố bắn tỉa của Konig nằm ở vùng đất không bóng người trước chiến tuyến Đức, chứng tỏ ông nằm đối diện hướng Đông.
Với những điểm bất hợp lý này, Ellis cho rằng "thiếu tá Konig" thực ra chỉ là một xạ thủ bắn tỉa bình thường của Đức chứ không phải là tay súng cự phách, đối thủ đáng gờm của Zaitsev như lâu nay người ta vẫn nghĩ.
Trong thế chiến II, quân đội Liên Xô và Đức sử dụng phổ biến lực lượng bắn tỉa để tiêu diệt các sĩ quan, lính pháo binh và xạ thủ súng máy của kẻ thù. Liên Xô đặc biệt ưa chuộng sử dụng lực lượng này ở Stalingrad, và lính bắn tỉa Liên Xô sử dụng khẩu Mosin-Nagant tiêu chuẩn đã trở thành nỗi kinh hoàng của lính Đức. Nhiều tài liệu lưu trữ của Đức cho thấy quân đội phát xít đã ra nhiều cảnh báo đối với binh sĩ về nguy cơ mất mạng bởi lính bắn tỉa khi di chuyển ra khỏi chiến hào.
Dù còn nhiều điểm bất hợp lý, câu chuyện về cuộc đọ súng sinh tử của những xạ thủ huyền thoại ở Stalingrad cũng cho thấy sự cuốn hút của những xạ thủ bắn tỉa sở hữu kỹ năng xạ kích lão luyện. Có thể những gì Zaitsev kể lại trong cuốn tự truyện của mình phần lớn là thêu dệt, nó vẫn là một câu chuyện rất thú vị của Thế chiến II.
Duy Sơn