Tại thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, chính phủ Trung Quốc đang quy hoạch xây dựng một đường hầm dưới biển dài nhất thế giới, nối hải cảng này với cảng Yên Đài tại tỉnh Sơn Đông. Đây được coi là công trình ngoài sức tưởng tượng, bởi chiều dài dự kiến sẽ gấp đôi đường hầm eo biển Manche nối Anh với Pháp, lên đến hơn 100 km, với tổng giá thành xây dựng là 36 tỷ USD.
Đây chỉ là một phần của dự án xây dựng mạng lưới giao thông ngầm của Đại Liên với tổng chiều dài lên đến 260 km. Thành phố này còn định đầu tư 4,3 tỷ USD để xây dựng công trình sân bay trên biển lớn nhất thế giới.
Trên khắp các vùng miền của Trung Quốc, các công trình khổng lồ với giá thành hàng tỷ, chục tỷ USD như vậy, đang được tấp nập tiến hành, như cây cầu dài nhất thế giới, sân bay lớn nhất thế giới và đường ống dẫn khí đốt dài nhất thế giới. Nổi tiếng nhất là Công trình chuyển nước Bắc - Nam, ý tưởng chuyển nước từ sông Dương Tử ở phía nam lên sông Hoàng Hà ở phía Bắc Trung Quốc của Chủ tịch Mao Trạch Đông, kéo dài 2.400 km, với tổng kinh phí lên đến 80 tỷ USD.
Các siêu công trình tỷ USD tại Trung Quốc
Trung Quốc có truyền thống xây dựng các công trình khổng lồ nhằm phô diễn sức mạnh quốc gia, từ Vạn lý trường thành đến Đại Vận Hà rồi đập Tam Hiệp. Mặc dù mọi người hiện nay đang đặt câu hỏi về khả năng tiếp tục tăng trưởng cao của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lãnh đạo quốc gia này vẫn quyết định đầu tư lớn cho các công trình trên. Trong năm 2014, Ủy ban Phát triển và Cải cách đã phê duyệt 21 siêu công trình, với tổng mức đầu tư đạt 115 tỷ USD.
"Sở thích của Trung Quốc với các siêu công trình như vậy đã có từ lâu", chuyên gia kinh tế Hoàng Dục Xuyên thuộc Trung tâm nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie cho biết. "Đây là một phần của xã hội và nền văn hóa. Công trình phải đủ lớn, mới đủ sức ảnh hưởng với quốc gia".
Trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc, các siêu công trình có giá trị và mang tính tất yếu. Các siêu công trình được cho là sẽ góp phần củng cố địa vị cường quốc chế tạo và thương mại của Trung Quốc. Tháng 11/2014, nước này chính thức khai thông tuyến đường sắt dài gần 10.000 km, vận chuyển hàng từ miền đông Trung Quốc đến Tây Ban Nha. Đây là tuyến đường sắt dài nhất thế giới, vượt xa tuyến đường sắt xuyên Siberia nổi tiếng.
Bắc Kinh cũng hy vọng các doanh nghiệp nước này vận dụng kỹ thuật mới trong các siêu công trình trong nước vào các dự án nước ngoài. Thành phố Boston của Mỹ đang đặt mua hệ thống tàu điện ngầm của Trung Quốc. Argentina, Pakistan và Nga đang đề nghị nước này nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng của mình.
Nhưng quan trọng hơn cả, các siêu công trình được cho là một phần quan trọng của quá trình hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa", khái niệm được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra nhằm chỉ "sự phục hưng vĩ đại của dân tộc".
"Đối với Trung Quốc, làm như vậy phần nhiều là liên quan đến việc xây dựng tinh thần dân tộc. Điều đó giống như một ngọn hải đăng, khiến tất cả mọi người đều nhìn thấy khả năng của dân tộc Trung Hoa", Giáo sư Bent Flyvbjerg thuộc Đại học Oxford bình luận.
Nghi vấn về năng lực thực hiện
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về nhu cầu và khả năng thực sự của Trung Quốc khi tiến hành xây dựng nhiều siêu công trình đến như vậy. Bắc Kinh đang nỗ lực xoay chuyển xu thế tăng trưởng kinh tế dựa vào đầu tư nhà nước, trong khi các siêu công trình hoàn toàn đi ngược lại với chính sách trên. Mặt khác, chính phủ cũng phải đối diện với nguy cơ nợ công quá lớn.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong năm 2013, chỉ riêng nợ công của chính quyền địa phương đã lên đến 3.100 tỷ USD, chiếm một phần ba tổng lượng nền kinh tế. Đây được coi là nhân tố trở ngại lâu dài với tăng trưởng.
"Họ nên cảm thấy lo lắng, bởi khả năng lợi nhuận của các siêu công trình là rất nhỏ", Giáo sư Victor Shih thuộc Đại học California bình luận.
Tại trung tâm tài chính của Thượng Hải, hàng trăm công nhân đang tiến hành các công đoạn hoàn thiện cuối cùng cho Tháp Trung tâm Thượng Hải, công trình dự kiến cao thứ hai thế giới, cao 632 mét và tổng kinh phí lên đến 2,4 tỷ USD. Còn tại phía đông thành phố, chính quyền đang cho xây dựng công viên Disney lớn nhất thế giới, trị giá hơn 5 tỷ USD.
Với thế mạnh là trung tâm tài chính thế giới và thiên đường du lịch, Thượng Hải có đủ tiềm lực tài chính cho các siêu công trình, nhưng các tỉnh và thành phố khác lại không có những ưu thế trên.
Thành phố Thiên Tân buộc phải mang nợ lớn, để theo đuổi dự án xây dựng New York thứ hai, với các công trình tương tự như Trung tâm Rockefeller và Trung tâm Lincoln nổi tiếng. Nhưng nay, dự án này đang rơi vào bế tắc vì thiếu vốn. Hàng chục cao ốc và khu biệt thự bị bỏ hoang vì chưa được hoàn thiện.
"Trong thời buổi suy thoái kinh tế, khi nguồn vốn và sức lao động không được tận dụng hết mức, thì việc tăng cường chi cho các công trình cơ sở hạ tầng là hợp tình hợp lý", ông David Dollar, cựu quan chức Ngân hàng Thế giới, cho biết. "Nhưng nếu như trụ cột của tăng trưởng kinh tế là các công trình không cần thiết, thì tăng trưởng sớm muộn sẽ sụt giảm".
Mặt khác, việc xây dựng các siêu công trình luôn đi kèm với việc giải phóng mặt bằng, chặt phá rừng, chỉnh dòng chảy của sông ngòi, từ đó gây ra các tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường sống.
Tại thành phố Lan Châu miền tây bắc Trung Quốc, chính quyền quyết tâm san phẳng 700 ngọn núi để xây dựng khu thương mại mới, bất chấp sự lo ngại về tác động tiêu cực của dự án này đến hệ sinh thái.
"Khi con người nghĩ rằng mình có thể khống chế tự nhiên, thì cũng là lúc chúng ta bước vào một con đường đầy nguy hiểm", nhà xã hội học Paul Gellert thuộc Đại học Tennessee bình luận. "Điều này chắc chắn sẽ gây ra ảnh hưởng bất lợi cho môi trường và xã hội".
Đức Dương (theo New York Times)