Mỗi khi nhắc đến giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Trung Quốc thường lặp đi lặp lại nguyên tắc “đàm phán song phương với những nước có liên quan trực tiếp”.
Đây là cái cớ để Trung Quốc ngăn cản sự can dự của bất cứ bên thứ ba nào và không chấp nhận vụ kiện về chủ quyền biển đảo mà Philippines đưa lên Tòa án trọng tài quốc tế. Đây cũng là lý lẽ mà Bắc Kinh đưa ra để chần chừ trong tiến trình đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) với Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN.
Nhưng trên thực tế, Trung Quốc cũng không đếm xỉa đến việc thực hiện nguyên tắc song phương. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc trên Biển Đông theo kiểu mỗi thứ một tí, đa phương, song phương, và gần đây nhất là đơn phương, đạt đến một mức độ không thể hiểu được về tính bất khả dự đoán, ông Santicola nhận xét.
Nói về đa phương, Trung Quốc nói sẽ tuân thủ các cam kết kể cả ràng buộc và không ràng buộc, nhưng thực ra không có ý định tuân thủ. Năm 1996, Trung Quốc ký tham gia Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) nhưng vẫn tiếp tục đưa ra các tuyên bố chủ quyền đi ngược lại cơ chế giải quyết của công ước. Với cam kết không ràng buộc, Trung Quốc ký Tuyên bố về Ứng xử Biển Đông (DOC) năm 1982, nhưng bằng những hành động quấy nhiễu ngư dân các nước láng giềng, đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarbourough, cải tạo đất đai ở đá Gạc Ma tại Trường Sa, Trung Quốc đang phớt lờ cam kết chính trị về việc tránh làm phức tạp thêm tình hình, gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.
Nói về song phương, cái mà Bắc Kinh luôn khẳng định là nguyên tắc trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc cũng không tuân thủ. Đầu tháng 5, Trung Quốc đơn phương đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa. Hành động này diễn ra bất chấp thỏa thuận song phương năm 2011 về Các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà cả hai bên đã đồng ý nhằm giải quyết tranh chấp thông qua "bàn thảo và thương lượng hữu nghị".
Tương tự, năm 2012, Trung Quốc đã không thực hiện kết quả đàm phán tay đôi với Philippines mà theo đó hai bên đều phải rút các tàu của mình khỏi bãi cạn Scarborough. Nói cách khác, các tuyên bố về song phương hay đa phương của Trung Quốc đều phải đầu hàng trước hành động của họ - hành động đơn phương.
Chuyên gia luật hải quân Santicola cho rằng, sau khi xem xét việc Trung Quốc thực hiện các cam kết liên quan đến chính sách đối ngoại, ông nhận thấy điều kiên định nhất của họ là theo đuổi chính sách không kiên định, chiến lược không rõ ràng. Điều này khiến người ta nghi ngờ liệu Trung Quốc có thực lòng trong thương lượng và diễn giải các thỏa thuận (ràng buộc cũng như không ràng buộc) với quốc tế hay không. Điều quan trọng hơn nữa là với một cường quốc khu vực có chính sách bất nhất như thế, liệu khu vực có được hưởng sự ổn định và hợp tác hay không.
Khánh Lynh (theo The Diplomat)