Trong hàng ngũ đảng Cộng hòa Mỹ, ông Curly Haugland, 69 tuổi, lãnh đạo đảng tại bang North Dakota được biết đến là người vô cùng cứng rắn và đề cao các quy tắc.
Sau nhiều năm bị ngó lơ và xem như chướng ngại vật trong đảng, giờ đây, Haugland trở thành một trong những người "nguy hiểm" nhất trên chính trường, theo Politico. Đại gia ngành kinh doanh bể bơi này được tin là hy vọng cuối cùng của những người theo tư tưởng chính thống trong đảng Cộng hòa, để cản bước Donald Trump tại kỳ đại hội sắp tới.
Có một quy định trong điều lệ của đảng Cộng hòa, cho phép các đại biểu đã cam kết không buộc phải bỏ phiếu cho ông Trump tại đại hội đảng vào tháng 7. Để có thể áp dụng quy định này, ủy ban pháp luật của đại hội cần vượt qua nhiều thử thách, nhưng không ai hiểu những quy định rõ hơn ông Haugland, một chuyên gia về các quy định của đại hội đảng Cộng hòa.
Đảng Cộng hòa vốn dĩ quy định: tại lượt bỏ phiếu đầu tiên của đại hội, các đại biểu đã ràng buộc với ứng viên nào buộc phải bỏ phiếu với ứng viên đó. Chẳng hạn, dù ông Ted Cruz đã ngừng tranh cử tổng thống, những ứng viên đã cam kết vẫn phải bỏ phiếu cho ông tại đại hội đảng. Tuy nhiên, ông Haugland đang bác bỏ điều này.
Trong một bức thư gửi các thành viên Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa hồi tháng ba, ông nói rằng: "toàn bộ các đại biểu Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa 2016 đều không bị ràng buộc". Và Haugland đang nỗ lực để biến điều này thành sự thật, đồng nghĩa với việc các đại biểu có quyền bỏ phiếu đề cử bất kỳ ai họ muốn, thay vì phải lựa chọn theo kết quả bầu cử sơ bộ của cử tri bang mình.
Ông Haugland hiểu rõ những tình huống kỳ lạ, những điều khoản mù mờ cùng lịch sử đầy sự mâu thuẫn trong các quy định của đảng Cộng hòa. Ông tuyên bố mình không đứng về phe nào trong cuộc bầu chọn ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng, và lạ hơn là ông thậm chí còn khen ngợi ông Trump.
Và giờ, khi tỷ phú đã gần như chắc chắn là gương mặt đại diện cho đảng Cộng hòa, trở ngại duy nhất có thể khiến đoàn tàu Donald Trump trật bánh là ý tưởng mà ông Haugland đang ấp ủ: Đảng Cộng hòa có thể biên soạn lại các điều lệ của đại hội để vô hiệu hóa lựa chọn sơ bộ của cử tri.
Thoạt nghe, quan điểm của Haugland có vẻ ngớ ngẩn và hoàn toàn đi ngược lại những cải cách dân chủ trong quá trình đề cử ứng viên tranh cử tổng thống tại Mỹ 45 năm qua, vốn chuyển từ các cuộc họp kín sang bầu cử sơ bộ, và cho phép cả cử tri độc lập tham gia. Dù vậy, những lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng hòa vẫn không thể bác bỏ hoàn toàn lý lẽ của Haugland.
Với Haugland, sự cực đoan trong việc bảo vệ các quy định của đảng không có gì sai. "Tôi không quan tâm người được đề cử cụ thể là ai", Haugland nói. "Tôi chỉ đang cố gắng bảo vệ đảng Cộng hòa khỏi bị hủy diệt, nuốt chửng hoặc trở nên vô dụng sau các cuộc bầu cử sơ bộ".
Quan điểm của Haugland, dù ngày nay hầu như không còn áp dụng, từng phổ biến trong các đảng chính trị Mỹ những năm 1970. Ông tin rằng các cuộc bầu cử sơ bộ chỉ làm các đảng chính trị suy tàn, khi khiến họ dễ bị những người có tư tưởng độc lập xâm nhập, và có thể dẫn tới mất dân chủ do ảnh hưởng của tiền bạc.
"Những cuộc họp bí mật thời hiện đại giờ được gọi một cách lịch sự là những cuộc bầu cử sơ bộ vô hình - chẳng hạn như số tiền ủng hộ 150 triệu USD cho Jeb Bush (ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ đã rút lui)", Haugland nói. "Đó chính là điều sai lầm của các cuộc bầu cử sơ bộ".
Do đó, Haugland đang chống lại mọi hình thức bầu cử sơ bộ, nhất là những cuộc bầu cử sơ bộ mở, theo thể thức được ăn cả ngã về không. "Thực ra tôi ủng hộ mọi điều luật cấm việc đó, và những quy định như vậy đều có trong điều lệ", ông Haugland nói.
Kịch bản xấu cho Trump
Với bất kỳ quy định nào của Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa không có lợi cho quan điểm của ông, Haugland đều dẫn ra được những quy định có từ trước đó, mà như diễn giải của ông, cho phép các đại biểu tham dự đại hội có quyền tự do bỏ phiếu theo lựa chọn của mình, trong mọi vấn đề.
Haugland không hé lộ ông sẽ đề xuất điều gì tại kỳ đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ở Cleveland tháng 7 sắp tới. "Nhân tố bất ngờ luôn quan trọng", ông nói. Nhưng rất có thể ông sẽ tìm cách thay đổi điều luật ông phản đối nhiều nhất: Điều 16, ràng buộc các đại biểu của các bang theo lựa chọn của cử tri tại cuộc bầu cử sơ bộ.
Theo nội dung điều này, nếu các đại biểu đã bị ràng buộc tìm cách bỏ phiếu khác đi, thư ký của đại hội sẽ phớt lờ lá phiếu của họ. Haugland cho rằng ngôn từ trong điều này là "gian lận", trái với một quy trình đúng đắn.
Do vậy, một kịch bản có thể xảy ra đó là: khi ông Trump bước vào đại hội đảng, việc loại bỏ Điều 16 sẽ lập tức khiến ứng viên này mất sự hậu thuẫn. Và do các đại biểu về cơ bản là những nhà hoạt động trong đảng lâu năm, nhiều người cam kết bỏ phiếu cho Donald Trump có thể sẽ đảo ngược ý kiến của mình một khi không còn bị ràng buộc bởi Điều 16.
Ông Haugland khẳng định động cơ duy nhất của ông là muốn khôi phục quy định không ràng buộc đại biểu. Năm 2012, ông cũng từng nỗ lực "cởi trói" cho các đại biểu. "Tôi đứng về phía các quy tắc. Tôi không tìm cách giành lấy lợi thế cho ai hay gây bất lợi về phía ai".
Bà Elaine Kamarck, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings đồng thời là tác giả cuốn sách Primary Politics (Chính trị Sơ bộ) nhận định những luận điểm của Haugland "rất có sức nặng".
"Ông ấy cả về mặt luật pháp lẫn lịch sử đều đúng khi nói rằng có rất nhiều sự cân nhắc trong hành động của các đại biểu", Kamarck nói. Bà cho rằng những người Cộng hòa có thể chấp nhận sự hỗn loạn thay vì phê chuẩn để Trump trở thành người được đề cử.
"Tôi cho rằng đảng Cộng hòa đang phải đối diện với hai lựa chọn đều xấu cả", Kamarck nói. Nếu họ "cởi trói" cho các đại biểu, những cử tri đã bỏ phiếu cho ông Trump sẽ nổi giận với đảng Cộng hòa, và có thể từ chối tham gia tổng tuyển cử. "Còn nếu họ không làm việc đó, họ đang tự làm hại mình khi chọn một ứng viên mất lòng nhiều người, người sau đó có thể khiến đảng này mất đi sự ủng hộ của cử tri trong tổng tuyển cử".
Nhận định về khả năng các lãnh đạo đảng Cộng hòa ủng hộ quan điểm của ông Haugland, cựu thống đốc bang Ohio, thượng nghị sĩ George Voinovich cho rằng sẽ không xảy ra việc này. "Nếu điều đó xảy ra, tôi nghĩ chúng tôi sẽ có rắc rối thực sự", ông Voinovich nói. "Tôi cho rằng như vậy là không dân chủ. Mọi người đều cam kết bỏ phiếu cho một ứng viên trong kỳ bầu cử đầu tiên. Chúng tôi có nghĩa vụ phải làm điều đó".
Schafer, cựu thống đốc bang North Dakota cũng dự báo ông Haugland sẽ thua trong cuộc tranh luận này, như đã từng thua những lần trước đó. "Tôi cho rằng những gì sẽ xảy ra là phe chính thống giành quyền kiểm soát và không có gì thay đổi, ông ấy sẽ chỉ có thể cười mỉm vì đã cố gắng nhưng thất bại".
Xem thêm: Vì sao Triều Tiên ca ngợi Donald Trump
Kiều nữ 27 tuổi phụ trách truyền thông cho Donald Trump
Hoàng Nguyên