Đô đốc Robert Willard, trên tờ Asahi Shimbun của Nhật số ra hôm nay, nói ông tin rằng chương trình tên lửa chống hàng không mẫu hạm của Trung Quốc đã đạt được "khả năng tác chiến ban đầu", nghĩa là phiên bản có thể sử dụng được đã xong và đang được tiếp tục phát triển.
Tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận ở biển Hoa Đông đầu năm nay. Ảnh: Xinhua. |
Được giới quân sự đặt tên là "sát thủ của tàu sân bay", tên lửa Đông Phong 21D có thể là yếu tố làm thay đổi cơ cấu an ninh ở châu Á, nơi mà Mỹ, với các hạm đội tàu sân bay vẫn làm chủ đại dương suốt từ Thế chiến II.
Điểm đặc biệt của Đông Phong 21D là khả năng tấn công mục tiêu được bảo vệ cực kỳ vững chắc với độ chính xác cao - một khả năng mà các nhà hoạch định chiến lược của hải quân Mỹ đang tìm cách để có thể đối phó.
Các bộ phận cấu thành của hệ thống tên lửa này có thể đã được thiết kế và thử nghiệm, tuy nhiên các lực lượng Mỹ chưa phát hiện lần thử nghiệm trên mặt nước nào. Thử nghiệm trên mặt nước sẽ cho thấy khả năng tấn công một mục tiêu di động trên đại dương, trong trường hợp này là chiến hạm, AP dẫn lời đô đốc Willard.
Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương cho rằng Trung Quốc còn cần nhiều năm nữa để thử nghiệm tên lửa. Hệ thống này đòi hỏi phương tiện dẫn đường tiên tiến. Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng Bắc Kinh sẽ phải mất một thập kỷ nữa để hiện thực hóa khả năng của tên lửa loại này.
Tên lửa chống mẫu hạm được cho là một thành tố quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm ngăn cản các máy bay và tàu của Mỹ tiếp cận vùng nước phía ngoài bờ biển của Trung Quốc. Tổng thể chiến lược này còn bao gồm nhiều thành tố khác tạo thành các lớp bảo vệ như hệ thống phòng không, tàu ngầm và hệ thống tên lửa đạn đạo tinh vi - tất cả đan vào nhau cùng với một mạng lưới vệ tinh quân sự.
Với khả năng tối đa, tên lửa Đông Phong 21D có thể được phóng từ đất liền tới mục tiêu là tàu sân bay có lưới bảo vệ tiên tiến ở khoảng cách 1500 km. Điều này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng khả năng can thiệp của Mỹ nếu có biến cố xảy ra trong khu vực.
Khi được hỏi về bình luận của Đô đốc Willard hôm nay, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Khương Du đề nghị chuyển vấn đề sang các bộ quốc phòng, nhưng bà khẳng định quan điểm Trung Quốc mở rộng thế lực quân sự không đe dọa ai.
"Tôi khẳng định rằng Trung Quốc theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính chất phòng vệ. ... Chúng tôi không đe dọa bất cứ quốc gia nào. Chúng tôi luôn luôn là lực lượng bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực", bà Khương nói.
Thông thường Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bao giờ bình luận về các loại vũ khí trước khi chúng được đưa ra tác chiến. Tuy nhiên tên lửa 21D - có tốc độ gấp 10 lần âm thanh và mang đầu đạn thông thường - được bàn tán nhiều trên mạng.
Thanh Mai