"Quân sự hóa là một trong những điểm nổi bật trong các hoạt động gần đây của Trung Quốc, họ tiến hành xây dựng, bố trí các thiết bị mang tính quân sự, xây dựng đường băng và bãi đỗ trực thăng. Đó là biểu hiện của quân sự hóa, thế nhưng chưa bên nào đưa ra khái niệm thế nào là quân sự hóa", Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Australia, nhấn mạnh tại hội thảo "ASEAN và Quan hệ Trung-Mỹ: Những chuyển động mới và tác động tới khu vực" hôm qua tại Hà Nội.
Theo ông Thayer, các cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc triển khai ở Biển Đông sẽ giúp nước này kiểm soát khu vực tốt hơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Và trước sự can dự của Mỹ nhằm duy trì tự do hàng hải ở đây, Trung Quốc nỗ lực thực hiện cách tiếp cận song song (dual track) với mục đích loại bỏ vai trò của Mỹ ra khỏi mối quan hệ với ASEAN và với từng nước ASEAN.
Ông Thayer nhận định Biển Đông sẽ là một trong những điểm nóng trong mối quan hệ Trung - Mỹ thời gian tới, căng thẳng sẽ tồi tệ hơn.
"Trong bối cảnh mới này, ASEAN cần cùng các bên định nghĩa nội hàm quân sự hóa là thế nào", ông nói.
Trao đổi với VnExpress bên lề hội thảo, Giáo sư Su Hao, Khoa Ngoại giao, Đại học Ngoại giao Trung Quốc bao biện các hoạt động cải tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông là nhằm "tạo nguyên trạng mới trên biển khi các nước cùng có tranh chấp cũng thực hiện việc tương tự" và "sự hiện diện của Trung Quốc so với các nước khác là yếu hơn".
Lý giải việc Trung Quốc điều tên lửa, chiến đấu cơ ra Biển Đông, ông Su cho hay đó là điều có thể hiểu được vì "Bắc Kinh có năng lực quân sự rất lớn". Ông Su cũng cáo buộc sự can dự của Mỹ ở Biển Đông khiến cho các nước láng giềng sinh "nghi kỵ" với Bắc Kinh.
Ông Carl Thayer bày tỏ lo ngại ông có cảm giác dường như "Trung Quốc đang giành được lợi thế trong chiến dịch tuyên truyền rằng mọi người đều đang quân sự hóa Biển Đông". Vì thế các nước cùng có tranh chấp, trong đó có Việt Nam, cần làm rõ rằng hoạt động của Trung Quốc diễn ra ở quy mô lớn hơn và mang tính đe dọa nhiều hơn.
Giáo sư Tsutomu Kikuchi, Khoa chính trị quốc tế, Đại học Aoyama Gakuin, Nhật Bản nhận định nếu Trung Quốc tiếp tục việc quân sự hóa các đảo nhân tạo thì diễn biến ở Biển Đông sẽ căng thẳng hơn trong thời gian tới. Mức độ chưa dẫn đến xung đột quân sự nhưng sẽ có va chạm nhỏ giữa các tàu hải cảnh, tàu dân sự của Trung Quốc với các tàu của các nước cùng có tranh chấp như Việt Nam, Philippines. Tuy nhiên không loại trừ khả năng leo thang tới va chạm giữa các lực lượng hải quân.
Ông cũng đồng tình với Giáo sư Thayer về việc ASEAN cần làm rõ khái niệm quân sự hóa để đưa ra quan điểm chung về vấn đề này, thể hiện sự thống nhất của hiệp hội. Bởi trên thực tế một mặt Trung Quốc nói họ không quân sự hóa, nhưng mặt khác họ lắp hệ thống radar, điều tên lửa ra Biển Đông. Những gì Bắc Kinh đang làm không phải là bồi đắp mà họ đang tạo nên các đảo mới.
"ASEAN cần đóng vai trò quan trọng trong giảm căng thẳng ở khu vực. Hiệp hội đã thống nhất để xây dựng cộng đồng, cả về an ninh và kinh tế, vì vậy cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào việc xây dựng cộng đồng đó", ông Kikuchi nói.
'Hillary Clinton sẽ cứng rắn với Trung Quốc nếu làm tổng thống'
Lưu ý về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung trong khu vực, bà Rabea Brauer, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Konrard Adenaeur Stiftung (KAS), khẳng định hai cường quốc này chia sẻ nhiều vấn đề chung về an ninh, chẳng hạn như Trung Quốc tham gia trừng phạt Triều Tiên theo nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc. Do đó hai nước sẽ không để tình hình leo thang tới mức có xung đột quân sự ở Biển Đông.
Cho rằng còn quá sớm để dự báo chính sách của chính quyền mới ở Mỹ vì cuộc đua vào Nhà Trắng đang ở nửa chặng đường, bà Brauer tin nếu Hillary Clinton trở thành tân tổng thống thì sẽ duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc như thời bà còn là ngoại trưởng.
Bà Brauer cũng cảnh báo chính sách của Trung Quốc là thiết lập quan hệ với từng nước thành viên ASEAN, điều đó sẽ làm suy giảm bất kỳ sáng kiến nào của hiệp hội. Trong tương lai có thể có sự thay đổi trong chính sách của ASEAN .
"ASEAN cần nhớ rằng những sáng kiến đó là gì và cần tỏ quan điểm cứng rắn khi cần thiết nhằm thể hiện sự thống nhất", bà đưa ra lời khuyên.
Xu thế hợp tác vẫn đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ Mỹ - Trung, theo Giáo sư Tan See Seng, Viện nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Trường quan hệ quốc tế S.Rajaratnam, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore.
Theo ông Tan, cả chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama đều nhận thức rõ mối quan hệ phức tạp giữa hai nước. Tất nhiên Mỹ và Trung Quốc có những khác biệt và bất đồng nhưng đều cố gắng giữ để căng thẳng không vượt khỏi tầm kiểm soát, ảnh hưởng tới sự ổn định trên thế giới. Bởi bất cứ điều gì xảy ra giữa hai nước không chỉ ảnh hưởng tới khu vực mà còn có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. Mỹ - Trung sẽ không để các khác biệt và vấn đề Biển Đông làm giảm mối quan hệ hợp tác giữa họ.
"Câu hỏi thú vị với tôi là thỏa thuận giữa Washington với Bắc Kinh là gì và sự liên can của các nước ASEAN thế nào. Đó là câu hỏi lớn mà mọi người đều cố gắng tìm câu trả lời", ông nói.
Đánh giá về hoạt động cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc trên Biển Đông, Giáo sư Tan cho rằng Bắc Kinh đang thử giới hạn phản ứng của quốc tế, đồng thời theo dõi chặt chẽ phản ứng của Mỹ. Những hành động hiện nay ở Biển Đông đang khiến các nước trong khu vực lo ngại, vì rất dễ leo thang căng thẳng. Một sự cố nhỏ hoặc sự tính toán sai lầm, dù không bên nào muốn, đều có thể xảy ra. Do vậy, ASEAN cần nỗ lực hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử (COC), là cơ chế để kiểm soát không để xung đột bùng phát.
Theo ông Thayer, mặc dù Trung Quốc và Mỹ có đến 100 cơ chế hợp tác về các vấn đề quốc tế nhưng tình hình ở Biển Đông đang có lý do trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất. Không hẳn là hai bên sẽ xảy ra chiến tranh nhưng va chạm giữa các lực lượng quân sự có thể xảy ra.
"Một tàu Mỹ đến thì một tàu Trung Quốc tới, máy bay của nước này nối tiếp máy bay của nước kia. Điều đó đang gây lo ngại trong khu vực. Nếu tình hình không được giải quyết nó có thể khiến cuộc khủng hoảng tiếp sau trở nên tồi tệ hơn", ông nói.
Việt Anh