"Đêm xuống, ở đây vẫn xuất hiện những linh hồn quỷ dữ. Mẹ và anh trai tôi từng nhìn thấy bóng ma của một người phụ nữ lớn tuổi", người trông coi vừa nói vừa mở cánh cổng dẫn tới Nhà Đỏ tại thành phố Mapanique, Philippines. "Sau chiến tranh, không còn ai sống ở đây nữa vì họ quá sợ hãi".
Theo BBC, dù căn biệt thự màu đỏ lộng lẫy ngày nào giờ chỉ còn là một ngôi nhà hoang nhưng ký ức về tội ác của quân đội Nhật Bản từng để lại nơi đây vẫn chưa thể phai mờ trong tâm trí những nô lệ tình dục thời chiến ở Philippines.
Hai chị em Lita và Mileng hiện sống ở làng Mapanique, cách thủ đô Manila hơn 80 km về phía bắc, là hai trong số nhiều người từng bị ép làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật Bản. Khi đó, họ vẫn còn là những đứa trẻ ngây thơ, đang sống vui vẻ bên bố mẹ.
"Chúng tôi thường chơi trò nhảy lò cò và đuổi bắt, rồi trèo cây hái quả", bà Lita nhớ lại.
Năm 1944, khi hai chị em lần lượt bước sang tuổi 15 và 13 thì lính Nhật tới cướp phá và san bằng ngôi làng. Chúng bắt dân làng chứng kiến cảnh hành quyết những người bị nghi là quân kháng chiến. Dã man hơn, chúng bắt một ông cụ, hoạn và ép ông ăn bộ phận sinh dục của mình.
"Khi đó, ai cũng nghĩ rằng mình sắp tận số rồi", bà Mileng nói.
Khoảng hơn 100 cô gái và phụ nữ trong làng bị ép vận chuyển chiến lợi phẩm của lính Nhật về doanh trại đóng quân là Nhà Đỏ. Sau đó, chúng bắt đầu vui chơi, ăn mừng chiến thắng. Đến khi đêm buông xuống, chúng cưỡng bức các cô gái và phụ nữ.
"Tôi cố gắng giãy giụa vì không muốn bị bọn chúng cởi quần áo mình. Tôi khép chặt hai chân lại nhưng rồi bọn chúng đấm vào đùi tôi và bắt đầu làm những việc chúng muốn", bà Lita kể lại sự việc.
Sáng hôm sau, họ được thả về nhưng ngôi làng đã bị quân Nhật thiêu rụi. Những người sống sót sau vụ cướp phá và tàn sát đành phải men theo bờ sông tới làng bên. Lita và Mileng phải mất gần 3 ngày mới tìm được nhau sau cơn hỗn loạn.
"Mỗi lần chúng tôi đi ngang qua ngôi nhà ấy, mọi ký ức về những tội ác của quân Nhật lại dội về. Đó quả thực là quãng thời gian vô cùng đau khổ, nhưng nếu ngôi nhà bị phá đi thì thật buồn. Bởi nó là một phần trong cuộc đời của chúng tôi", bà Lita nói.
Đây là một trong những cuộc tấn công tình dục lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Trên thực tế, vào những năm 1930, khi nhận thấy nguy cơ về những căn bệnh lây qua đường tình dục, quân đội đế quốc Nhật Bản đã thành lập cơ quan chuyên quản lý hoạt động tình dục của binh lính.
Hàng nghìn phụ nữ được cho là đã bị lính Nhật Bản bắt giữ và cưỡng bức vào thời kỳ bành trướng của đế quốc này. Phần lớn các cuộc tấn công xảy ra ở Hàn Quốc và Trung Quốc, rồi lan sang cả những vùng đất xa xôi như Myanmar, New Guinea và Philippines.
Bà Estellita, 86 tuổi, sinh ra và lớn lên tại một nông trường sản xuất đường ở miền trung Philippines, cũng từng là nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản. Bà bị một tên lính Nhật bắt cóc khi mới 14 tuổi. Bọn chúng nhốt bà trong gần 3 tuần trước khi bất ngờ rút quân.
"Tôi không thể nhớ nổi là đã có bao nhiêu gã đến chỗ tôi. Có lần, tôi đau quá bèn chống lại khiến tên lính tức giận, hắn tóm lấy đầu tôi và đập mạnh xuống bàn, khiến tôi bất tỉnh", bà Estellita nhớ lại.
Trở về nhà sau chuỗi ngày địa ngục ấy, Estellita đi học trở lại và cố gắng làm bản thân bận rộn hơn. Tuy nhiên, sự xấu hổ cùng nỗi sợ hãi trước bạn bè, hàng xóm ngày càng đè nặng tâm trí Estellita, đến nỗi bà đành phải bỏ học, tha hương lên Manila và chấp nhận cuộc sống nghèo khổ. Bà hiểu rằng, nếu mọi người biết chuyện, bà sẽ bị gia đình ruồng bỏ.
Mỗi ngày, bà cố gắng quên đi những tiếng la hét, khóc lóc và cả khuôn mặt của tên lính canh gác ngoài phòng giam của bà. Bảy thập kỷ đã trôi qua nhưng bà Estellita vẫn không muốn nhắc lại nỗi đau này, dù là với chồng hay với con cái.
"Những nô lệ tình dục khi đó chẳng khác nào đang sống dưới địa ngục. Suốt ngày, họ chỉ phải nằm ở trên giường và đợi phục vụ người tiếp theo. Có những lần phục vụ kéo dài nhiều giờ đồng hồ, nhiều ngày, thậm chí là hàng tháng liền. Nhưng họ chẳng thể làm gì khác", ông Jose nói.
"Kinh khủng nhất là, chúng không chỉ dùng bạo lực khi cưỡng bức nô lệ, mà còn sử dụng gần như tất cả những gì chúng có, như chai lọ, gậy gộc hay những vật cùn, để thỏa mãn nhu cầu. Một số người phụ nữ thậm chí bị để mặc cho đến chết".
Hai lần mỗi tháng, Quân đội Nhật Bản lại cử một nhóm bác sĩ xuống doanh trại để ghi chép hồ sơ và kiểm tra sức khỏe của các nô lệ tình dục. 21 tuổi, 16 tuổi, 17 tuổi, viêm âm đạo, âm đạo bị trầy xước là những thông tin được bắt gặp nhiều nhất trong các tập hồ sơ.
Câu chuyện của Estellita chỉ được hé lộ khi bà gặp gỡ những người có cùng nỗi khổ tâm và khi bà tham gia chiến dịch đòi lại công bằng cho những nô lệ tình dục thời chiến.
Năm 1993, chính phủ Nhật Bản lên tiếng, bày tỏ sự hối hận cũng như gửi lời xin lỗi chân thành tới tất cả những ai từng bị ép làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật. Họ thành lập quỹ hỗ trợ cho các nạn nhân nhưng lại không trả bất kỳ khoản bồi thường nào.
Đối với nhiều người, những lời xin lỗi đó vẫn còn quá mập mờ trong khi những khoản hỗ trợ từ Nhật Bản cũng không đủ để giải quyết vấn đề tài chính của các nạn nhân. Đến tháng 12/2015, chính phủ Nhật Bản chính thức gửi lời xin lỗi và cam kết sẽ bồi thường cho những nạn nhân ở Hàn Quốc, nhưng lại phớt lờ Philippines. Một số người cho rằng, chính phủ Philippines đã không tạo đủ áp lực lên chính phủ Nhật Bản trong vấn đề này do mối quan hệ ngoại giao khăng khít giữa hai nước.
Trong 1.000 người phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật Bản, chỉ còn khoảng 70 người được cho là vẫn còn sống nhưng tất cả đều đã lớn tuổi.
"Chúng tôi sẽ không từ bỏ cho tới khi nào chúng tôi đòi lại được công lý. Bởi việc đòi lại được công lý giống như là chúng tôi đã vứt bỏ được một gánh nặng vậy", bà Estellita nói.
Xem thêm: Nô lệ tình dục Phillipines trong Thế chiến II đòi công lý
Kim Dung