"Chúng tôi chắc chắn không muốn nhìn thấy bất kỳ một cuộc đảo chính hay bạo lực nào. Chúng tôi đang đối thoại trực tiếp với tất cả thành phần trong xã hội Thái Lan, để làm rõ tầm quan trọng của việc vận dụng các công cụ dân chủ và hiến pháp nhằm giải quyết bất đồng chính trị", AFP dẫn lời bà Jen Psaki, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ.
Bà Psaki cũng khẳng định Mỹ không đứng về phe nào trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Thái Lan. "Chúng tôi vẫn đang lo ngại rằng căng thẳng chính trị tại Thái Lan đang đặt ra thách thức với thể chế và tiến trình dân chủ tại đây", bà nói. "Chúng tôi ủng hộ giải pháp dân chủ nhằm giải quyết căng thẳng hiện tại ở Thái Lan. Vì vậy, chúng tôi đang quan sát chặt chẽ tình hình và đương nhiên tin rằng còn có nhiều bước cần thực hiện trong tiến trình trên".
Tuyên bố này của Washington được đưa ra trong bối cảnh người biểu tình chống chính phủ cố gắng làm gián đoạn cuộc bầu cử tại một số vùng ở Thái Lan hôm 2/2. Ủy ban Bầu cử (EC) cho biết cuộc bỏ phiếu kết thúc vào 15h cùng ngày theo đúng kế hoạch, nhưng quy trình bị gián đoạn tại 127 trong 375 khu vực bầu cử trên toàn quốc.
Cũng trong ngày hôm qua, hàng trăm người thuộc phe đối lập đã xuống đường tuần hành tại thủ đô Bangkok, nhằm kêu gọi ủng hộ và gây quỹ cho chiến dịch biểu tình kéo dài trong ba tháng, với mục đích lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra.
"Theo Hiến pháp, cuộc bầu cử phải được tiến hành trong cùng một ngày. Nhưng điều này là không thể", ông Akanat Promphan, người phát ngôn của phong trào biểu tình, cho biết. "Rõ ràng là cuộc bầu cử này phải bị vô hiệu hóa".
Trong khi đó, đảng Pheu Thai khẳng định hơn một nửa trong 44 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu, "cho thấy một nửa người dân mong muốn dân chủ và muốn có một quốc hội được hình thành bởi đa số".
"Đây không phải là chiến thắng của đảng Pheu Thai, mà là chiến thắng của người dân yêu chuộng dân chủ và hòa bình", ông Prompong Nopparit, người phát ngôn của đảng này, cho hay.
Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung dự đoán, đảng Pheu Thai sẽ giành được 265-289 trên 500 ghế trong quốc hội. Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập khẳng định sẽ theo đuổi cuộc chiến pháp lý chống lại cuộc bầu cử, vì nó "không phản ánh được nội dung Hiến pháp hay ý nguyện của người dân".
Đức Dương