Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May hồi tháng 6, cảnh báo rằng không chỉ nam thanh niên mới là đối tượng tham gia Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. "Chúng tôi nghĩ rằng khoảng 400 cá nhân người Anh hoặc gốc Anh đã đến chiến đấu tại Syria, chủ yếu là nam thanh niên, nhưng cũng có một số phụ nữ", bà phát biểu với ITV News.
Các quan chức Anh cho biết, tính đến nay, chỉ có khoảng một chục phụ nữ Anh đã đến Syria, nhưng họ lo lắng con số này sẽ gia tăng do các nhóm Hồi giáo đang thúc đẩy các hoạt động truyền bá trực tuyến, nhằm thu hút những người phụ nữ yếu đuối đến Syria.
Đã có nhiều trường hợp phụ nữ phương Tây đến Syria để tham gia vào nhóm vũ trang Hồi giáo. Hai thiếu nữ người Áo, khoảng 15, 16 tuổi, hồi tháng 4, theo anh trai đến Syria. Hồi tháng 5, Salma và Zahra Halane, cặp song sinh 16 tuổi người Anh tại Manchester, bí mật bỏ nhà đến Syria để kết hôn với các chiến binh Hồi giáo. Khi gọi điện thoại cho cha mẹ để thông báo họ đã đến Syria, hai cô tuyên bố sẽ không trở về.
FBI hồi tháng 7 bắt giữ Shannon Maureen Conley, một nữ y tá Mỹ 19 tuổi, đã cải đạo sang Hồi giáo. Vụ bắt giữ xảy ra khi cô lên máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, để từ đó bay tiếp đến Syria. Cô được tổ chức khủng bố tuyển dụng qua mạng bởi một người đàn ông Tunisia nói rằng anh ta đang chiến đấu cho IS.
Cuối năm ngoái, Aqsa Mahmood, nữ sinh 20 tuổi người Anh, đã đến Syria và kết hôn với một thành viên của IS. Bố mẹ Mahmood xác nhận con gái mình giữ liên lạc với nhóm này thông qua mạng xã hội và bị một thành viên của tổ chức lôi kéo.
Tại sao nhà nước Hồi giáo cần phụ nữ
Phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh. Ngoài chiến đấu, họ tham gia vào các nhiệm vụ thiết yếu như thu thập thông tin tình báo, chăm sóc y tế, chuẩn bị thức ăn và hỗ trợ các chiến binh. Chiến dịch của IS nhằm xây dựng một nhà nước cũng tương tự như vậy, mặc dù luật lệ nghiêm ngặt của họ không cho phép phụ nữ chiến đấu trên tiền tuyến.
IS ban đầu quyết liệt không cho phép phụ nữ tham gia. Những thành viên hoạt động trên mạng xã hội chỉ kêu gọi tín đồ nữ tài trợ tiền bạc cho phong trào jihad và kêu gọi chồng của họ tham gia cuộc chiến. Theo họ, phụ nữ không có chỗ trong chiến tranh. Nhưng khi nhóm tiến gần hơn đến mục tiêu thành lập một nhà nước Hồi giáo, đã có những trường hợp ngoại lệ.
Theo Shiraz Maher, Trung tâm Nghiên cứu Cực đoan Quốc tế, một nhà nước phải có phụ nữ mới có thể hoạt động. Họ chiêu mộ các nữ bác sĩ, y tá và kỹ sư. Khi IS chiếm thành phố Raqqa, Syria vào năm 2013, họ cần một lực lượng an ninh nữ để đảm bảo phụ nữ địa phương tuân thủ quy định về ăn mặc và ứng xử của Hồi giáo. Ngoài ra, họ cũng cần nữ cảnh sát để kiểm tra phụ nữ đi qua trạm kiểm soát, nhằm đề phòng họ mang vũ khí để tuồn cho kẻ thù. Trên hết, Nhà nước Hồi giáo cần các chiến binh của tổ chức lập gia đình và sinh con để phát triển quy mô.
IS nói với các nữ thành viên tương lai rằng đóng góp chính của họ cho cái gọi là "cách mạng Hồi giáo" phải thông qua các cuộc hôn nhân chứ không phải tử đạo; sinh đẻ chứ không phải trực tiếp chiến đấu.
"Phụ nữ không được bình đẳng với nam giới. Họ không bao giờ có quyền đó", một kẻ lấy tên "Con chim từ Jannah" đăng trên blog. "Đàn ông là những nhà lãnh đạo, còn phụ nữ đóng vai trò đặc biệt đến mức thánh Allah ban cho họ cả một chương trong kinh Koran", người này viết, ám chỉ việc sinh đẻ của phụ nữ.
Chiêu bài thu hút
Theo các nhà phân tích tại nhóm tình báo SITE, tổ chức Mỹ theo dõi hoạt động trực tuyến của những kẻ khủng bố, những nỗ lực tuyển dụng của IS đã đạt được một số thành công. "IS tạo ra những nội dung cụ thể, hướng đến những phụ nữ ửng hộ phong trào jihad. Bằng cách đó, họ thiết lập một mạng lưới hỗ trợ phụ nữ phương Tây đến Syria để kết hôn với các chiến binh, góp phần vào sự hình thành xã hội mới tại đây", các nhà phân tích cho biết.
Chiến dịch tuyên truyền qua mạng hứa hẹn đem đến cho họ những người chồng là các chiến binh Hồi giáo mộ đạo, một ngôi nhà, và một nhà nước Hồi giáo thực sự, và cơ hội cống hiến cuộc đời mình cho tôn giáo và thánh thần.
Các bài tuyên truyền dường như do chính những người phụ nữ phương Tây đã kết hôn với các chiến binh viết. Mục tiêu của họ là thuyết phục những nữ thành viên tương lai, hay họ gọi là các "chị em" ở châu Âu và Mỹ, đến Trung Đông giúp IS xây dựng một xã hội Hồi giáo cực đoan.
Việc tuyên truyền nhằm vào phụ nữ thường giấu biệt những hình ảnh máu me và man rợ, như cảnh chặt đầu hàng chục binh sĩ quân đội Syria, vốn thường xuất hiện trong các bài đăng của các chiến binh.
Thay vào đó, họ đánh vào mặt tình cảm, như niềm vui của cuộc sống gia đình jihad và niềm vinh dự khi nuôi nấng những chiến binh nhí cho nhà nước Hồi giáo. Những kẻ tuyên truyền qua mạng nhấn mạnh niềm hạnh phúc khi là hậu phương cho binh lính IS, và thông qua đó là để cống hiến cho Hồi giáo.
"Tôi không thể diễn tả được thành lời nơi này khiến tôi cảm thấy tuyệt vời đến nhường nào", Umm Layth đăng trên mạng xã hội twitter. Mặc dù cô ta sử dụng cái tên Umm Layth, chính quyền Anh tin cô là Aqsa Mahmood, nữ sinh người Anh 20 tuổi đã bỏ gia đình đến Syria và kết hôn với chiến binh Hồi giáo. Cô cho biết cô trân trọng tình bạn của mình với "các chị em và anh em trong nhà nước Hồi giáo".
Tuy nhiên, các bài đăng của Umm Layth cũng như các phụ nữ jihad khác còn hiện hữu sự tôn sùng hành động tử đạo. "Thượng đế chí tôn! Không có cách nào để mô tả cảm giác khi ngồi với các chị em, chờ đợi tin tức, xem chồng của ai sẽ được hy sinh cho Hồi giáo", Umm Layth viết.
Tuy nhiên, nỗi ám ảnh với việc tử đạo này không làm nhiều người phụ nữ khác e ngại. Họ phản hồi những bài đăng ca ngợi niềm vinh quang của điều họ cho là cách mạng Hồi giáo. Nhiều người còn xin tư vấn trên Twitter và trang hỏi đáp về cách đến Syria hoặc Iraq. "Mẹo tốt nhất cho các chị em là không đi đường vòng, hãy đi con đường nhanh nhất, không ở lại đâu quá một ngày để đảm bảo an toàn, và liên lạc với người quen ngay khi đến đích", Umm Layth thúc giục họ.
Hồi tháng tư, Umm Layth đã đăng lên mạng một bài viết bằng tiếng Anh có tên "Nhật ký của một người di cư", mô tả kỹ càng về cuộc sống sắp tới cho các nữ thành viên tương lai. Tuy nhiên, nó không đề cập đến những biện pháp trừng phạt hà khắc như ném đá đến chết vì tội ngoại tình hay do vi phạm quy tắc ăn mặc. Nó cũng không thể che đậy được lối sống cùm kẹp và khó khăn trong cuộc sống hôn nhân những người phụ nữ phương Tây sẽ phải đối mặt.
Umm Layth cũng chia sẻ rằng trở ngại khi tham gia cuộc chiến là sự phản đối từ gia đình. "Cuộc điện thoại đầu tiên gọi về nhà sau khi vượt qua biên giới là một trong những việc gian nan nhất bạn sẽ phải làm. Khi bạn nghe gia đình khóc và cầu xin bạn quay về, điều đó rất khó khăn".
Vũ Thảo (Theo The Daily Beast/ Time)