Tháng 11/2016, Trung Quốc tổ chức triển lãm hàng không Chu Hải với 700 gian hàng nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng tiềm năng từ châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn đang có nhiều vấn đề, cản trở việc xuất khẩu vũ khí của nước này, theo War Is Boring.
"Dù thu hút được sự quan tâm của khách hàng tiềm năng, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một loạt trở ngại của ngành công nghiệp thương mại quốc phòng", Phòng Nghiên cứu Quân đội Nước ngoài (FMSO) của quân đội Mỹ cho biết.
Nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn bị đánh giá là chưa đủ độ tin cậy, do các hệ thống thường xuyên gặp trục trặc hoặc lỗi thiết kế. Bắc Kinh còn thiếu các dịch vụ đi kèm như huấn luyện và bảo dưỡng trang thiết bị cho khách hàng. Một số quốc gia còn không có niềm tin chính trị với Trung Quốc, FMSO nhận định.
Chuyên gia Kevin Knodell cho rằng Trung Quốc đã vươn tới mọi ngóc ngách trên thế giới thông qua việc bán vũ khí. Hai phần ba quốc gia tại châu Phi đang sử dụng vũ khí do nước này chế tạo. Chỉ trong vài năm qua, doanh số xuất khẩu vũ khí Trung Quốc đã tăng kỷ lục. Tuy nhiên, không lâu sau đó, các thương vụ vũ khí giảm dần, Nga và Mỹ vẫn giữ vị thế thống trị thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu.
Hồi tháng 9, các tập đoàn sản xuất vũ khí Trung Quốc đã phải chật vật tìm khách hàng ở triển lãm hàng không Nam Phi. Ngay cả các quan chức ở Bắc Kinh cũng nỗ lực tiếp thị tiêm kích JF-17, mẫu chiến đấu cơ liên doanh giữa Trung Quốc và Pakistan được cho là có uy lực tương đương F-16 của Mỹ.
Các nước châu Phi ngày càng thận trọng hơn sau những hậu quả của việc mua vũ khí giá rẻ của Trung Quốc. Nigeria là quốc gia duy nhất ở châu lục này đặt mua tiêm kích JF-17.
Cameroon từng mua 4 trực thăng hoàn toàn mới của Trung Quốc. Một trực thăng trong số đó bị rơi không lâu sau khi bàn giao, khiến việc mua sắm bị đình chỉ, đồng thời làm dấy lên những lo ngại về chất lượng vũ khí Trung Quốc.
So với các vũ khí đã được thử lửa trên chiến trường của Nga và Mỹ, nhiều hệ thống của Trung Quốc vẫn chưa chứng tỏ được uy lực trước các khách hàng mới.
Trong cuộc tập trận của hải quân Indonesia hôm 14/9, hai tên lửa C-705 do Trung Quốc chế tạo đã bắn trượt mục tiêu sau khi phóng đi từ tàu tấn công KCR-40. Đó là sự cố đáng xấu hổ, bởi nó diễn ra ngay trước mắt Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi ông thị sát tập trận.
Zhou Chenming, chuyên gia trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, đã tìm cách đổ lỗi cho yếu tố con người trong sự cố trên. "Khi tên lửa được phóng đi, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tên lửa bắn trúng mục tiêu giả định", Zhou nói trên SCMP.
Zhou cho rằng tên lửa C-705 cùng các phiên bản tầm ngắn hơn như C-701 và C-704 đã phát huy hiệu quả trong cuộc tấn công phá hủy tàu chiến của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) do phiến quân Houthi thực hiện.
Vũ khí Trung Quốc đã được nhiều nhóm vũ trang trên thế giới sử dụng do không có đối thủ cạnh tranh. Chính quyền Sudan ở Khartoum là đầu mối nhập khẩu chính của vũ khí quân sự Trung Quốc
Quân đội chính phủ Nam Sudan trung thành với Tổng thống Salva Kiir sở hữu các tên lửa phòng không do Trung Quốc sản xuất, trong khi phe nổi dậy được Khartoum hỗ trợ cũng mua nhiều loại khí tài mới của Bắc Kinh.
Việc xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang châu Phi luôn đi kèm với khoản đầu tư của các công ty nước này. Bắc Kinh hy vọng thu lời từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như có khả năng xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài.
"Thương mại là yếu tố then chốt trong việc tăng cường sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc có thể tăng cường độ tin cậy của công nghệ quân sự, họ sẽ nâng cao uy tín của nền công nghiệp quốc phòng", FMSO nhận định.
Duy Sơn