"Chúng ta phải trung lập. Việt Nam sẽ có một cách kể, Trung Quốc sẽ có cách kể khác. ASEAN khó có thể đứng về bên nào, nhưng trung lập không đồng nghĩa với im lặng", Bangkok Post dẫn lời ông Shanmugam hôm nay cho biết sau cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN tại thủ đô của Myanmar.
"Nếu những sự kiện này xảy ra cách đây vài ngày, và các ngoại trưởng ASEAN gặp nhau hôm nay, các nguyên thủ gặp nhau ngày mai mà chúng ta không nói năng gì, thì tôi nghĩ khát khao được đóng vai trò trung tâm, thống nhất, khát khao có một khu vực hòa bình và sự toàn vẹn của chính ASEAN, sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng", ngoại trưởng Singapore nói.
Ông Shanmugam còn cho biết uy tín của ASEAN trong những năm gần đây ít nhiều bị ảnh hưởng, khi đề cập đến thất bại của các lãnh đạo ASEAN cách đây hai năm vì không thể ra thông cáo chung chỉ trích các hành động tương tự của Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, Campuchia giữ chức chủ tịch ASEAN và Philippines tố Phnom Penh ngả theo quan điểm của Trung Quốc, nước muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các cách thức song phương với từng nước có tranh chấp, chứ không muốn giải pháp đa phương. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại của ASEAN, các bộ trưởng không ra được thông cáo chung.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra cuối tuần này trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông, sau hành động hạ đặt giàn khoan phi pháp của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Từ ngày 1/5, Trung Quốc triển khai hàng chục tàu bảo vệ giàn khoan HD-981, dùng vòi rồng để uy hiếp, dùng tàu thuyền đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam khiến tổng cộng 9 người bị thương. Cho đến hôm nay, tình hình vẫn tiếp tục quyết liệt do tàu Trung Quốc cố tình va chạm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Kyodo News dẫn lời một nhà ngoại giao ASEAN cho biết Philippines ủng hộ Việt Nam, cho rằng những hành động mới đây của Bắc Kinh vi phạm luật quốc tế và Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông (DOC). Cả ASEAN và Trung Quốc cùng ký vào văn bản này năm 2002.
Philippines hôm nay cũng báo cáo với ASEAN về tiến trình vụ kiện Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ tại tòa án Liên Hiệp Quốc, nhà ngoại giao này cho biết.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa thì bày tỏ quan ngại về quá trình tham vấn nhằm thảo luận Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) vẫn còn chậm.
Ông Sihasak Phuangketkeow, thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, cho biết ASEAN rất quan ngại về tình hình và đang tiến tới một tuyên bố "mang tính xây dựng", thể hiện "mối quan tâm chung".
Kết thúc hội nghị hôm nay, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN nhất trí thông qua một tuyên bố chung đặc biệt về tình hình ở Biển Đông, trong đó bày tỏ sự quan ngại và kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, ASEAN ra một tuyên bố riêng về tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Trọng Giáp