Hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande bắt đầu chuyến công du hai ngày đến Ukraine và Nga, với hy vọng Kiev và Moscow đạt được một thỏa thuận hòa hoãn mới, nhằm tránh một cuộc đối đầu trực tiếp và toàn diện tại châu Âu.
Finacial Times dẫn lời một quan chức Liên minh châu Âu (EU) giấu tên cho biết, động thái bất ngờ này là nhằm đón đầu khả năng Mỹ sẽ cung cấp trực tiếp vũ khí cho chính quyền Ukraine, điều chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Nga. "Cả Merkel và Hollande đều phản đối hành động này", quan chức này nói.
Tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur nhận định rằng hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức muốn giới thiệu các giải pháp ngoại giao của mình trước khi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra kế hoạch gửi vũ khí sát thương cho Kiev tại hội nghị an ninh Munich vào ngày mai.
Tuần trước, các quan chức Mỹ gợi ý rằng Lầu Năm Góc đang nhận hàng loạt báo cáo về mức độ leo thang chiến sự của các lực lượng ly khai thân Nga tại miền đông Ukraine. Hôm qua, Nhà Trắng cũng khẳng định rằng Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry đang cân nhắc và sẽ có quyết định sớm về việc có cung cấp các vũ khí phòng thủ cho Kiev hay không. Lần cuối cùng Washington cung cấp vũ khí cho các lực lượng quân sự chống Moscow là vào những năm 1980, khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan.
Cũng trong ngày hôm qua, các bộ trưởng quốc phòng của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng ý thiết lập một mạng lưới các trung tâm chỉ huy tại Đông Âu và tăng gấp đôi quân số của lực lượng phản ứng nhanh. Mỹ cũng hứa sẽ chuẩn bị sẵn sàng 1000 quân để bổ sung cho lực lượng này.
"Các động thái trên chắc chắn sẽ dấy lên một loạt phản ứng gay gắt từ Nga", Telegraph dẫn lời tướng không quân Mỹ Philip Breedlove, tư lệnh quân đội NATO, cho biết.
"Điều này rất đáng lo ngại", ông Alexander Lukashevich, người phát ngôn bộ Ngoại giao Nga, nói. "Những quyết định như trên chắc chắn sẽ được tính toán trong kế hoạch quân sự của chúng tôi".
Tuy nhiên, nội bộ EU cũng không hoàn toàn thống nhất với quan điểm gia tăng sức ép quân sự với Nga. "Không có lý gì để ném thêm vũ khí vào đống lửa đang cháy", Ngoại trưởng Đan Mạch Martin Lidegaard bình luận.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức. Paris và Berlin lo ngại rằng, xung đột quân sự tại miền đông Ukraine leo thang trong những tuần qua, kết hợp với khả năng Mỹ cung cấp vũ khí trực tiếp cho Kiev, sẽ uy hiếp nền an ninh của châu Âu.
"Chúng tôi luôn nghĩ rằng chiến tranh còn rất xa vời. Nhưng tại Đông Âu, thường dân vẫn đang thiệt mạng mỗi ngày", Tổng thống Hollande phát biểu trong cuộc họp báo trước khi lên đường đến Kiev.
Triển vọng hội đàm tay ba Nga - Pháp - Đức
Giới ngoại giao cho biết sáng kiến lần này do Thủ tướng Merkel đưa ra, bởi bà cảm thấy mất kiên nhẫn trước những tiến bộ ngoại giao chậm chạp giữa Moscow và EU. Bà và ông Hollande đã đưa ra quyết định sang Nga vào tối 4/2, nhưng không tham vấn trước với Mỹ.
Bà Merkel được cho là vẫn kiên trì quan điểm rằng, bất kỳ thỏa thuận nào đạt được tại Moscow đều phải dựa trên cơ sở thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Kiev và phe ly khai miền đông ký kết tại Belarus hồi tháng 9/2014.
Trong khi đó, New York Times dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho hay, chuyến đi lần này là để đáp lại lời đề nghị chấm dứt các cuộc đối đầu do Tổng thống Putin đưa ra. "Đây không phải là lời mời đến Moscow, mà là một ý tưởng phác thảo", người này nói.
Mặc dù vậy, không ít quan chức phương Tây tỏ thái độ hoài nghi về thiện chí hòa hoãn của Nga. "Đây không phải là một kế hoạch hòa bình, mà là một tấm bản lộ trình để tạo ra vùng Transnistria hoặc Abkhazia mới ở Ukraine", một nhà ngoại giao phương Tây bình luận. Transnistria là vùng đất thuộc Nga trong lòng Moldova, quốc gia nằm sâu trong lục địa ở Đông Âu. Abkhazia là khu vực ly khai do Moscow khống chế tại Gruzia.
Về nội dung cuộc hội đàm sắp tới, ông Stefan Wagstyl, trưởng đại diện của Financial Times tại Berlin, nhận định rằng: "Merkel và Hollande có thể sẽ cảnh báo Putin rằng thời gian cho thương lượng là không còn nhiều. Nếu như nỗ lực ngoại giao chủ động lần này thất bại, thì họ sẽ rất khó để ngăn cản Washington cung cấp vũ khí cho Ukraine".
Trong cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Hollande cho biết Pháp không ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO và sẽ không tham gia vào cuộc thảo luận về việc có nên cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không. "Chúng ta còn một sự lựa chọn nữa là thương lượng ngoại giao, nhưng điều này không thể kéo dài mãi mãi", ông nhấn mạnh.
Sau cuộc gặp với bà Merkel và ông Hollande hôm qua, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng cho hay có khả năng một lệnh ngừng bắn sẽ được đưa ra miền đông Ukraine.
Ngoại trưởng Kerry, người cũng có mặt tại Kiev hôm qua, tuyên bố ba nước Mỹ, Pháp, Đức cũng thống nhất trong việc ủng hộ một giải pháp hòa bình cho xung đột hiện nay, đồng thời kêu gọi Nga chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn.
Phản ứng trước tín hiệu tích cực từ EU, ông Yuri Ushakov, cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, hôm qua cho biết Nga sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức.
Nhưng ông này cũng tuyên bố Moscow hy vọng bà Merkel và ông Hollande sẽ cân nhắc tới các biện pháp do Tổng thống Putin đề xuất trước đó liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo Giáo sư Nikolas Gvosdev, chuyên gia về quan hệ Nga - Mỹ, cải thiện phần nào quan hệ với phương Tây là một trong những ưu tiên chính sách mà Nga cần làm trong năm 2015, để giảm sức ép từ các lệnh trừng phạt, ít nhất là trong lĩnh vực tài chính và năng lượng.
"Moscow nên tiếp tục đối thoại với khối, đặc biệt là cần tập trung nỗ lực vào ông Francois Hollande, người luôn cho rằng bất ổn trong quan hệ Eu-Nga tổn hại đến lợi ích cả hai", chuyên gia này nói.
Đức Dương