Từng là một nghệ sĩ hip-hop khá thành công trên sàn diễn của Đức với nghệ danh Deso Dogg, Denis Cuspert hiện nay mang tên mới là Abu Talha, một kẻ nhận nhiệm vụ tuyên truyền cho nhà nước tự xưng IS, Yahoo News dẫn tin từ cơ quan tình báo Đức.
Cuspert, 38 tuổi, có mẹ là người Đức và cha là người Ghana. Anh ta lớn lên ở vùng lân cận thủ đô Berlin, có dính dáng tới tội phạm và băng nhóm trong khi nuôi mộng trở thành một ngôi sao nhạc rap.
Cuspert từng đạt được một số thành công nhất định, thậm chí có thời còn lưu diễn ở Đức cùng rapper người Mỹ DMX. Lời lẽ trong bài hát "Ai sợ người đàn ông da đen" của Cuspert cho thấy hơi hướng bạo lực và chán chường vì vỡ mộng. Anh ta viết: "Trong thế giới của người da trắng, đầy những ghét bỏ và ảo tưởng. Lựa chọn cuối cùng chỉ là bạo lực và xúc cảm".
Không thể phát triển sự nghiệp hơn nữa sau một tai nạn xe hơi, Cuspert bắt đầu tìm đến đạo Hồi cực đoan như định hướng trong cuộc sống. Trong bốn năm qua, anh ta bỏ sự nghiệp âm nhạc để trở thành người tuyên truyền của đạo Hồi trong thế giới nói tiếng Đức, đưa lên các video khuyến khích người theo đạo Hồi tham gia cuộc "thánh chiến".
Cuspert từng suýt mất mạng sau khi bị thương nặng khi quân đội Syria tấn công IS hồi tháng 9 năm ngoái. Việc bị thương giúp anh ta giành được sự kính trọng từ các phiến quân khác. Trong đoạn video được đưa lên mạng đầu năm nay, anh ta thề trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của ISIS.
"Tôi là người có tội. Tôi sống trong tội lỗi trước khi chuyển sang đạo Hồi. Bao quanh bởi âm nhạc, ma túy, rượu và phụ nữ", anh ta nói trong một đoạn video truyền bá gần đây. Một đoạn video khác cho thấy Cuspert dùng một cục đá đập vào đầu một thi thể ở nơi mà IS thực hiện cuộc tàn sát ở thành phố Homs, phía đông Syria.
Sự thăng tiến của Cuspert lên hàng ngũ cao hơn của IS gây lo ngại rằng những kẻ như anh ta có thể khuyến khích những kẻ theo đạo Hồi cực đoan ở Đức hoặc một ngày trở về để thực hiện các hoạt động khủng bố.
"Cuspert sẽ không trở về khi đang có lệnh bắt chờ hắn. Nhưng có nguy cơ là y có thể kích động những kẻ khác", Elke Altmüller, phát ngôn viên của Cơ quan Tình báo Nội địa Đức Verfassungsschutz nói.
Khi cuộc xung đột xuyên biên giới ở Iraq và Syria giữa IS và các lực lượng chống lại chúng tiếp tục dữ dội, IS thu hút hàng trăm người từ châu Âu có thể trở thành chiến binh, là những kẻ quá khích chuyển đổi tôn giáo như Cuspert. Mặc dù nhà chức trách Đức nói chưa thấy dấu hiệu sắp xảy ra cuộc tấn công, họ vẫn nỗ lực theo dõi những chiến binh trở về từ vùng chiến sự.
Hiện ước tính có khoảng 400 người theo đạo Hồi quá khích từ Đức đến Syria, hoặc trực tiếp chiến đấu hoặc hỗ trợ những kẻ cực đoan. Altmüller nói có gần 10% trong số đó là công dân Đức cải sang đạo Hồi. Theo các báo cáo của tình báo, có khoảng 40 tên thiệt mạng trong cuộc xung đột.
Những kẻ Hồi giáo cực đoan rõ ràng thấy tiềm năng của cựu rapper Cuspert trong việc chiêu mộ thêm lính ở Đức, truyền bá những tư tưởng cực đoan.
Sau khi hai cảnh sát Đức bị đâm trong cuộc biểu tình của nhóm Salafist ở thành phố Bonn hồi tháng 5/2012, Cuspert viết một bài thơ ca ngợi kẻ tấn công là "sư tử Đức Murat K". Dù từ bỏ âm nhạc, anh ta vẫn thường viết những bài ca của đạo Hồi được gọi là "anasheeds" để ca ngợi cuộc chiến của những kẻ quá khích.
Theo nhà chức trách Đức, thủ phạm bắn chết hai quân nhân Mỹ tại sân bay Frankfurt hồi năm 2011 đã xem video của Cuspert trước khi hành động. Tài khoản Facebook của tên này cũng có liên hệ với Cuspert.
Tình báo Đức cũng theo dõi hai người khác cải sang đạo Hồi là Pierre Vogel và Sven Lau. Chúng chọn cách ở lại Đức nhưng cũng tích cực tuyên truyền cực đoan.
"Vogel và Lau có chuyến đi quảng bá ở Đức trong năm nay để thúc đẩy lý tưởng. Chúng có thể không trực tiếp khuyên mọi người tới Syria, nhưng chúng tổ chức các loại sự kiện có thể tiếp cận thanh niên", Altmüller nói. Chúng có thể không liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố, nhưng giúp tạo nên các điều kiện cho một người thực hiện các hành động đó, ông nói thêm.
Lau từng bị bắt hồi đầu năm với cáo buộc bảo trợ cho các hoạt động khủng bố, nhưng sau đó được thả do thiếu chứng cứ. Còn Vogel, từng phản đối bạo lực dưới hình thức của đạo Hồi, nhưng cũng bị nhà chức trách Đức theo dõi trong các cuộc biểu tình của Salasfist. Anh ta công khai tán dương Cuspert hồi năm 2010 vì từ bỏ sự nghiệp âm nhạc, anh ta cũng quan tâm đến những rapper theo đạo Hồi khác ở Đức có thể khuyến khích những người hâm mộ từ bỏ tôn giáo của mình để theo đạo Hồi.
"Pierre Vogel giảng đạo ở Đức. Anh ta dùng thứ ngôn ngữ hấp dẫn các thanh niên. Hệ tư tưởng mà chúng đang truyền đi rất nguy hiểm. Tôi thường nhận được những lời đe dọa tính mạng từ những kẻ theo phong trào Salafist", Giáo sư Mouhanad Khorchide, một người nghiên cứu về thần học đạo Hồi tại Đại học Münster nói.
Đầu tháng này, Lau gây nên sự phẫn nộ lan rộng ở Đức sau khi tổ chức đi tuần qua trung tâm thành phố Wuppertal với những kẻ theo đạo Hồi quá khích mang áo màu cam ghi rõ "Cảnh sát Sharia" sau lưng. Với "luật Sharia", tay chân của Lau được cho là cố gắng ngăn các thanh niên không vào các hộp đêm và các sòng bạc giải trí.
Sự kiện này khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel phải lên tiếng. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière cũng nói rõ: "Sharia sẽ không được khoan dung trên đất của Đức".
Khorchide bác bỏ việc "cảnh sát Sharia" của Lau là một nỗ lực PR, nhưng cảnh báo sự ảnh hưởng gia tăng của những kẻ theo đạo Hồi sử dụng những người như Cuspert.
"Nhà nước Hồi giáo tự xưng tạo cho những kẻ thất bại trong xã hội Đức, những người dễ cảm tình với tư tưởng của đạo Hồi, có cơ hội cảm thấy mình mạnh mẽ. Bất kỳ ai trở về từ chiến tranh ở Syria đều bị chấn thương tâm lý và mang đầy lòng thù ghét", ông nói.
Khánh Lynh