Khi các vụ tấn công Brussels làm rung chuyển châu Âu và khiến Mỹ lo lắng, Tổng thống Barack Obama giữ nguyên chương trình nghị sự trong chuyến đi Cuba: một bài phát biểu với nhân dân Cuba và đi xem một trận bóng chày.
Các nhà phê bình như ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa John Kasich đã chỉ trích ông Obama, cho rằng ông cần trở về Mỹ ngay lập tức. "Tổng thống phải trở về nhà ngay lập tức và làm việc với các đồng minh để đáp trả những kẻ thù của phương Tây bằng sức mạnh", ông Kasich viết trên Twitter.
Tại một cuộc họp báo, thống đốc bang Ohio này còn nói rằng: "Nếu tôi ở Cuba ngay bây giờ, điều cuối cùng tôi sẽ làm là đi xem một trận đấu bóng chày".
Ứng viên khác của đảng Cộng hòa Ted Cruz cũng cho rằng: "Tổng thống Obama nên trở về Mỹ để giữ đất nước này an toàn, hoặc ông ấy cần chuẩn bị đến Brussels", ông Cruz nói.
Ứng viên đang dẫn đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump thì viết trên Twitter rằng "sự điên rồ này phải được ngừng lại và tôi sẽ ngăn chặn nó".
Bình tĩnh
Tổng thống Mỹ cho biết ông giữ nguyên lịch trình nhằm khiến những kẻ khủng bố thấy rằng chúng đã thất bại. "Mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố là cố gắng phá vỡ cuộc sống thường ngày của người dân", ông Obama giải thích quyết định của mình tại Havana, khi ngồi trên khán đài trận đấu giao hữu giữa đội bóng chày Mỹ Bay Rays Tampa và đội tuyển quốc gia Cuba.
Video: Obama xem bóng chày ở Cuba
Cách tiếp cận này hé mở về thế giới quan của tổng thống Mỹ. Ông Obama luôn mong muốn nhấn mạnh lợi ích lâu dài trong trường hợp khẩn cấp và giữ bình tĩnh tại thời điểm dư luận rất lo lắng. Cách hành động này đôi khi khiến ông phải hứng chịu chỉ trích, khiến các trợ lý lo ngại rằng sự bình tĩnh của ông có thể làm mất lòng người dân Mỹ.
Sau khi vụ khủng bố Bỉ xảy ra, ông đã phát biểu ngắn gọn về cuộc tấn công, trước khi tiếp tục bài phát biểu dành cho nhân dân Cuba, tập trung vào việc mở ra một kỷ nguyên mới với quốc đảo này. Các lịch trình sau đó của nhà lãnh đạo này cũng không thay đổi.
Theo CNN, tại Havana, ông Obama không chỉ đơn giản là đi xem một trận đấu thể thao, ông muốn thể hiện sự bình tĩnh, cứng rắn - tinh thần mà ông muốn người Mỹ giữ trong thời điểm căng thẳng quốc gia. Ông nhắc đến bài phát biểu trước trận đấu của cầu thủ bóng chày đội Red Sox, David Ortiz, ngay sau khi vụ đánh bom giải marathon Boston xảy ra năm 2013.
Ortiz đã kêu gọi người hâm mộ "giữ tinh thần mạnh mẽ", nói với đám đông rằng "đây là thành phố của chúng ta và không ai có thể áp chế tự do của chúng ta".
Ông Obama nhận xét rằng "đó là sự phục hồi tinh thần và sức mạnh mà chúng ta phải liên tục thể hiện trước những kẻ khủng bố".
"Chúng muốn dọa dẫm chúng ta", ông Obama nói, "Chúng muốn làm mọi người sợ hãi, đảo lộn cuộc sống hàng ngày và chia rẽ chúng ta. Miễn là chúng ta không để điều đó xảy ra, chúng ta sẽ không sao cả".
Liên minh 60 quốc gia đang liên tục tấn công nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tổ chức đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, ông Obama nhấn mạnh.
Giữ cách tiếp cận
Các quan chức Mỹ và châu Âu nói rằng, trong thực tế, nơi ở của tổng thống ít có ảnh hưởng đến nỗ lực chống khủng bố, hay đến khả năng làm việc với lãnh đạo các nước khác.
Sáng hôm 22/3, sau khi được thông báo về các cuộc tấn công, Tổng thống Mỹ đã điện đàm cho Thủ tướng Bỉ để chia buồn và cho biết Washington sẵn sàng hỗ trợ điều tra và đưa kẻ giết người ra trước công lý.
"Tổng thống có thể hoạt động ở bất cứ đâu trên thế giới, và ông đã chứng minh điều đó", nghị sĩ đảng Dân chủ làm việc trong ủy ban tình báo hạ viện Eric Swalwell nói.
Swalwell nói rằng ông Obama đã được các quan chức tình báo thông báo vắn tắt về tình hình và sẽ đảm bảo các quan chức cấp dưới làm việc hiệu quả. "Chúng ta cần phải tin tưởng ông ấy sẽ làm vậy", Swalwell nói thêm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lòng tin là chưa đủ. Trong chuyến đi châu Á hồi tháng 11 năm ngoái, sự kiện mà ông Obama hy vọng sẽ củng cố quan hệ giữa Mỹ với khu vực này, truyền thông đã thắc mắc vì sao ông không đề cập đến các vụ tấn công khủng bố tàn bạo ở Paris chỉ vài ngày trước đó.
Ông thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 12 năm ngoái rằng cách tiếp cận bình tĩnh của ông khiến nhiều người Mỹ lo lắng rằng tổng thống đã không làm đủ để đảm bảo an ninh cho họ.
Tuy nhiên, điều đó dường như không thay đổi cách tiếp cận của ông trong vụ khủng bố Bỉ. Lý do có thể nằm trong một bài viết trên tạp chí The Atlantic, mô tả tổng thống dường như thất vọng khi khủng bố liên tục làm ảnh hưởng đến những ưu tiên dài hạn của mình, bao gồm việc cải thiện quan hệ với Mỹ Latin và tăng cường liên kết với châu Á.
Sau hậu trường, các quan chức Mỹ và châu Âu nói rằng hợp tác giữa các bên từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 liên tục được cải thiện. Bộ An ninh Nội địa, FBI, cơ quan tình báo và Bộ Ngoại giao Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác để trao đổi thông tin.
Các quan chức Mỹ nhận định cuộc tấn công Brussels là dấu hiệu cho thấy chiến dịch chống lại IS đang thành công. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết tuy Mỹ chưa thể xác nhận tuyên bố nhận trách nhiệm đánh bom của IS, Mỹ tin rằng IS đang phải dùng đến kiểu tấn công khủng bố này để đáp trả cho việc nhóm ngày càng mất nhiều đất và cơ sở hạ tầng ở Iraq và Syria.
"IS ngày càng dùng nhiều kiểu tấn công này, vì chúng đang bị gây áp lực và bị bóp nghẹt về địa bàn và tổ chức tại Iraq và Syria".
Xem thêm: Đánh bom Brussels, IS có thể đang hoảng loạn
Phương Vũ