Những ngày gần đây trên báo chí quốc tế liên tục có thông tin về việc Trung Quốc đang phát triển tên lửa tiêu diệt tàu sân bay, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5, cùng những lời nhận xét rằng Mỹ có thể đã đánh giá thấp năng lực quốc phòng của Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc tại Thành Đô, Tứ Xuyên, trước khi thử nghiệm. Ảnh: AP/KyodoNews. |
Chuyến công du 5 ngày tới đây của Bộ trưởng Mỹ Robert Gates sẽ chính thức nối lại quan hệ quân sự giữa hai nước, từng bị gián đoạn đầu năm ngoái sau khi Mỹ công bố bán lượng vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Đài Loan. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2000, một bộ trưởng quốc phòng đương nhiệm của Mỹ thăm Trung Quốc.
Trong một năm qua, quan điểm ngoại giao và quân sự Trung Quốc dường như ngày càng mạnh mẽ hơn, thậm chí là cứng rắn, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến biển đảo. Nhiều nước châu Á, lo ngại, đã tìm đến Mỹ, và Mỹ cũng đang tìm các bước đi nhằm tăng cường can dự ở khu vực.
"Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mà các nhà quan sát cho là chạy đua về an ninh giữa Trung Quốc và Mỹ", Dan Blumenthal, cựu giám đốc phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Lầu Năm Góc và hiện là nghiên cứu viên của American Enterprise Institute, phát biểu trên Washington Post.
Bắc Kinh luôn khẳng định sự lớn mạnh quân sự của họ mang bản chất phòng vệ mà thôi. Trong tháng gần đây, các quan chức nước này đã dịu giọng hơn khi nói về quan hệ quân sự với Mỹ, chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Washington DC tháng này. Chuyến công cán của ông Gates là biểu hiện rõ nhất cho sự trở lại của các liên lạc quân sự đôi bên và cho thấy dấu hiệu hòa giải.
Tuy nhiên sự tăng trưởng quân sự của Trung Quốc không khỏi khiến các láng giềng cũng như các thế lực quốc tế lo ngại. Trong một cuộc phỏng vấn phát hôm qua tại Mỹ, ông Gates nói rằng nước Mỹ cần quan tâm đến sự tăng tiến của Trung Quốc, nhưng "không có lý do gì coi Trung Quốc là đối thủ".
Rosemary Foot, một giáo sư về quan hệ quốc tế của đại học Oxford, nhận định rằng ban lãnh đạo Trung Quốc đang đứng giữa hai dòng quan điểm: một bên là tận dụng sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ hiện nay để tăng cường thế lực của Trung Quốc, đặt ra các yêu sách về ngoại giao; với một bên là nỗi lo ngại rằng một chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn có thể sẽ làm hỏng 15 năm công lao quảng bá sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.
Victor Cha, cựu giám đốc phụ trách châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia thời tổng thống George W. Bush cho rằng Mỹ cần tìm hiểu xem quân đội Trung Quốc coi sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ là một cơ hội hay một nguy cơ đối với sự ổn định ở khu vực.
Trong năm qua Trung Quốc đã nhiều lần điều các tàu hải quân và máy bay quân sự đến gần lãnh thổ tranh chấp với Nhật Bản. Hồi tháng 4, các tàu của Trung Quốc có mặt ở hải phận quốc tế gần đảo Okinawa, còn trực thăng Trung Quốc bay chỉ cách một tàu quân đội Nhật 90 mét khi tàu này theo dõi một cuộc tập trận của Trung Quốc.
Tại Đông Nam Á, việc Trung Quốc khẳng định mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền đối với những đảo tránh chấp đã khiến ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên tiếng, rằng Washington coi việc giải quyết hòa bình các tranh chấp đó là lợi ích quốc gia của Mỹ.
Những tuyên bố như thế cùng với việc Mỹ tái khẳng định cam kết ở châu Á khiến Trung Quốc quan ngại. Ông Niu Jun, giáo sư khoa quan hệ quốc tế đại học Bắc Kinh, nói: "Trung Quốc muốn tìm hiểu xem tại sao lại thế".
Điều kiện kinh tế dồi dào tạo điều kiện cho Trung Quốc đẩy nhanh chương trình phát triển các công nghệ mới. Giới quan sát nhận định rằng một thập kỷ tăng tốc hiện đại hóa quân đội, vốn xưa lạc hậu, của Trung Quốc giờ đã cho thành quả. Và điều đó khiến cả Lầu Năm Góc lẫn những người láng giềng của nước này phải quan tâm.
Đúng là họ có nhiều thành quả để cho thế giới thấy. Suốt hai tuần nay ảnh của một loại chiến đấu cơ tàng hình của Trung Quốc xuất hiện đầy trên mạng. Các quan chức Trung Quốc cho biết họ muốn triển khai loại phi cơ này trong vòng 8 đến 10 năm nữa. Một số nguồn tin nói máy bay J-20 này sánh ngang phi cơ chiến đấu thế hệ thứ năm cực kỳ hiện đại mà mới chỉ có Mỹ sở hữu, còn Nga đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm. J-20 được cho là có khả năng mang tên lửa, tiếp liệu trên không, tầm hoạt động vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc.
Tờ New York Times cho hay tuần trước J-20 đã được chạy thử nghiệm tại trung tâm hàng không Thành Đô. Quá trình phát triển J-20 rất bí mật nhưng cuộc chạy thử này lại rất công khai. Báo dẫn lời một số chuyên gia bình luận rằng thời điểm chạy thử này không phải là vô tình trùng với chuyến thăm của ông Gates.
"Đây là chính sách mới về răn đe", Andrei Chang, chủ bút phiên bản Hong Kong của tạp chí quân sự Canada Kanwa Defense Weekly, nhận xét khi đưa tin về cuộc thử nghiệm. "Họ muốn cho Mỹ, cho ông Gates, thấy sức mạnh của họ".
Trung Quốc cũng đang tiến tới bước công bố tàu sân bay đầu tiên, dù nước này có thể cần nhiều năm để vận hành được một bộ máy khổng lồ như thế. Trung Quốc đang đại tu một hàng không mẫu hạm của Ukraina để dùng cho mục đích huấn luyện, theo tin tình báo của hải quân Mỹ.
Hạm đội tàu ngầm 60 chiếc của Trung Quốc, vào loại lớn nhất châu Á, đang được nâng cấp bằng những tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và siêu êm, cùng các tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo, New York Times cho hay.
Một trong những mối quan tâm nữa của Mỹ và các nước là tên lửa Đông Phong DF-21D, được mệnh danh là sát thủ đối với tàu sân bay. Một khi Trung Quốc có loại tên lửa này, cán cân lực lượng ở Thái Bình Dương có thể thay đổi bởi nó sẽ kìm chân các con tàu đối phương ở vị trí cách xa đại lục. Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, đô đốc Robert Willard, tuần trước phát biểu trên một tờ báo Nhật rằng loại tên lửa này đã "có khả năng triển khai bước đầu", có nghĩa là Trung Quốc đã có được phiên bản hoạt động được và đang chờ phát triển thêm.
Đương nhiên, Trung Quốc có lý lẽ cho việc tăng năng lực quân sự của mình. Đó là, các khí tài để tự vệ như tàu sân bay, tên lửa chống hạm và phi cơ chiến đấu tàng hình là những công cụ cần thiết để khẳng định chủ quyền với Đài Loan bằng vũ lực khi cần, nếu các nhà cầm quyền ở hòn đảo này tuyên bố độc lập. Bắc Kinh khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và là một trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Bên cạnh đó một số quan chức Trung Quốc tỏ ý lo ngại rằng với việc Mỹ xây dựng liên minh với những quốc gia Trung Á, cuối cùng Trung Quốc sẽ bị bao vây bởi một vành đai, như có thể thấy hiện nay ở sườn phía đông của họ. Ở phía này, Trung Quốc nằm trong nửa vòng tròn tạo bởi các đồng minh của Washington như Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan.
Tuy nhiên những động thái gần đây của Trung Quốc trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển như với Nhật Bản hay một số nước Đông Nam Á không khỏi khiến Mỹ và những quốc gia này lo ngại.
Nhưng ngược lại, nhiều chuyên gia quân sự lại cho rằng Lầu Năm Góc không cần phải đánh giá quá cao các bước phát triển hay mua sắm quân sự của Trung Quốc, bởi có thể đó là chuyện được làm cho to tát lên.
Zhu Feng, chuyên gia quân sự hàng đầu người Trung Quốc, cho biết ông không quá xem trọng những tin tức về sự tiến bộ chóng vánh của các vũ khí tối tân đó.
"Câu chuyện thực là gì?" Zhu nói. "Tôi phải hoài nghi. Tôi đã thấy vô số dòng tít đao to búa lớn về việc (Trung Quốc) mua sắm vũ khí. Nhưng đằng sau đó là gì, tôi e là có sự thổi phồng".
Thanh Mai