Trước đây, người dân sống trong vùng kiểm soát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria phải chịu hình phạt đánh bằng roi nếu như bị phát hiện hút thuốc. Nhưng nay, người ta chỉ cần trả 65 USD tiền phạt để thoát tội.
Những kẻ thống trị tại đây đang phá dỡ các thiết bị cũ đem bán. Giới chủ hàng quán cũng phàn nàn về việc các chiến binh IS không còn tiêu tiền thoải mái như trước nữa. IS một mặt cắt giảm chi phí nhiên liệu và hỗ trợ lương thực, mặt khác tăng cường vơ vét tài sản của dân thường.
Người dân Syria tại vùng chiếm đóng cho biết, tổ chức khủng bố giàu có một thời này dường như đang đối diện với nguy cơ cạn dần tiền. "Tình hình tài chính của IS dường như đang gặp khó khăn. Tiền lương của một bộ phận chiến binh bị cắt giảm, trong đó có cháu trai của tôi", một người dân sống tại đây cho biết.
Người này cũng cho hay, sau đợt tấn công chớp nhoáng hồi năm 2014, phạm vi kiểm soát và quân số của IS đều tăng lên, nhưng điều này lại khiến tổ chức này gặp khó khăn trong việc trang trải các chi phí phát sinh.
Căn cứ theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, IS có 500 triệu USD tài sản lưu động. Trong khi đó, lượng tiền mà tổ chức này phải chi cho các binh sĩ lên đến 10 triệu USD một tháng, nhóm công tác đặc biệt của tổ chức Financial Action cho biết.
Một số nguồn thu trực tiếp và dễ mang lại tiền nhất của IS bị cắt. Trước khi bị liên minh các nước chống IS không kích, tổ chức này khống chế toàn bộ nguồn thu dầu mỏ tại khu vực lãnh thổ chiếm đến một phần ba diện tích của Syria và Iraq. Toàn bộ quy trình từ khai thác, xuất khẩu dầu thô đến lọc và bán dầu thành phẩm, đem lại những nguồn thu khổng lồ cho IS.
Tuy nhiên, sau khi liên quân bắt đầu không kích các cơ sở lọc dầu và đội vận chuyển nguyên liệu, IS buộc phải chuyển giao lĩnh vực kinh doanh này cho các đồng minh địa phương. Tổ chức này chỉ còn duy trì nguồn thu từ bán dầu thô, với mức giá 20 USD một thùng.
"Mất đi nguồn thu từ dầu thành phẩm, chỉ có thể dựa vào nguồn dầu thô, bọn họ đã mất đi một nửa thu nhập từ dầu khí", một công nhân giấu tên đến từ nhà máy khí đốt tại tỉnh Deir Ezzor, miền đông Syria, cho biết.
Theo ước đoán của chuyên gia phân tích Torbjorn Soltvedt, thu nhập dầu mỏ mỗi ngày của IS đã giảm xuống chỉ còn 300.000 USD. Trong khi, con số này trong năm 2014 đạt mức từ một đến hai triệu USD. "Tôi không nghĩ điều này sẽ khiến IS sụp đổ, nhưng có thể làm tăng tốc quá trình phân rã từ bên trong của tổ chức này", chuyên gia này bình luận.
Ông Soltvedt cũng cho hay, IS kiếm được 20 triệu USD trong năm 2014 từ tiền chuộc con tin, nhưng tốc độ khuếch trương lãnh thổ suy giảm do các đợt tấn công khiến tổ chức này không còn nhiều cơ hội kiếm tiền như trên nữa.
Ngoài ra, IS cũng phải trả tiền tử tuất cho gia đình của hàng nghìn chiến binh thiệt mạng trong các cuộc không kích. Một người dân sống tại thành phố miền bắc Raqqa tiết lộ rằng, IS phải trả cho mỗi gia đình chiến binh tử nạn 4.000 USD.
Một số chỉ huy và thủ lĩnh địa phương cũng liên tiếp đào tẩu, mang theo hàng trăm nghìn thậm chí là hàng triệu USD. Theo báo cáo của tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, trong hai tháng qua, ít nhất 5 chỉ huy IS bị xử tử vì có ý đồ mang tiền đào ngũ.
Tại Syria, người dân địa phương có thể liệt ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy IS đang có áp lực tài chính. Một thương nhân tại Raqqa cho hay, ông bị ép phải nộp phạt 50.000 USD vì tội lạm dụng thu phí của khách hàng. "Trước đây, mức phạt cho tội danh này chỉ là 200 USD và hai ngày giam", người này nói.
Một thương nhân khác thì cho biết IS đang muốn nhanh chóng bán đi các thiết bị của một căn cứ quân sự mà tổ chức này chiếm được từ mùa hè năm ngoái. "Họ đưa chúng tôi đến khu ký túc của các binh sĩ, và cho chúng tôi chọn mua những gì mình muốn", người này nhớ lại. "Thi thể các binh sĩ vẫn còn nằm vung vãi ở đó".
Một chủ quán tại Deir Ezzor cho hay thu nhập những tháng vừa qua đã giảm một nửa so với trước, khiến ông và gia đình phải duy trì cuộc sống hàng ngày chỉ với vài USD.
"Chiến binh nước ngoài của IS không còn mua nhiều hàng như trước, trong khi người dân Syria lại không có tiền. Nền kinh tế của chúng tôi đã sụp đổ, chỉ còn biết trông chờ vào những chiến binh này", người này chia sẻ. "Đối với chúng tôi, tình hình trước mắt còn tệ hơn thế nữa".
Mặc dù vậy, IS vẫn còn các nguồn thu khác, đến từ tiền tài trợ và trưng thu thuế các doanh nghiệp địa phương, chuyên gia phân tích Hisham al-Hashemi cho biết. Ngoài ra, tổ chức này còn rất nhiều các nguồn dự trữ ở nước ngoài.
"Không có chuyện IS gặp nguy cơ kinh tế, nguồn tiền của họ đủ để duy trì cuộc chiến như thế này trong vòng 6 năm", một cựu quan chức giấu tên của IS cho biết.
Đức Dương (theo Financial Times)