Cả Mỹ, Indonesia và Việt Nam đều tỏ thái độ cương quyết hơn và có hành động tích cực hơn trong các tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là khi đối mặt với những hoạt động cải tạo ngày càng nhanh và nhiều của Bắc Kinh ở khu vực này.
Tổng thống Philippines Aquino đã giành được sự ủng hộ quốc tế về lập trường kiên định của mình. Tuy nhiên người kế nhiệm ông dường như sẽ dịu giọng rất nhiều trong chính sách của Philippines đối với Trung Quốc về vấn đề này.
Phó Tổng thống Jejomar Binay hiện là ứng cử viên sáng giá cho cuộc bầu cử tổng thống Philippines năm 2016, dù ông đang là trung tâm của cuộc điều tra về tham nhũng do Ủy ban điều tra và đánh giá tín nhiệm quan chức Thượng viện tiến hành. Theo kết quả điều tra mới nhất của Viện Pulse Asia về các ứng cử viên tổng thống Philippines, Binay giành được 29% sự ủng hộ của cử tri, vượt xa đối thủ kế tiếp là Thượng nghị sĩ Grace Poe với 14% và người thứ ba ông Manuel “Mar” Roxas với 4%.
Ông Binay vốn không có nhiều kinh nghiệm chính sách đối ngoại nhưng vẫn nổi lên là gương mặt chính khách quốc gia nhờ thời gian dài làm Thị trưởng Makati, một thành phố vệ tinh giàu có gần Manila. Trong buổi phỏng vấn rộng rãi đầu tiên của mình về chính sách đối ngoại, ông Binay đã tập trung vào viễn cảnh Philippines cùng Trung Quốc phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông. Binay hạ thấp vai trò vụ kiện tranh chấp biển với Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Aquino đang trình lên Tòa án quốc tế căn cứ theo Luật Biển 1982. Phán quyết về vụ kiện này dự kiến sẽ được Tòa đưa ra vào khoảng giữa năm 2016, rất có thể cùng lúc mà ông Binay nhậm chức tổng thống Philippines.
Nếu ông Binay giành chiến thắng và vẫn giữ các quan điểm này, đây có thể là bước lùi trong chính sách đối ngoại so với thời Tổng thống Aquino. Tuy nhiên, bước lùi này lại giống như thời cựu Tổng thống Macapagal-Arroyo. Các kế hoạch phát triển chung với Trung Quốc thời cựu tổng thống Arroyo vẫn thường bị đánh giá là vi hiến.
Đối mặt với sự giận dữ từ công chúng, năm 2009 chính quyền Arroyo đã không gia hạn hiệp định nghiên cứu chung về động đất ký với Trung Quốc trong đó bao gồm cả vùng lãnh thổ đang tranh chấp với nước này. Khi Tổng thống Aquino nhậm chức năm 2010, ông và Ngoại trưởng Albert del Rosario nhanh chóng bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn nhiều.
Tín hiệu một lần nữa đảo ngược chính sách của Philippines trong tranh chấp trên biển với Trung Quốc ở hai tổng thống liên tiếp cho thấy giới tinh hoa chính trị Philippines và giới hậu thuẫn tài chính của họ bị chia rẽ sâu sắc thế nào và vị trí của vấn đề này trong quan hệ Philippines - Trung Quốc.
Minh Châu (theo National Interest)