Theo New York Times, ông Obama cùng các trợ lý cũng bất ngờ khi nhận thấy những đánh giá của ông Modi về sự trỗi dậy cũng như mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trước những vấn đề chiến lược tại khu vực Đông Á, gần giống với những gì Mỹ đang quan ngại. Ông Modi dường như cũng tỏ ra bất an trước những nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, đồng thời quan tâm hơn tới các cách tiếp cận mới để đối phó với Trung Quốc.
Tổng thống Obama và ông Modi đã đồng ý ký một tuyên bố chung, theo đó, hai lãnh đạo tái khẳng định "tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải và đảm bảo quyền tự do đi lại, cả trên biển và trên không", đặc biệt là ở Biển Đông, nơi Trung Quốc thường xuyên xảy ra tranh chấp và bị cáo buộc gây hấn với nhiều quốc gia trong khu vực.
Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi "các bên có liên quan tránh đe dọa hay sử dụng vũ lực" trong các tranh chấp trên biển. Dù không nêu đích danh nhưng giới chuyên gia đều đồng tình cho rằng động thái này rõ ràng nhắm đến Trung Quốc
Ông Modi đề nghị xây dựng lại "Đối thoại An ninh Bốn bên", một mạng lưới có sự tham gia của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, được khởi xướng từ năm 2007 và vấp phải sự chỉ trích của Trung Quốc. Liên minh này bị gián đoạn sau một năm thiết lập do những thay đổi trong bộ máy cầm quyền tại Australia.
Thủ tướng Ấn Độ còn quan tâm đến việc làm sao để trở thành thành viên và nâng cao vai trò của nước này tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nơi New Delhi có thể góp sức để cân bằng sức ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Các đời tổng thống Mỹ trong một thời gian dài luôn cố gắng lôi kéo Ấn Độ vào một mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn, nhằm hình thành liên minh đối trọng với Trung Quốc. Nhưng Delhi từ lâu vẫn duy trì một vị thế độc lập trên trường quốc tế, không bắt tay với bất kỳ quốc gia nào.
Tuy nhiên, quan điểm của Thủ tướng Modi lại có phần trái ngược, ông không những sẵn sàng mà còn khao khát định hình lại quan hệ Mỹ - Ấn trước bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng phát triển cả về kinh tế, chính trị và quân sự.
"Ấn Độ và Trung Quốc có khá nhiều mâu thuẫn, tương tự như với Mỹ trước đây", K. Shankar Bajpai, cựu đại sứ của Ấn Độ ở Mỹ và Trung Quốc, nhận xét. Nhưng nay Washington và New Delhi đều "nhận thức rõ ràng về lợi ích của mỗi bên" và phát hiện ra rằng họ "có nhiều điểm chung".
Nếu được chia sẻ lâu dài, tầm nhìn này sẽ báo hiệu sự thay đổi mang lại kết quả quan trọng hơn bất kỳ thỏa thuận hay hiệp định nào được ký kết trong suốt chuyến thăm Ấn Độ của ông Obama. Giới chức Mỹ có lẽ hy vọng hai nước sẽ tích cực hợp tác hơn nữa để kìm hãm tham vọng của Trung Quốc và bảo đảm trật tự trong khu vực, quan sát viên Peter Baker và Gardiner Harris từ NY Times đánh giá.
Thủ tướng Ấn Độ cũng bày tỏ quyết tâm giữ một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề tại châu Á với chính sách mang tên "hành động Phương Đông". Chính sách này gần tương đồng với chiến lược " xoay trục sang châu Á" của Mỹ. Theo giới phân tích, trong nhiều năm qua, Ấn Độ và Mỹ đã cùng nhau hướng tới sự nhất trí chung về quy cách kiềm chế Trung Quốc nhưng gần đây hai nước mới tỏ rõ điều này.
Một trong những vấn đề trọng tâm hiện nay đối với Ấn Độ là việc Trung Quốc điều động các tàu ngầm hạt nhân tới làm nhiệm vụ tuần tra tại vịnh Bengal, khu vực vốn được coi là sân sau chiến lược của New Delhi. Sự xuất hiện của các tàu ngầm Trung Quốc gây áp lực lớn đối với hệ thống quốc phòng Ấn Độ.
Thông điệp gửi Trung Quốc
Theo South China Morning Post, chuyến thăm và sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama với tư cách khách mời danh dự tại lễ diễu hành nhân Ngày Cộng hòa của Ấn Độ hôm 26/1 đã làm nổi bật mối quan hệ đang ngày càng khăng khít hơn giữa hai nước, đồng thời gửi đi thông điệp rằng nếu cần thiết, Ấn Độ và Mỹ có thể sẽ bắt tay để cùng chống lại Trung Quốc.
Chuyến công tác ba ngày của ông Obama cùng những thỏa thuận đạt được "là bằng chứng cho thấy hai quốc gia đang muốn gây sức ép lên Trung Quốc", ông Sun Shihai, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định. "Nó cho thấy những mối lo lắng của Ấn Độ về Trung Quốc đang bám rễ khá sâu và chưa có chiều hướng suy giảm, mặc dù New Delhi và Bắc Kinh hồi năm ngoái từng tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác".
Chuyến thăm của ông Obama diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ có vẻ như đang cố gắng thắt chặt mối quan hệ và kìm hãm những căng thẳng dồn nén suốt từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Hồi tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc cam kết đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào Ấn Độ và hứa duy trì hòa bình dọc vùng biên giới.
Nhưng đến nay vẫn không có tiến triển đáng kể nào trong việc giải quyết tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya. Những cuộc chạm trán nhỏ lẻ quanh khu vực này giữa quân đội hai nước vẫn thường xuyên xảy ra.
Rahul Bedi, nhà phân tích tại Tổ chức Thông tin Jane, cho rằng mục tiêu của Ấn Độ trong vòng hai thập kỷ tới là phát triển khả năng của lực lượng quân đội, đủ sức để chống lại Trung Quốc. "Ấn Độ không thể tự mình thực hiện tham vọng này, vậy nên họ cần một ai đó giống như Mỹ giúp đỡ", AP dẫn lời ông Bedi nhận xét.
"Điều này sẽ chạm tới mối quan tâm về an ninh của Trung Quốc", ông Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cữu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, bình luận. "Khả năng của Ấn Độ càng phát triển bao nhiêu thì áp lực sẽ đè nặng lên Trung Quốc bấy nhiêu".
Những giới hạn
Theo giới chuyên gia, New Delhi vẫn có những giới hạn nhất định trong việc hợp tác với Washington để đối chọi với Bắc Kinh. "Chúng tôi không phải là quân bài mà nước này có thể lợi dụng để chống lại nước khác", Kishan Rana, một nhà cựu ngoại giao Ấn Độ, nói.
Bắc Kinh dường như cũng vẫn tin tưởng vào phương hướng độc lập, không liên kết của New Delhi. "Chúng tôi biết Ấn Độ không muốn trở thành một phần của chính sách ngăn chặn Trung Quốc", New York Times dẫn lời bà Hoa Xuân Doanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu. "Chúng tôi tin rằng trò chơi một bên mất một bên còn đã thuộc về thế kỷ trươc rồi", bà cho biết thêm.
"Ấn Độ có lẽ không muốn đứng chung với Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác để chống lại Trung Quốc", Michael Kugelman, nhà nghiên cứu Nam Á tại Trung tâm Wilson, nhận định. Theo Kugelman, việc ông Modi xa rời chính sách không liên kết của nước này "sẽ gây ra những tác động rất to lớn".
Wang Dehua, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Thượng Hải, thì đánh giá Ấn Độ đang rất khao khát các khoản đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt là những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. "Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nhận thức rõ ràng rằng sẽ chẳng có lợi ích gì khi để tình trạng đối đầu kéo dài", Wang bình luận.
Theo Strait Times, Bắc Kinh mặt khác vẫn chú ý tới chính sách ngoại giao chủ động của ông Modi, người mà từ khi nhậm chức liên tục có các nước đi thúc đẩy hợp tác với nhiều quốc gia, không chỉ Mỹ mà cả Nhật Bản, đối thủ chính của Trung Quốc ở Đông Á.
Một số nhà phân tích tin rằng trước những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời ông Modi, chuyến thăm của ông Obama nhiều khả năng sẽ buộc Bắc Kinh phải tìm phương cách để cải thiện quan hệ với New Delhi.
"Ta có thể hy vọng Trung Quốc sẽ thực hiện một số điều chỉnh trong quan hệ song phương và công bố chúng khi ông Modi thăm Trung Quốc, có thể là vào cuối năm nay", Jiang Jingkui, chuyên gia về Nam Á tại Đại học Bắc Kinh, nhận xét.
Vũ Hoàng