"Chúng tôi đã đưa ra kế hoạch mới dể bảo vệ Baghdad", AFP dẫn lời Chuẩn tướng Saad Maan, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Iraq, hôm qua nói. "Kế hoạch bao gồm tăng cường triển khai các lực lượng, gia tăng nỗ lực tình báo và sử dụng công nghệ như khinh khí cầu giám sát, camera cùng với các thiết bị khác".
Tướng Maan cho biết thêm rằng khả năng phối hợp giữa các lực lượng an ninh cũng được tăng cao. "Chúng tôi từng trải qua cuộc chiến chống khủng bố một thời gian và tình hình hiện nay là đặc biệt", ông nói.
Chính phủ Iraq yêu cầu Washington điều chiến đấu cơ không người lái đến giúp đỡ, sau khi lực lượng tự xưng "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông" (ISIS) chiếm được Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq. ISIS sau đó tấn công Tikrit và kiểm soát toàn thành phố cùng các thị trấn lân cận. Tổ chức phiến quân Hồi giáo đang tiến về Baghdad với lời đe dọa quét sạch cả thủ đô Baghdad.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng ngày nói rằng ông cần thêm thời gian để quyết định Washington sẽ hỗ trợ Iraq như thế nào nhưng loại trừ khả năng gửi các binh sĩ trở lại. Ông Obama còn mô tả ISIS "xấu xa" và là "một tổ chức khủng bố" có thể gây nguy hiểm cho Mỹ, Reuters cho hay.
Tổng thống Mỹ cho rằng các nhà lãnh đạo Iraq cần phải gạt bỏ sự khác biệt để giải quyết mối đe dọa. Washington sẽ tham gia vào "ngoại giao chuyên sâu" trong khu vực để ngăn tình hình trở nên tồi tệ hơn. "Mỹ sẽ không hành động quân sự nếu thiếu kế hoạch chính trị từ Iraq, một kế hoạch đảm bảo rằng họ sẵn sàng làm việc cùng với nhau", ông Obama phát biểu trước báo giới ở Nhà Trắng.
Lầu Năm Góc đang chuẩn bị một loạt lựa chọn cho tổng thống, bao gồm cả các cuộc không kích. Ông Obama sẽ tham khảo ý kiến từ Quốc hội Mỹ trong thời gian tới. Các nghị sĩ đảng Dân chủ đều không muốn cho phép Mỹ quay trở lại Iraq.
Phiến quân hôm 12/6 tiến gần hơn tới Baghdad. Các lực lượng người Kurd đã chiếm đóng thêm Kirkuk, thành phố giàu dầu mỏ ở phía bắc, sau khi quân đội rút khỏi nơi này.
Chính phủ Iraq đang phải vật lộn với cuộc xung đột sắc tộc nghiêm trọng trong nước. Lợi dụng mâu thuẫn giữa chính quyền với cộng đồng người Arab Sunni thiểu số, lực lượng ISIS liên tiếp khuấy động chiến tranh từ năm ngoái.
Tổ chức này tiến quân vào Iraq và cả Syria với mục đích thiết lập vùng lãnh thổ riêng nằm vắt qua biên giới hai nước. Hậu quả của cuộc nổi dậy là hơn 8.860 chết tại Iraq trong năm 2013. Riêng tháng trước, ít nhất 800 người thiệt mạng, bao gồm 603 dân thường.
Video giao tranh ác liệt ở Iraq
Như Tâm (Video: BBC)