Trung Quốc đang phải gồng mình đối phó với việc các mặt hàng xuất khẩu của nước này giảm sức hút tại thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng chịu nhiều áp lực khi phải tìm biện pháp ổn định đồng nội tệ trong bối cảnh thị trường tài chính hỗn loạn.
Song giới chuyên gia kinh tế và phân tích chính trị cho rằng nếu "vụ ly dị" giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) hoàn thành, những công ty giàu nguồn lực của Trung Quốc sẽ là bên đắc lợi khi mà cả Anh và các quốc gia châu Âu đều sẽ tìm đến họ để hợp tác kinh doanh. Ngoài ra, những chính sách đãi ngộ từ Bắc Kinh nhằm thắt chặt các mối quan hệ chính trị cũng là một động lực đặc biệt thúc đẩy hợp tác, theo AP.
"Một trong những lợi thế mà Trung Quốc có thể nhận được từ việc Anh rời EU (Brexit) là một mối quan hệ kinh tế ngày càng mạnh mẽ và gần gũi hơn với Anh, thậm chí với cả EU", Zhang Lihua, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ Trung Quốc - châu Âu tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận xét. "Trong tình hình hiện nay, cả Anh và EU đều cần hợp tác với Trung Quốc".
Các lãnh đạo Trung Quốc từng lên tiếng kêu gọi Anh ở lại EU và tránh đề cập đến những lợi ích tiềm tàng nếu Brexit xảy ra. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua còn cho hay Bắc Kinh muốn nhìn thấy một châu Âu "đoàn kết và ổn định" cũng như một nước Anh "ổn định và thịnh vượng".
"Chúng ta đang phải chứng kiến cảnh kinh tế thế giới rơi vào bất ổn", ông Lý phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tổ chức ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. "Chúng ta cần chung tay giải quyết các thách thức, củng cố niềm tin và tạo ra một môi trường quốc tế ổn định".
Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất và vô cùng quan trọng của Trung Quốc. Giới đầu tư Trung Quốc từ lâu đã coi đây là một thị trường cởi mở và tiềm năng hơn so với Mỹ, nơi mà các thương vụ mua bán thường gặp nhiều trở ngại bởi những mối lo lắng về an ninh.
Các thương nhân Trung Quốc hiện là chủ sở hữu công ty Club Med, nhà sản xuất lốp xe Pirelli đến từ Pháp, hãng xe Volvo, hãng ngũ cốc Weetabix, hay đội bóng Inter Milan (Italy) và Aston Villa (Anh).
London trong khi đó là trung tâm lớn thứ hai thế giới bên ngoài Trung Quốc chuyên xử lý các giao dịch bằng nhân dân tệ.
Ông Lu Zhengwei, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Ngân hàng Công nghiệp ở Thượng Hải, nhận định Anh có những công nghệ mà Trung Quốc rất cần cho giai đoạn phát triển hòng thoát khỏi hình ảnh "công xưởng thế giới".
"Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ những kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Anh", Lu nói. "Tôi cho rằng chúng ta nên tận dụng cơ hội này để thiết lập một cơ chế tự do thương mại giữa Anh và Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác song phương".
Ngoài ra, hợp tác kinh tế gần gũi còn góp phần hâm nóng các mối quan hệ chính trị, ông Zhang nhấn mạnh. "Anh và EU có thể sẽ trở nên thân thiện hơn với Trung Quốc về mặt chính trị nhưng đây không phải điều mà Trung Quốc cố gắng tìm kiếm", ông nói.
Nhưng theo ông Liu Yuanchun, lãnh đạo Học viện Quốc gia về Chiến lược và Phát triển thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, việc hợp tác riêng rẽ với mỗi bên sẽ cho phép Bắc Kinh đạt được những thỏa thuận mà trước đây không thể thông qua bởi chúng cần có sự đồng thuận của cả châu Âu và Anh.
"Lợi ích chính trị đối với Trung Quốc còn lớn hơn lợi ích kinh tế", Liu đánh giá.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng phải đối mặt với một rủi ro là việc Anh rời EU có thể tạo điều kiện để các thành viên khác của khối thoải mái hơn trong thực thi những biện pháp cứng rắn nhằm giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc, nhất là ở ngành thép.
EU và Mỹ cáo buộc Trung Quốc bán phá giá thép, gây ảnh hưởng tới các đối thủ cạnh tranh, khiến hàng nghìn người có nguy cơ mất việc làm. Mỹ đã áp đặt thuế chống bán phá giá lên đến 522% với mặt hàng thép của Trung Quốc, nhưng tại EU, sự phản đối từ Anh khiến liên minh này không thể áp mức thuế cao hơn.
Trong ngắn hạn, tình trạng bất ổn ở châu Âu hậu Brexit nhiều khả năng sẽ làm giảm nhu cầu đối với các mặt hàng Trung Quốc nhưng mức độ ảnh hưởng tới thương mại sẽ ít hơn so với cách đây 10 năm, giới quan sát dự đoán. Tỷ lệ xuất khẩu của Trung Quốc năm ngoái giảm xuống mức 22%, so với mức 33% của năm 2007.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, một vấn đề nghiêm trọng hơn đối với Trung Quốc là áp lực giảm giá lên đồng nhân dân tệ trên các thị trường tiền tệ toàn cầu.
Đồng bảng Anh và euro được 17 nước EU sử dụng đã giảm giá tương đối so với USD. Khi đồng tiền của các quốc gia đang phát triển khác cũng suy yếu, ngân hàng trung trương Trung Quốc buộc phải quyết định liệu họ có nên để đồng nhân dân tệ giảm giá cùng không hay vẫn neo theo đồng USD.
Năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phải chi tới 10 tỷ USD để chống đỡ cho đồng nhân dân tệ sau khi chính quyền nước này điều chỉnh cơ chế thiết lập tỷ giá hối đoái khiến đồng nội tệ rớt giá. Hành động ấy tạo ra suy đoán rằng Bắc Kinh làm yếu đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu, khiến không ít nhà đầu tư chuyển vốn khỏi Trung Quốc.
Nếu đồng USD tăng giá so với nhân dân tệ, "điều này sẽ khơi dậy một làn sóng hoang mang trước kịch bản nhân dân tệ lao dốc, từ đó khiến dòng vốn rời Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh", Julian Evans-Pritchard và Mark Williams từ công ty tư vấn kinh tế Capital Economics, trụ sở ở London, mới đây phân tích trong một báo cáo.
Xem thêm: Nước mắt rơi sau cánh cửa đóng của văn phòng thủ tướng Anh
Vũ Hoàng