Tháng 11/2012, tại Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư của chính đảng lớn nhất thế giới. Bốn tháng sau, ông được bầu làm chủ tịch nước, chính thức hoàn thành quá trình chuyển giao quyền lực 10 năm một lần tại Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định rằng, quá trình hoạch định chính sách của Bắc Kinh thường không công khai, nhưng tư tưởng và phương châm trị quốc của Chủ tịch Tập khá rõ ràng sau hơn hai năm cầm quyền.
"Trong cả ba lĩnh vực đối nội, đối ngoại và kinh tế, chúng ta hiện nay có thể nhìn thấy rõ hướng đi lớn của Trung Quốc", ông David Pilling, tổng biên tập khu vực châu Á của báo Financial Times, bình luận.
Chống tham nhũng trong nước
Trong vấn đề đối nội, chống tham nhũng được cho là thành tích chính trị đáng chú ý nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình. Những người tiền nhiệm của ông Tập đều phát động chiến dịch chống tham nhũng trong những ngày đầu cầm quyền, nhằm củng cố chặt chẽ vị thế lãnh đạo. Nhưng, chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" lần này được tiến hành toàn diện, tại tất cả các lĩnh vực và cấp bậc quan chức. Trung bình mỗi tháng có tới 10.000 cán bộ bị điều tra, theo Xinhua.
"Tập Cận Bình rất bất mãn với những cán bộ tham nhũng, coi đó là ký sinh trùng của hệ thống chính trị", Giáo sư Bùi Mẫn Hân thuộc Học viện Claremont McKenna bình luận. "Ấn tượng xấu của quần chúng về tình trạng tham nhũng đang làm xói mòn tính chính danh của đảng cầm quyền".
Kết quả ấn tượng nhất của chiến dịch lần này là việc ông Tập hạ quyết tâm điều tra Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị, bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương. Chu là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc trong lịch sử có thể phải đối diện với tố tụng hình sự vì tình nghi tham nhũng.
Các nhà phân tích cho rằng sự kiện Chu Vĩnh Khang cho thấy mức độ tập trung quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong kết cấu quyền lực của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc hiện nay. Ông Tập được cho là đang thay đổi luật chơi trong giới chính trị thượng tầng của quốc gia này.
Dù vậy, không ít học giả và người dân hoài nghi về khả năng xóa bỏ hoàn toàn hành vi tham nhũng của các quan chức, vấn nạn đã ăn sâu vào hệ thống quan liêu Trung Quốc trong nhiều năm.
"Trong hai năm qua, chiến dịch chống tham nhũng đã hạ gục hàng trăm ngàn tham quan, nâng cao uy tín trong nước của ông Tập Cận Bình. Nhưng, chiến dịch này dường như mang tính lựa chọn", nhà bình luận xã hội Mộ Dung Tuyết Thôn cho biết. "Ngoại trừ Bạc Hy Lai ra, con cháu thế hệ lãnh đạo đầu tiên hầu như không có ai bị điều tra cả".
Nhà kinh tế Mao Vu Thức, người cổ súy cho quan điểm tự do hóa thị trường, cho rằng "nếu không có những cải cách mang tính hệ thống, thì các vụ tham nhũng sẽ không ngừng xuất hiện khi vụ án cũ được giải quyết". "Giải pháp căn bản là tận diệt mảnh đất mà tham nhũng nảy nở", học giả này nói.
Cứng rắn trên trường quốc tế
Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền, Trung Quốc tiến hành hai động thái cho thấy đường lối đối ngoại cứng rắn của lãnh đạo này. Cuối năm 2013, Bắc Kinh đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Hoa Đông, bao trùm quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư có tranh chấp với Nhật Bản. Tháng 5/2014, nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
"Ông Tập cứng rắn hơn nhiều so với người tiền nhiệm trên lĩnh vực ngoại giao. Ví dụ như ông ấy trực tiếp phụ trách các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền Senkaku/ Điếu Ngư với Nhật Bản", ông David Pilling cho biết.
Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là rất quyết tâm về vị thế không ngừng được nâng cao của Trung Quốc trên trường quốc tế, đặc biệt là trong tương quan quan hệ với Mỹ. Phát biểu tại một hội nghị hồi tháng 11/2014, ông Tập tuyên bố thời đại Washington nắm giữ vị trí siêu cường duy nhất thế giới sắp kết thúc, dù không điểm mặt chỉ tên nước nào sẽ lên thay thế.
Song song với chính sách cứng rắn trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc cũng tiến hành dồn dập các đợt tấn công quyến rũ, nhằm ràng buộc lợi ích và lôi kéo các nước ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ.
Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường liên tục có các chuyến công du đến châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, với các gói viện trợ, đầu tư và kế hoạch hợp tác khổng lồ. Trung Quốc cùng bốn nước khác trong nhóm các nước mới nổi BRICS thành lập ngân hàng phát triển nhằm đối trọng với Ngân hàng Thế giới do Mỹ chủ đạo.
Tại châu Á, Trung Quốc bỏ hơn nửa số vốn để thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng (AIIB). Đây là bước đi chiến lược của Bắc Kinh nhằm thách thức địa vị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), do Nhật Bản đứng đầu, từ đó cạnh tranh sức ảnh hưởng với Mỹ và đồng minh.
Tuy nhiên, đây được cho chỉ là những sách lược mang tính chiến thuật trước mắt, về dài hạn, Chủ tịch Tập đã từ bỏ đường lối đối ngoại "ẩn mình chờ thời" của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
"Ông ấy cho rằng Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn quan trọng trong quá trình phục hưng quốc gia, cần một chính sách ngoại giao mang phong cách riêng", Giáo sư Trần Định Định thuộc Đại học Hành chính công Macau bình luận. "Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ và đồng minh trong khu vực châu Á sẽ phải đối phó với một Trung Quốc mạnh mẽ hơn, tham vọng hơn và tự tin hơn".
Thúc đẩy cải cách kinh tế
Tại Hội nghị Trung ương ba hồi tháng 11/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ tiến hành một loạt biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của khối kinh tế nhà nước, tăng cường phát huy tác dụng của thị trường, từ đó thúc đẩy cải cách kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Đây được cho là các biện pháp dài hạn nhằm khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thứ hai thế giới sau 35 năm tăng trưởng liên tục với tốc độ chóng mặt. Nhân tố tác động bên ngoài khiến mô hình phát triển kinh tế dựa vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu khó lòng duy trì lâu. Phân phối thu nhập không bình đẳng khiến mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Đồng nhân dân tệ tăng giá, giá trị tài sản và bất động sản bị thổi phồng khiến ngành công nghiệp chế tạo mất đi ưu thế cạnh tranh. Không gian phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng bị thu hẹp. Nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Ông Tập trực tiếp đứng đầu Tổ lãnh đạo thúc đẩy cải cách toàn diện, nhằm giám sát tiến trình cải cách. Theo thông lệ, chức vụ thường do thủ tướng, người phụ trách lĩnh vực kinh tế, nắm giữ.
Sau hơn một năm thực hiện, tiến trình cải cách kinh tế của Trung Quốc đã đạt được những bước tiến nhất định. Quy định mức trần nợ công khiến các địa phương buộc phải chú trọng về chất lượng, chứ không phải tốc độ tăng trưởng. Cơ chế bảo hiểm tiền gửi mới giúp khả năng tự do hóa lãi suất trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng mức độ thúc đẩy cải cách hiện nay là chưa đủ. "Nếu như so với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, thì các chính sách cải cách kinh tế của Bắc Kinh có vẻ như mạnh mẽ hơn", ông Arthur Kroeber, giám đốc công ty tư vấn Gavekal Dragonomics, bình luận. "Nhưng các chính sách trên rõ ràng là chưa đủ".
Nhà kinh tế Đào Đông của Ngân hàng Credit Suisse nhận định rằng, các nỗ lực cải cách hiện nay vẫn là nói nhiều hơn làm, bởi các trở ngại đến từ các nhóm lợi ích trong kinh tế nhà nước. "Ông ấy đang xây cối xay gió, nhưng lại không có gió", chuyên gia này nói.
Đức Dương