Tổng thống Vladimir Putin hồi đầu tuần bất ngờ ra lệnh rút phần lớn quân khỏi Syria từ ngày 15/3. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Putin đã gọi điện thông báo cho Tổng thống Syria Bashar Assad về quyết định của Moscow, nhưng hai nhà lãnh đạo không thảo luận về tương lai của ông Assad - trở ngại lớn nhất trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình ở Syria.
Tại cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng Nga, ông Putin cho biết sự can thiệp của Moscow đã hoàn thành mục tiêu bằng cách giúp quân đội của ông Assad đảo ngược cục diện chiến tranh. Ông nói thêm rằng hành động này sẽ là chất xúc tác cho các cuộc đàm phán chính trị về tình hình Syria.
Theo AP, với việc giành ưu thế trên chiến trường nhờ sự hỗ trợ của Nga, ông Assad đã có quan điểm cứng rắn hơn, khi thề sẽ tiếp tục chiến đấu chừng nào giành lại hết từng tấc đất lãnh thổ Syria. Đây là tuyên bố khiến Nga phật lòng. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cảnh báo ông Assad sẽ đối mặt hậu quả thảm khốc nếu không tuân theo Moscow trong tiến trình hòa bình.
Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem trong một cuộc họp báo khẳng định, bất kỳ bàn luận nào về việc phế truất ông Assad trong giai đoạn chuyển tiếp theo đề xuất của Liên Hợp Quốc là "ranh giới đỏ", ranh giới mà nếu vượt qua có thể phải đối mặt hậu quả. Ông al-Moallem cũng bác bỏ kêu gọi của quốc tế về việc tổ chức bầu cử tổng thống trong vòng 18 tháng tới, dù đây là yêu sách chủ chốt của phe đối lập.
Ông Joshua Landis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông, Đại học Oklahoma cho rằng: "Ông Putin là một người đầy toan tính. Nga đang gửi một thông điệp tới ông Assad, người gần đây có vẻ đã tự tin quá mức".
Theo Independent, tuy vẫn còn thận trọng về mức độ rút quân của Nga, các nhà ngoại giao phương Tây dự đoán rằng ông Putin đã sẵn sàng bỏ rơi tổng thống Syria.
Các nhà ngoại giao cho rằng tổng thống Nga đã đạt được mục tiêu của mình trong việc bảo vệ lợi ích của Nga ở Syria và tái lập Moscow là người chơi ảnh hưởng lớn tại Trung Đông. Họ tin rằng ông Putin không ngần ngại "vứt bỏ" ông Assad, miễn là chính quyền nhà nước Syria vẫn được duy trì, nhằm giúp Nga vẫn giữ ảnh hưởng tại Syria và duy trì hai căn cứ quân sự tại nước này.
"Chúng tôi hiểu rằng ông Putin không gắn bó chặt chẽ với ông Assad", một nhà ngoại giao nói. "Người Nga hiểu rằng lực lượng của ông Assad gây mất ổn định. Nếu có một sự chuyển tiếp ôn hòa, ông Assad không được ở lại".
"Họ từng có sự đan xen về lợi ích trong vài tháng qua. Giờ người Nga đang nói với ông Assad rằng 'từ đây chúng ta sẽ đường ai nấy đi, các anh phải tự đảm đương trách nhiệm của mình, các anh không thể dựa vào chúng tôi mãi mãi'", Maha Yahya, quyền giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie, nói.
Mark Galeotti, giáo sư vấn đề toàn cầu Đại học New York, người dành phần lớn thời gian tại Moscow, nhận xét Nga đang phát đi tín hiệu rằng họ nghĩ đã đến lúc phải có giải pháp hòa bình ở Syria. "Điều đó có nghĩa là Nga sẽ cắt bớt gió cho "cánh buồm" của ông Assad hoặc ám chỉ đã đến lúc ông ấy phải ra đi", giáo sư bình luận.
Video: Cường kích Su-24 trở về Nga từ Syria
Đòn tâm lý
Tuy nhiên, một số quan chức và nhà phân tích cho rằng ông Putin không bỏ rơi ông Assad mà chỉ muốn tạo đà khiến hai phe ở Syria phải tích cực hơn trong đàm phán hòa bình.
Công bố của ông Putin diễn ra cùng ngày các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria nối lại tại Geneva, Thụy Sỹ. Thành viên của cả chính quyền Syria và phe đối lập có những cuộc gặp gián tiếp, thông qua một trung gian hòa giải, trong nỗ lực vạch ra lộ trình tiến tới hòa bình.
Động thái rút quân "sẽ khiến Tổng thống Assad chịu áp lực phải thực sự đàm phán nghiêm túc về một tiến trình chuyển tiếp chính trị hòa bình tại Geneva", Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói.
"Tôi rất nghi ngờ khả năng Moscow cắt đứt quan hệ với ông Assad", Andrew J. Tabler, học giả về Syria tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, bình luận. Thay vào đó, chuyên gia này tin rằng người Nga dường như muốn "đặt gánh nặng quân sự trở lại vai của Tổng thống Assad, nhằm khiến ông này mềm mỏng hơn trong đàm phán".
"Việc tuyên bố rút quân của Nga có tác động chủ yếu về tâm lý", chuyên gia Syria Fabrice Balanche nói. Quyết định rút quân của ông Putin "có thể được hiểu là sự bỏ rơi ông Bashar al-Assad, nhưng thực tế, phe đối lập Syria không hề ăn mừng", ông nói.
Nhà phân tích quân sự độc lập người Nga Anton Lavrov thì gọi quyết định của ông Putin là "cử chỉ mang tính biểu tượng", nhằm xoa dịu phe đối lập, bởi ông Assad khó có thể chịu nhượng bộ ngay cả khi Nga giảm bớt chiến dịch quân sự.
"Động thái này rõ ràng có liên quan đến việc khởi động các cuộc đàm phán tại Geneva. Nó là tín hiệu chuyển tới phe đối lập, và là nỗ lực để tác động tới khả năng thỏa hiệp của họ", ông Lavrov nói.
Cũng có ý kiến cho rằng việc Nga tuyên bố rút quân không đẩy lực lượng của ông Assad vào thế hoàn toàn đơn thương độc mã, bởi vị tổng thống còn có sự hậu thuẫn từ Iran và nhóm Hezbollah tại Lebanon, theo New York Times. Moscow cũng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì căn cứ không quân tại tỉnh Latakia bên bờ Địa Trung Hải, cùng với cắn cứ hải quân.
Và thực tế là ngay trước khi thông báo rút quân, Moscow đã chuyển giao cho đồng minh Damascus một loạt vũ khí mới, bao gồm trực thăng, máy bay chiến đấu và "xe tăng mới có khả năng chống tên lửa TOW", Balanche cho biết.
"Bất kỳ cuộc chiến nào cũng sẽ kết thúc và tiếng súng sẽ lắng xuống", Komoedov, cựu tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga nói. "Giờ là thời điểm dành cho chính trị, mọi người phải ngồi vào bàn đàm phán".
Xem thêm: Nước cờ chiến lược của Nga trên chiến trường Syria
Hoàng Nguyên