AFP đưa tin, tại các điểm bỏ phiếu sớm ở thủ đô Bangkok và một số tỉnh phía nam, người biểu tình dùng dây xích khóa cửa, bao vây các tòa nhà và ngăn không cho hoạt động bỏ phiếu diễn ra. Tình trạng này làm gia tăng lo ngại về khả năng tổ chức cuộc bầu cử theo kế hoạch vào ngày 2/2.
"Ít nhất 45 trong số 50 địa điểm bầu cử ở Bangkok phải đóng cửa. Quan chức phụ trách bầu cử tại các địa điểm bỏ phiếu sớm không thể tiến vào trong vì bị những người biểu tình ngăn chặn", Phó thủ tướng Surapong Tovichakchaikul, cho hay. Với vai trò là một trong những nhân vật quan trọng của Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự, ông Surapong đang nắm giữ trọng trách xử lý tình trạng khủng hoảng.
Ngoài Bangkok, 66 trên 76 tỉnh thành của Thái Lan, bao gồm các khu vực ủng hộ đảng cầm quyền ở miền bắc và đông bắc, đã tiến hành bầu cử sớm. Chưa có báo cáo về tình trạng bạo lực ở các địa điểm tổ chức bỏ phiếu sớm. Tuy nhiên, theo Đài truyền hình Thái Lan, một vài cuộc tranh cãi giữa người bỏ phiếu và người biểu tình đã xảy ra tại một số địa điểm.
Ông Puchong Nutrawong, Tổng thư ký Ủy ban Bầu cử, cho biết, các thành viên của Ủy ban chưa biết làm thế nào để thống kê những những lá phiếu chưa được cử tri bỏ phiếu trong ngày hôm nay.
Khoảng 48 triệu người Thái Lan có đủ tư cách bỏ phiếu, trong đó có hai triệu người đăng ký đi bỏ phiếu phiếu sớm trước ngày bầu cử chính thức vào chủ nhật tới.
Hoạt động bỏ phiếu sớm được tổ chức dành cho những người không thể có mặt tại buổi bầu cử chính thức. Đây là một thủ tục cần thiết trong bầu cử, đồng thời cũng được coi là thử nghiệm khả năng tổ chức ngày bầu cử chính thức không có bạo lực.
Thủ tướng Yingluck kêu gọi tổ chức bầu cử vào ngày 2/2 nhằm xoa dịu những cuộc biểu tình chống chính phủ căng thẳng kéo dài từ tháng 11 năm ngoái cho đến nay. Trong khi đó, những người biểu tình kiên quyết phản đối bầu cử và tuyên bố sẽ tập trung quanh các khu vực bỏ phiếu.
Thùy Linh