Nga và Trung Quốc hôm 9/11 ký kết một biên bản ghi nhớ về việc xây dựng tuyến đường dẫn khí đốt từ tây Siberia đến các tỉnh miền tây của Trung Quốc. Nếu đạt được thỏa thuận dự kiến kéo dài 30 năm này, Nga sẽ cung cấp 30 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc kể từ năm 2018. Khách hàng mới này rất quan trọng với Moscow, bởi Nga đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây.
Thỏa thuận sơ bộ này được tiến hành sau khi Trung Quốc và Nga ký kết hợp đồng khổng lồ về gas trị giá 400 tỷ USD hồi tháng 5, về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt dẫn đến phía đông Trung Quốc. Nga có thể cung cấp ít nhất 68 tỷ mét khối khí đốt hàng năm cho bạn hàng này, tương đương khoảng một phần năm nhu cầu khí đốt dự kiến của Bắc Kinh trong năm 2020.
Bước đi này thể hiện sự dịch chuyển trong cán cân quyền lực ở châu Á và thỏa mãn nhu cầu hai nước. Nga muốn thoát ra khỏi sự cô lập mà phương Tây tạo ra do khủng hoảng Ukraine; trong khi Trung Quốc muốn một nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy với giá cả phải chăng.
Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng về kinh tế ở châu Á bằng việc thiết lập hiệp định thương mại với các đối tác của Mỹ như Australia và Hàn Quốc, cho đến các dự án được tài trợ bởi ngân hàng phát triển của Trung Quốc - các thể chế tài chính có sức mạnh đủ để đấu với các nhà băng Tây phương. Và giờ đây, thỏa thuận khí đốt Trung - Nga thứ hai tiếp tục cho thấy những thách thức Mỹ sẽ vấp phải khi "xoay trục" về châu Á.
"Dù đấu trường thế giới có thay đổi như thế nào, chúng tôi cũng sẽ coi tăng cường hợp tác là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trong buổi công bố thỏa thuận. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng hợp tác giữa hai nước sẽ giúp làm cho thế giới "ổn định hơn và dễ đoán hơn".
"Trung Quốc muốn thể hiện một cách công khai rằng hợp tác năng lượng Trung - Nga không phải chỉ được thúc đẩy do nhu cầu, mà nó đã trở thành một phần cốt lõi trong hợp tác chiến lược đang ngày càng được củng cố giữa hai nước", Keun-Wook Paik, một cộng tác viên tại viện Chatham House, đồng thời là một chuyên gia về giao dịch năng lượng Trung - Nga cho biết.
Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn chưa được hoàn thành. Hai bên cuối tuần qua đặt nền móng cho nó nhưng vẫn còn một loạt các vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt là mức giá Trung Quốc sẽ trả. Hai nước đã mất hơn một thập kỷ để đạt được thỏa thuận về giá cho đường ống đầu tiên, và Moscow lúc đó phải nhượng bộ đáng kể về giá.
Trong thỏa thuận thứ hai, Nga lo ngại rằng nước này sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn. Nếu giá dầu giảm, giá khí đốt của Nga cũng đi xuống và ngược lại. Dầu thô thời gian gần đây rớt giá khiến giá trị hợp đồng khí đốt của Trung Quốc thấp hơn so với mức một vài tháng trước.
Đồng thời, thỏa thuận mới dự kiến sẽ ít hấp dẫn hơn so với giao dịch vận chuyển dầu qua đường ống Sức mạnh Siberia ở phía đông hồi tháng 5, vì Nga sẽ dẫn khí đốt đến khu vực dân cư thưa thớt của Trung Quốc ở phía tây. Từ đó, Bắc Kinh sẽ phải tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ.
"Giá khí đốt được chuyển qua tuyến đường ống phía tây có lẽ sẽ rẻ hơn so với phía đông", ông Mikhail Korchemkin, người đứng đầu công ty tư vấn Phân tích Khí Đốt Đông Âu cho biết. "Đường ống dẫn dầu phía đông cung cấp khí đốt gần Cáp Nhĩ Tân và các trung tâm tiêu thụ lớn khác của đông bắc Trung Quốc, trong khi tuyến đường phía tây lại đến khu vực trống trải, thưa dân", ông nói thêm.
Dù vậy, Nga đã nóng lòng chờ đợi thương vụ này ngay từ khi thỏa thuận hồi tháng 5 còn chưa ráo mực. Moscow từ lâu đã muốn tăng cường giao dịch năng lượng với châu Á, nhưng đến khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với Nga về năng lượng, quốc phòng, và tài chính, Moscow mới quyết liệt "đông tiến".
Một hợp đồng lớn mới với Trung Quốc sẽ bù đắp đáng kể cho sự phụ thuộc của Nga vào thị trường châu Âu, đồng thời mang đến cho Moscow một đồng minh đầy thế lực. Người đứng đầu Gazprom, công ty dầu khí hàng đầu Nga, Alexey Miller, cho biết thỏa thuận khí đốt mới có thể làm lu mờ giao dịch thương mại của Moscow với châu Âu.
"Moscow đã tiến hành 'xoay trục sang châu Á' trước khi căng thẳng Nga - phương Tây trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng căng thẳng đã làm cho Nga kiên quyết theo đuổi các thỏa thuận với Trung Quốc, ngay cả những giao dịch có thể khiến Điện Kremlin phải thiệt thòi, để tránh bị cô lập", Jeff Mankoff, phó giám đốc chương trình Nga và Âu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định
Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao Trung Quốc phải đợi đến lúc này mới xúc tiến thỏa thuận. Trước đó, mặc cho các quan chức Nga, bao gồm cả Tổng thống Putin muốn thúc đẩy việc xây dựng đường ống phía tây, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn giữ im lặng.
Một loạt các yếu tố dường như đã thay đổi ý định của Trung Quốc. Trước tiên, Trung Quốc đang tìm cách "làm sạch" nền kinh tế và giảm tầm quan trọng của than đá trong cơ cấu năng lượng nước này, do đó, Bắc Kinh sẽ cần một lượng lớn khí đốt tự nhiên. Trong khi Trung Quốc phải tăng cường việc tự sản xuất và nhập khẩu khí đốt từ các nước Trung Á, các mỏ khí đốt khổng lồ của Nga là một nguồn cung cấp nhiên liệu sạch gần kề và luôn sẵn sàng.
Đồng thời, đường ống dẫn khí lớn dù ở phía đông hay tây cũng là một lựa chọn an toàn hơn so với việc vận chuyển khí đốt hoá lỏng qua đường biển. Lãnh đạo Trung Quốc lo lắng trước sự phụ thuộc ngày càng tăng của Bắc Kinh vào việc nhập khẩu năng lượng qua đường biển do e ngại sức mạnh và tầm ảnh hưởng của hải quân Mỹ. Đường ống khí đốt từ Nga cũng chính là mong muốn của Moscow. Nước này muốn qua mặt triển vọng xuất khẩu khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) sang châu Á của Mỹ.
"Trước khi LNG của Mỹ xuất hiện tại thị trường Trung Quốc, Nga cần phải sử dụng hệ thống ống dẫn khí đốt để cạnh tranh với LNG của Mỹ", ông Paik thuộc Viện nghiên cứu Chatham House, cho biết. "Trung Quốc sẽ là chiến trường cho "trục xoay" về châu Á của Mỹ và Nga.
Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Á với các giao dịch năng lượng và chiến lược kinh tế "Con đường Tơ lụa". Những động thái này làm dấy lên căng thẳng giữa Moscow và Bắc Kinh, khi Nga luôn xem Trung Á là "sân sau" của mình. Thỏa thuận khí đốt Nga - Trung mới sẽ là một cách để xoa dịu tình hình.
"Nga rõ ràng sẽ chiếm một vị trí khá nổi bật trong bất kỳ kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng xuyên lục địa nào của Trung Quốc", Mankoff nói, "vì vậy Bắc Kinh sẽ cố giữ gìn quan hệ với Moscow hết mức có thể".
Phương Vũ (Theo Foreign Policy)