"Sau khi rời chiến tranh Việt Nam năm 1969, trở về Mỹ, tôi đã mất nhiều năm chìm trong rượu để quên đi những ám ảnh và sống vờ như không có chuyện gì xảy ra", ông Suel Jones mở đầu câu chuyện với VnExpress. Jones cùng một số bạn bè Mỹ đến Hà Nội ngày 16/4 để tham gia các hoạt động kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất Việt Nam 30/4.
Jones từng là một lính thủy đánh bộ của quân đội Mỹ tại Quảng Trị hồi năm 1968. Trước khi đến Việt Nam, ông không hề có ý niệm gì về cuộc chiến, chỉ khi thực sự chứng kiến cảnh bom đạn, người chết, ông mới hiểu một điều đơn giản "ở đây chỉ có giết chóc". Một năm sau ông về Alaska, Mỹ.
Cùng với vết thương trên thân thể, Jones không ngừng nghĩ về quá khứ và chỉ mong những ký ức khủng khiếp nhanh chóng qua đi. Ông trở nên cô độc vì không thể trò chuyện với chính người thân và bạn bè xung quanh, ông cho rằng những người chưa từng đến Việt Nam, chưa từng trải qua chiến tranh thì không thể hiểu mình.
"Có nhiều cựu binh Mỹ đã tự sát, hoặc trở thành nghiện rượu, họ không thể sống cuộc sống bình thường", Jones nói.
Không lâu sau Jones nhận ra ông không thể rũ bỏ những gì mình đã trải qua trong chiến tranh và ông chấp nhận "đó là một phần của mình". Jones quyết định đi học và trở thành nhà báo, đi đến nhiều nơi ở Mỹ để nói chuyện về những gì đã xảy ra, những hậu quả do chiến tranh để lại cho cả hai phía.
Gần ba mươi năm sau, năm 1998, Jones trở lại Việt Nam với mong muốn tìm hiểu đất nước này thay đổi ra sao. "Tôi cảm thấy lo lắng khi trở lại một nơi mọi người từng coi mình là kẻ thù, nhưng những người Việt tôi gặp đã dành cho tôi tình cảm thực sự. Điều đó làm tôi thấy rất hạnh phúc", Jones nói.
Từ đó đến nay, đều đặn hàng năm Jones đến Việt Nam để tặng khoản tiền ông vận động được từ bạn bè và người quen ở Mỹ. Khoản tiền này dành cho các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam ở Làng Hữu Nghị ở Hà Nội. Ông sau đó tham gia tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP) của Mỹ và hiện là Chủ tịch chi hội VFP tại Việt Nam.
Jones cùng các thành viên VFP đang tập trung vào việc hỗ trợ người dân Quảng Trị, Thừa Thiên Huế loại bỏ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, hướng dẫn cách nhận biết và phòng tránh bom, tặng xe lăn cho những trẻ khuyết tật do ảnh hưởng của chất độc da cam, dạy tiếng Anh cho trẻ em. VFP tại Việt Nam còn giúp xây nhà, cung cấp gia súc cho các gia đình có người nhiễm chất độc da cam tại các tỉnh miền trung.
Với Don Blackburn, một thành viên của VFP, trong nhiều năm ông không thể quên những gì xảy ra với người dân Việt Nam ở các ngôi làng mà lính Mỹ tìm kiếm "Việt Cộng" ở miền nam thời năm 1967. Bảy tháng sau ông trở về Mỹ. "Tôi tình nguyện phục vụ cho đất nước mình nhưng không phải là để tham chiến ở Việt Nam", Blackburn nói.
Blackburn không để cho quá khứ chi phối cuộc sống của mình quá lâu, ông trở thành giáo viên trong 20 năm sau đó và nói chuyện với nhiều người Mỹ về cuộc chiến ở Việt Nam. "Tôi muốn dùng những ký ức của cuộc chiến để xây dựng nên những điều tích cực", ông nói.
Blackburn trở lại Việt Nam từ 2005 và hiện nay vẫn tiếp tục công việc gây quỹ, hỗ trợ cho làng Hữu Nghị và xây nhà cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở các tỉnh miền trung Việt Nam.
Cũng là một thành viên của VFP, Frank Campbell, cựu chỉ huy tàu của Hải quân Mỹ từng hoạt động ở Biển Đông, trở lại Việt Nam lần đầu tiên, kể từ sau năm 1974. Ánh mắt ông không giấu được nỗi day dứt về cuộc chiến. Campbell nói tuy ông không trực tiếp chứng kiến cảnh chết chóc trên đất liền, vì khi đó Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ chính quyền miền Nam Việt Nam, nhưng điều duy nhất ông có thể nói là "cuộc chiến vô ích và vô nghĩa".
Lý do Campbell đến Việt Nam lần này là cùng các bạn bè góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh ở nhiều tỉnh. Bằng số tiền gây quỹ được ở Mỹ, ông mong muốn góp phần tẩy độc chất da cam trong đất, trong nước ở các tỉnh miền trung Việt Nam, hỗ trợ trẻ em không may mắn bị khuyết tật do nhiễm độc dioxin. Các thành viên VFP cũng muốn thúc đẩy đối thoại giữa các cơ quan liên quan của hai nước Việt - Mỹ để giải quyết các hậu quả do chiến tranh để lại.
Những cuộc gặp gỡ người dân Việt Nam trong gần 20 năm qua, những chuyến đi kết nối các nạn nhân chiến tranh của cả hai bên đã làm thay đổi con người Suel Jones. Ông cho rằng nếu không đến Việt Nam năm 1968, ông giờ đây sẽ là một người hoàn toàn khác. Jones cùng nhiều cựu binh Mỹ cũng giúp hàn gắn vết thương chiến tranh cho cả bản thân, cho cựu binh Việt Nam và cả những người Việt sinh sống tại Mỹ sau năm 1975.
"Những người thuộc thế hệ chúng tôi rồi sẽ mất đi, nhưng các bạn trẻ ở Mỹ và Việt Nam, những người không phải trải qua chiến tranh, sẽ có cảm giác khác về hai nước chúng ta. Tôi mong rằng nhiều người Việt Nam sẽ đến Mỹ và ngược lại, trong tương lai gần, chúng ta sẽ đồng hành với nhau nhiều hơn", Jones nói.
Việt Anh