Aafia Siddiqui là người mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) yêu cầu Mỹ trả tự do để đổi lấy mạng sống nhà báo James Foley. Sau khi anh bị giết, IS tiếp tục đòi đổi tự do cho bà này lấy một nữ nhân viên thiện nguyện người Mỹ.
Hai năm trước, các quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Mỹ đã nhận được một đề nghị trớ trêu từ giới chức Pakistan. Nếu Mỹ trả tự do cho Siddiqui, Pakistan sẽ cố gắng giải cứu trung sĩ Bowe Bergdahl, người đã mất tích từ năm 2009, và được cho là bị lực lượng Taliban bắt giữ tại nước này. Tổ chức khủng bố đã nhiều lần đe dọa hành quyết Bergdahl, nếu Washington không thả bà Siddiqui.
Năm 2010, Taliban đòi tự do cho Siddiqui, và đổi lại sẽ trả tự do cho một nhân viên nhân đạo người Anh tên là Linda Norgrove. Năm 2011, một thủ lĩnh của Taliban muốn đổi tính mạng "quý bà" bằng hai công dân Thụy Sĩ bị bắt cóc ở Baluchistan. Cùng năm đó, thủ lĩnh số hai của Al-Qeada Ayman al-Zawahiri đòi Mỹ trả Siddiqui để nhận một nhân viên nhà thầu người Mỹ bị bắt cóc ở Pakistan và hiện vẫn bị tổ chức khủng bố giam giữ.
Siddiqui, 42 tuổi, xuất thân Pakistan, là tiến sĩ thần kinh học tốt nghiệp tại Mỹ. Bà bị bắt vào năm 2008 tại Afghanistan, khi bị phát hiện tàng trữ chất cực độc, tài liệu mô tả cách chế tạo vũ khí hóa học, bom bẩn, virus, và những bản ghi chép đề cập đến các cuộc tấn công hàng loạt trên nhiều nơi ở nước Mỹ. Bà đã tấn công một nhân viên hành pháp Mỹ trong quá trình thẩm vấn và bị kết án 86 năm tù với 7 tội danh, bao gồm âm mưu giết người, tấn công vũ trang, sử dụng vũ khí và hành hung nhân viên Mỹ, không có tội danh khủng bố.
Tranh cãi về việc liệu chính phủ Mỹ có nên trao đổi tù binh hoặc trả tiền chuộc đã nổ ra sau khi nhà báo Foley bị hành quyết. Không giống như nhiều nước châu Âu, Mỹ không chấp nhận nhượng bộ khủng bố. Một số chuyên gia chống khủng bố cho rằng chính vì nguyên nhân đó, người Mỹ ít bị bắt cóc hơn. Tuy nhiên, những người từng bị bắt làm con tin và gia đình họ đang bày tỏ mong muốn Washington thay đổi chính sách để có thể giải cứu các công dân Mỹ.
Chính sách không nhượng bộ
"Tôi sẽ không tham gia vào bất cứ cuộc thảo luận nội bộ và các kết luận được đưa ra về vấn đề này", Foreign Policy dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Caitlin Hayden.
"Aafia Siddiqui đang thụ án 86 năm tù với tội danh âm mưu giết người và tấn công công dân Mỹ, nhân viên hành pháp Mỹ và nhân viên tại Afghanistan. Chính phủ Mỹ từ lâu đã thực hiện chính sách không nhân nhượng với những kẻ bắt cóc. Nhượng bộ khủng bố sẽ chỉ khiến nhiều công dân Mỹ có nguy cơ bị bắt làm tù binh hơn," bà nói.
Trong một bài phát biểu vào năm 2012, David Cohen, Thứ trưởng bộ Tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính, tuyên bố Washington sẽ không đàm phán với các nhóm khủng bố, bất kể là về tiền chuộc, trao đổi tù binh hay các chính sách nhượng bộ khác.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq James Jeffrey cho rằng việc đàm phán với tổ chức khủng bố có thể càng "dung túng cho IS bắt cóc thêm con tin".
"Chúng coi trọng cơ hội thương lượng với chúng ta. Việc này khiến cho chúng giống như là người hùng ở Trung Đông", ông Jeffrey nói.
Jeffrey nhận định việc Mỹ đồng ý đàm phán với IS sẽ là "một sự trượt dốc đạo đức". "Điều một tổ chức khủng bố muốn là phá hủy thế giới, buộc chúng ta phải lựa chọn giữa việc tham gia cùng họ hoặc chết, trong khi họ phủi sạch những chỉ trích và phản đối họ đáng phải hứng chịu", ông cho biết.
IS là một trong những nhóm khủng bố cực đoan nhất mà Mỹ phải đối mặt trong thời gian qua. IS đã phát triển đến mức quá nguy hiểm, khiến ngay cả al-Qaeda cũng chối bỏ tổ chức này, do cảm thấy không thể kiểm soát nổi nó.
Nhượng bộ hay biệt lệ?
Trong khi Nhà Trắng kiên quyết từ chối đàm phán trao đổi Siddiqui với các con tin, một số quan chức an ninh và quốc phòng đã bàn thảo đến vấn đề này.
Gary Noesner, cựu Trưởng đoàn đàm phán con tin của FBI cho rằng việc hoán đổi tù nhân hoặc trả tiền chuộc có thể là biện pháp hiệu quả để bảo đảm tự do cho công dân nước này.
"Chính sách không đàm phán đã không áp đụng dược cho tất cả các trường hợp khác nhau. Nói rằng chúng ta không thương lượng chẳng những không ích gì cho việc giải quyết vấn nạn, mà còn không giúp ngăn chặn được việc người Mỹ và các nước khác bị bắt cóc", ông nói.
Một chính trị gia Mỹ cho biết các quan chức ở Lầu Năm Góc đã tính toán các cách thức xung quanh vấn đề Siddiqui.
"Chúng tôi biết rằng có ít nhất một nhóm quan chức trong Bộ Quốc phòng đã xây dựng những phương án có thể để thực hiện việc trao đổi Siddiqui", Joe Kasper, phát ngôn viên của nghị sĩ đảng Cộng hòa Duncan Hunter, thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, người từng lên án chính quyền của Tổng thống Barack Obama thiếu nỗ lực trong việc giải cứu công dân Mỹ.
Tuy nhiên phương án trao đổi Siddiqui lấy Trung sĩ Bergdahl chưa từng được đề đạt với Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel. "Đó là thật sự là một điều đáng xấu hổ. Việc trao đổi Siddiqui cũng như bất kỳ phương án nào khác dù đúng hay sai đều nên được xem xét và khai thác triệt để", ông Kassper nói.
Các quan chức quốc phòng cấp cao khẳng định họ không nhận được bất kỳ đề xuất nào về việc trao đổi Siddiqui. Các chuyên viên cũng cho biết việc thực hiện rất phức tạp về mặt pháp lý. Tổng thống Obama có thể sẽ phải ân xá hoặc giảm án cho Siddiqui, vì Mỹ và Pakistan chưa từng ký kết hiệp ước cho phép tù nhân Pakistan, đang bị giam giữ ở Mỹ, được phép quay về quê nhà để tiếp tục thụ án. Các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể đã định hình một số giải pháp về vấn đề này, nhưng nếu thực hiện, Nhà Trắng sẽ phải hứng chịu chỉ trích rằng nước này trực tiếp đàm phán với khủng bố.
Tuy nhiên, chính sách không khoan nhượng khủng bố của Mỹ cũng có một ngoại lệ. Trung sĩ Bergdahl được trả tự do vào hồi tháng 5, sau khi Mỹ trao đổi 5 tù nhân vốn là thành viên chủ chốt trong Taliban, bị giam giữ tại vịnh Guantanamo, Cuba. Thỏa thuận này bị lên án là bước nhượng bộ của Mỹ trước phiến quân, đồng thời được coi là mối đe dọa an ninh tiềm tàng. Cơ quan tình báo Mỹ hai năm trước kết luận rằng những tù nhân này vẫn sẽ giữ tư tưởng thù địch với Mỹ.
Trước những chỉ trích đó, các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ nhận định việc trao trả 5 tù binh Taliban để đổi lấy Bergdahl là phù hợp với truyền thống hoán đổi tù nhân trong thời chiến. Đồng thời, đây được coi là một trong những nỗ lực mạnh mẽ hơn của Mỹ để tham gia vào vòng đàm phán hòa bình với Taliban, nhằm chấm dứt giao tranh ở Afghanistan. Xét về phương diện đó, các quan chức đã lập luận rằng, về cơ bản, việc giải cứu Bergdahl khác với những đề xuất trao đổi Siddiqui.
Kẻ nguy hiểm hay là kẻ bị lợi dụng?
Một trong những câu hỏi đặt ra là nếu được thả tự do, Siddiqui có phải là mối đe dọa với an ninh Mỹ hay không. Theo ông Kasper, câu trả lời là không. Ông cho rằng bà này mắc bệnh tâm thần và khi bị bắt, bà không có khả năng thực hiện bất kỳ cuộc tấn công chết người nào bà ta dự tính.
"Nếu thực hiện đúng đắn, có thể sẽ có cách để tiến hành trao đổi", ông Kasper cho biết.
Tiến sĩ Ghairat Baheer, con rể của Gulbuddin Hekmatyar, thủ lĩnh một phong trào vũ trang Hồi giáo ở Afghanistan, cho biết ông ta bị giam giữ tại nhà tù Bagram cùng với Siddiqui và khẳng định người phụ nữ này có vấn đề về tâm thần.
Tuy nhiên, theo Washington Post, chính căn bệnh tâm thần của bà có thể là một trong những yếu tố dẫn đến xu hướng cực đoan. Báo cáo tâm lý của L. Thomas Kucharski, Đại học John Jay mô tả Siddiqui bị hoang tưởng. "Sau vụ tấn công ngày 11/9, tiến sĩ Siddiqui thông báo cho chồng rằng bà mong muốn được quay về Pakistan. Một trong các lý do bà đưa ra vào thời điểm đó là người Mỹ sẽ bắt cóc trẻ em Hồi giáo để cải đạo sang đạo Kito, đây là một ý tưởng rất hoang đường", ông Kucharski viết.
Trong bài phỏng vấn mới đây với CNN, Fowzia Siddiqui, chị gái của Aafia Siddiqui, cho rằng em gái bà không có mối liên hệ với khủng bố. "Cô ấy không có liên quan đến al-Qaeda , Taliban hay bất cứ tổ chức khủng bố nào. Cô ấy thậm chí còn không bị buộc tội khủng bố", Fowzia nói.
Khi bà bị tuyên án 86 năm tù vào năm 2010, nhiều cuộc biểu tình và bạo loạn đã nổ ra tại Pakistan, do họ coi bản án Mỹ dành cho Siddiqui là bất công. Nhiều người Pakistan chỉ trích chính phủ nước này "thất bại trong nỗ lực đưa Siddiqui về nước và không có phản ứng trước phán quyết của tòa án Mỹ".
Tại Pakistan, một nhóm các chiến binh tự xưng là Lữ đoàn Aafia Siddiqui đã tấn công các cơ sở của chính phủ để phản đối bản án. Các nhóm ủng hộ Siddiqui thực hiện một vụ đánh bom vào xe cảnh sát ở Peshawar, làm hai cảnh sát thiệt mạng vào năm 2012, và tiến hành cuộc tấn công vào một trụ sở ngành tư pháp, làm bốn người chết và hơn 50 người bị thương vào năm 2013.
Theo bà Fowzia, hình ảnh của Siddiqui mang tính tượng trưng, bị các tổ chức khủng bố như IS hay Lữ đoàn Aafia mượn danh để phục vụ cho toan tính của họ.
"Em gái tôi là một biểu tượng, cô ấy là hình ảnh tuyên truyền cho phong trào jihad, là nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều người đoàn kết lại. Cô ấy không phải là người phụ nữ bình thường mà là biểu tượng tài hoa bạc mệnh của người Hồi giáo", Fowzia nói.
Vũ Thảo (Theo Foreign Policy/CBS)