Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hôm 23/2 rằng "nếu các quốc gia đều muốn có vũ khí hạt nhân, chúng ta sẽ phải đứng trên tất cả" dường như đã phá vỡ nỗ lực hàng thập kỷ mà Mỹ duy trì nhằm giảm thiểu một cách có tính toán, cẩn trọng kho vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, theo Intercept.
Những bình luận từ ông chủ Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ kích động các cường quốc hạt nhân tăng cường năng lực kho vũ khí và tiềm ẩn nguy cơ khơi mào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới, chuyên gia nhận định.
"Ông Trump cần thận trọng nếu không sẽ làm đổ bể những nỗ lực kéo dài hàng chục năm qua hướng tới mục tiêu giảm bớt kho vũ khí hạt nhân cồng kềnh trên toàn cầu", Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, nhận xét. "5 tổng thống Mỹ gần đây nhất, gồm Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton, George H.W. Bush và Ronald Reagan đều đạt thỏa thuận với Nga về việc thu nhỏ kho vũ khí hạt nhân".
Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân năm 1970 yêu cầu Mỹ theo đuổi những biện pháp để "ngăn chặn" một cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân, đồng thời thực hiện những bước đi hướng đến giải trừ lẫn nhau. Ý tưởng chung đặt ra là chấm dứt mãi mãi chạy đua vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Trump lại không ít lần làm dấy lên nỗi lo sợ về khả năng bùng phát một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới với những phát ngôn của mình. Hồi tháng 12, khi được yêu cầu nêu kế hoạch chi tiết liên quan đến chính sách hạt nhân Mỹ, Trump đã nói với người dẫn chương trình Morning Joe thuộc đài MSNBC rằng "hãy cứ để một cuộc chạy đua vũ trang diễn ra". Ông sau đó đăng tải một thông điệp trên mạng xã hội Twitter, khẳng định Mỹ nên "củng cố và phát triển mạnh mẽ năng lực hạt nhân cho đến khi thế giới cảm nhận thấy".
Tiếp đó, Trump tiếp tục thể hiện rõ quan điểm về vũ khí hạt nhân khi trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông coi hiệp ước START Mới dưới thời Obama là một thỏa thuận tồi tệ. Hiệp ước kêu gọi Nga và Mỹ giảm số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược xuống dưới 1.550 chiếc, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo số liệu thống kê mới nhất, Nga hiện sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân hơn Mỹ nhưng Mỹ lại nắm giữ nhiều phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân chiến lược hơn Nga.
"Mỹ chắc chắn không hề 'tụt hậu' về năng lực vũ khí hạt nhân", Hans Kristensen, chuyên gia tại Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, bình luận. "Chúng ta đã 'ở trên đỉnh' và có lực lượng hạt nhân đáng gờm nhất thế giới, được hỗ trợ bởi những lực lượng chiến đấu truyền thống áp đảo".
Vũ Hoàng