Ông Renato DeCastro, Đại học De La Salle, Philippines: Nỗ lực ngoại giao không phải là vô ích trước Trung Quốc
"Nỗ lực ngoại giao của Việt Nam không vô ích. Dư luận quốc tế vẫn có tầm quan trọng như vốn có, Việt Nam đã vận dụng được điều đó trong thời kỳ chiến tranh những năm 1960.
Bằng cách bất chấp luật pháp quốc tế và dư luận thế giới, Trung Quốc đang cho thấy không có chút trách nhiệm về mặt đạo đức nào. Trong khi Trung Quốc nỗ lực trở thành một trong những cường quốc của thế kỷ 21, nước này lại thiếu trách nhiệm về đạo đức để thể hiện sự kiềm chế của mình.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc nghĩ mình có thể mua cả châu Phi, Mỹ La tinh và Đông Nam Á bằng tiền, nhưng lại không có bất kỳ uy quyền nào về mặt đạo đức. Nếu Trung Quốc muốn thể hiện uy quyền, thì nên thể hiện trách nhiệm đạo đức nhiều hơn.
Việc Philippines kiện ra tòa quốc tế không phải vì trông đợi có thể ngăn cản Trung Quốc ngừng yêu sách đường chín đoạn, mà Philippines muốn tạo nên thảo luận trên toàn thế giới về vấn đề này, để công luận hiểu việc Trung Quốc đang làm. Tuy không có sức mạnh quân sự và kinh tế nhưng Philippines dựa trên sức mạnh của giải pháp mang tính đạo đức, và giành được sự ủng hộ của nhiều nước".
Ông Leszek Buszynski, Trường An ninh Quốc gia, Đại học Quốc gia Australia: Lãnh đạo Việt Nam nên tận dụng báo chí nước ngoài
"Vừa qua các lãnh đạo Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin với các hãng tin quốc tế, nhưng điều này chỉ vì Trung Quốc đưa giàn khoan ra Hoàng Sa. Họ nên làm điều này nhiều hơn nữa, hãy trở nên quốc tế hơn nữa.
Trung Quốc hy vọng Việt Nam im lặng khi họ đưa giàn khoan ra Hoàng Sa. Giờ thì Việt Nam cần phải nói lớn tiếng hơn với quốc tế, có thể kiện Trung Quốc như Philippines đã làm. Trung Quốc có thể từ chối tham gia nhưng Việt Nam vẫn có cơ hội viện dẫn tính hợp pháp của phía mình trong vấn đề ở Biển Đông và cho thế giới thấy Việt Nam đang tuân theo luật pháp quốc tế.
Nếu bị kiện, Trung Quốc có thể sẽ suy ngẫm vấn đề một cách thận trọng hơn, hoặc có thể thay đổi cách hành xử.
Tướng Daniel Schaeffer, chuyên gia của bộ Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu về Biển Đông: Chỉ bàn về tranh chấp khi không còn đường 9 đoạn
"Tôi nghĩ các học giả trên thế giới nên ngừng việc băn khoăn về đường chín đoạn vì chỉ có Trung Quốc biết rõ nó là gì: nó thỏa mãn các mong muốn của Trung Quốc.
Chẳng hạn năm 2012, Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí ở Biển Đông, chín lô này đều nằm dọc đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố. Chỉ khi nào không còn đường chín đoạn thì chúng ta mới đàm phán về tranh chấp lãnh thổ.
Dư luận thế giới chưa biết rõ về điều gì đang xảy ra ở Biển Đông, vì thế các nước ASEAN cần đánh trống thật lớn lên, để mọi người trên thế giới đều biết. Dư luận thế giới cần hiểu rõ rằng Trung Quốc cần phải diễn giải luật quốc tế theo cách mà mọi nước đều làm.
Chưa cần đặt ra vấn đề cộng đồng quốc tế lúc này đứng về phía Việt Nam, Philippines hay Trung Quốc, mà điều quan trọng ở đây là luật biển đang được diễn giải như thế nào".
Giáo sư Jerome Cohen, Chủ tịch viện Luật pháp Mỹ - châu Á, Đại học Luật New York: Trung Quốc đang cảm thấy áp lực của dư luận thế giới
"Trung Quốc đưa các bằng chứng về chủ quyền ở Biển Đông ra Liên Hợp Quốc (LHQ) cho thấy họ bắt đầu cảm nhận được áp lực của quốc tế. Việc này cũng là dấu hiệu Trung Quốc hàm ý với Việt Nam rằng “đừng có kiện chúng tôi, có thể thua đấy”. Trung Quốc muốn Việt Nam phải nghĩ lại, tức là Trung Quốc đang phản ứng lại dư luận thế giới dù áp lực này mới bắt đầu mà thôi.
Việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện của Philippines khiến tôi không ngạc nhiên nhưng rất thất vọng. Công ước luật biển năm 1982 chưa có cơ chế bắt buộc trong giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, nếu Việt Nam kiện Trung Quốc, có thể tạo nên động lực cho đàm phán về cơ chế này".
Ông Hoàng Việt, thạc sĩ Luật Quốc tế, nhà nghiên cứu các tranh chấp trên biển Đông, cố vấn học thuật của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa
"Việc Trung Quốc thông báo xây trường học, cải tạo đất để có thể xây đường băng ở Gạc Ma cho thấy họ đang muốn thay đổi nguyên trạng. Một trong những chính sách của các quốc gia ở biển Đông là duy trì nguyên trạng nhưng phía Trung Quốc cho rằng nếu để nguyên trạng sẽ không có lợi cho họ. Họ đang muốn thay đổi để có thể hỗ trợ cho tham vọng về biển của mình.
Tham vọng biển của Trung Quốc rất lớn, biển Đông chỉ là bước đầu tiên, sau đó Trung Quốc sẽ còn mở rộng hơn sang các vùng biển khác, kể cả làm chủ từ Ấn Độ Dương cho tới Thái Bình Dương. Chúng ta phải đặt ra để công luận thấy được rằng Biển Đông không chỉ là câu chuyện của Việt Nam và Trung Quốc, mà chỉ là bước đầu tiên. Tham vọng biển của Trung Quốc sẽ đe dọa đến toàn bộ an ninh thế giới, chứ không chỉ là Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Trung Quốc sẽ là vấn đề đối với cả thế giới".
Việt Anh - Nguyễn Đông