Sau các tuyên bố của lãnh đạo châu Âu và tổng thống Mỹ Obama hôm qua, Nga phải đối mặt với những đòn trừng phạt kinh tế nặng nhất của phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Một số người Nga đang lo rằng các hạn chế kinh tế đó, cùng cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine, sẽ khiến quan hệ giữa Moscow với phương Tây xấu đi trong một thời gian dài, gây tổn hại kinh tế sâu rộng đến mức mỗi người dân thường cũng sẽ cảm nhận được.
Cho tới gần đây, chiến thuật của ông Putin vẫn chứng tỏ hiệu quả. Nga được cho là âm thầm hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, giữ nước này ở thế phụ thuộc vào Nga, nhưng không đến mức độ khiến phương Tây phải đối xử quyết liệt với Moscow. Tuy nhiên khi chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines vỡ tan ở đông Ukraine, tạo nên những cơn sóng gió liên tiếp, chiến thuật này dường như đang bị xô đẩy, lung lay.
Ngày càng nhiều nhà phân tích cho rằng ông Putin và các lãnh đạo theo đường lối cứng rắn ở Kremlin quá tự tin khi tin tưởng rằng nước Nga, ngày nay phụ thuộc hơn nhiều về ngoại thương và tài chính quốc tế so với Liên Xô trước đây, có thể thịnh vượng mà không cần phương Tây.
"Chính phủ không lường trước được phương Tây lại có những bước đi quyết liệt, những bước đi gây tổn thất đến như vậy", Nikolai Petrov, một nhà phân tích chính trị độc lập của Nga, đánh giá. "Những gì đang diễn ra hoàn toàn trái ngược với điều họ mong muốn và kỳ vọng".
Petrov và các chuyên gia chỉ ra rằng việc chiếc Boeing của Malaysia Airlines rơi tại vùng chiến sự ở miền đông Ukraine hôm 17/7 đã làm xáo trộn mọi nước cờ của của Putin. Trước MH17, tổng thống Nga vẫn nắm được các dây cương và duy trì được sự ủng hộ từ công chúng, những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, các cơ quan an ninh, các nhà tài phiệt và cộng đồng kinh doanh theo tư tưởng tự do.
"Cho đến khi thảm họa xảy ra, mọi tính toán của ông Putin đều tốt, xét về khả năng giành chiến thắng ở bất kỳ cuộc đấu chiến thuật nào", ông Petrov nói.
Vụ rơi máy bay làm tình hình rẽ sang một hướng khác, Tây Âu quyết liệt thay đổi thái độ đối với Nga, theo ông Lev Gudkov, giám đốc Trung tâm Levada, một cơ quan nghiên cứu nổi tiếng của Nga.
Cuối tuần trước, khi những cảnh báo trừng phạt nghiêm trọng hơn nhằm vào Nga có khả năng thành hiện thực, ông Putin họp với ban cố vấn và nói Nga cần tự lực cánh sinh, không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào, bất chấp mọi khó khăn.
"Tôi nghĩ rằng những hành động của phương Tây về mặt nào đó đều mang lại lợi ích cho chúng ta bởi họ tiếp thêm động lực cần thiết để ta phát triển sản xuất trên những lĩnh vực chưa bao giờ thử sức trước đây", bản ghi cuộc họp dẫn lời ông Putin nói.
Bên trong nước Nga, cảm giác giận dữ trước nguy cơ bị cô lập đang lớn dần. Alexei Kurdin, cựu bộ trưởng Tài chính, đồng minh thân cận của Putin, tuần trước công khai chỉ trích chính sách của Kremlin trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Itar-Tass.
Ông Kurdin bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ gây ra "cuộc đối đầu lịch sử" và làm chậm sự phát triển của Nga. Cộng đồng kinh doanh không thích việc các cơ quan truyền thông đưa tin nhiều hơn theo xu hướng bài Tây, bởi không muốn Nga lại trở thành kẻ thù của phương Tây một lần nữa.
"Trong kinh doanh, mọi việc rất khác, các doanh nhân muốn được đầu tư, xây dựng nhà máy và phát triển thương mại", ông nói.
Một số nhà phân tích cho rằng cuộc phỏng vấn của ông Kudrin, cùng một bài xã luận có ý tương tự trên nhật báo kinh doanh uy tín Kommertsant, có thể là dấu hiệu cho thấy Moscow muốn buông các phiến quân ở đông Ukraine. Tuy nhiên, chưa có một dấu hiệu chắc chắn nào cho thấy Putin đang thay đổi chiến lược. Và trong vụ MH17, các báo chí chính thống của Nga cho cảm giác rằng phương Tây đang cố đổ lỗi cho Nga vì động cơ chính trị.
"Tôi cho rằng chúng ta đang đối mặt với một tình huống nghiêm trọng", Lev Gudkov của Trung tâm Levada nói trước một cử tọa tuần này. "Nhưng xã hội của chúng ta, trong niềm hân hoan và lòng ái quốc, chưa nhận ra điều đó. Dù người trong nước Nga không phản ứng nhiều với khủng hoảng MH17, phương Tây đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về Nga", ông Gudkov cảnh báo.
Niềm hân hoan mà ông Gudkov nói đến xuất phát từ việc sáp nhập bán đảo Crimea một cách nhẹ nhàng không đổ máu và không tốn kém. Và mọi người tin rằng cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine cũng sẽ nguội đi theo một cách êm đềm. Có tới 60% số người được thăm dò ý kiến cho biết họ không lo ngại gì ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt; tỷ lệ ủng hộ tổng thống Putin vẫn rất cao.
Nhưng cũng có nhiều người lo ngại khi các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp tục đổ xuống đầu Nga. Nước này vừa bị tòa án quốc tế tuyên phạt 50 tỷ USD bồi thường cho tập đoàn Yukos, với lý do chính phủ giải thể tập đoàn cho mục đích chính trị. Các khó khăn kinh tế có thể sẽ gây chia rẽ giữa cộng đồng kinh doanh theo tư tưởng tự do với các quan chức chính phủ theo tư tưởng bảo thủ.
"Chắc chắn có một sự chia rẽ, nhưng phe ôn hòa trong chính phủ không có đủ phương tiện buộc Putin có những hành động thực tiễn", Vladimir Milov, cựu thứ trưởng Bộ năng lượng Nga, nói.
Các quan chức Nga chủ trương tuyệt giao với phương Tây tin rằng bất cứ mất mát nào đều có thể được bù đắp từ hợp tác với Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Nhưng, họ không nhận ra rằng những ngân hàng đang cấp nhiều tỷ USD tín dụng dài hạn cho các công ty Nga đều xuất phát từ phương Tây, ông Milov nhận định.
Tại một bữa tiệc tối gần đây, một quan chức thân chính phủ Nga nói rằng tương lai thế giới sẽ là "sức mạnh Nga và sự giàu có của Trung Quốc", nhưng cũng đặt câu hỏi, "chẳng lẽ phương Tây không lo lắng ư, nếu Trung Quốc là bên được lợi nhiều nhất?".
Nhìn về dài hạn, cựu thứ trưởng năng lượng Nga Vladimir Milov đánh giá không mấy lạc quan. "Có những dấu hiệu xấu, cho thấy chúng ta đang trượt vào một thế bế tắc lâu dài", ông nói.
Vũ Hoàng (theo New York Times)