Janice Chaka tranh thủ buổi trưa ra ngoài để tìm món quà cho một người bạn cũ lâu năm không gặp. Cô về văn phòng trễ mất 5 phút.
"Mọi người hỏi tôi vì sao về trễ. Cảm thấy ngại nên cuối giờ, tôi đành phải ở lại muộn và xử lý thêm một số việc. Nhưng tôi biết rằng nếu hôm đó tôi quay trở lại văn phòng muộn vì đưa con đi khám thì chắc không có vấn đề gì, thậm chí còn có thể được nghỉ hẳn cả buổi chiều", Chaka kể lại câu chuyện đã xảy ra cách đây 10 năm.
Những tình huống tương tự lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt những năm Chaka làm việc cho các tập đoàn lớn ở Mỹ và Mexico, nhiều nơi nằm trong danh sách 100 công ty lớn nhất của Mỹ do tạp chí Fortune xếp hạng dựa trên doanh thu hàng năm, theo BBC.
Theo Chaka, những đồng nghiệp đã lập gia đình và có con thường được ưu tiên khi xin nghỉ phép, trong khi đó, nhân viên độc thân rất khó mở lời nếu muốn có thời gian nghỉ ở nhà để chăm sóc người thân bị ốm.
"Người ta mặc định rằng anh có thể dễ dàng bỏ lại mọi thứ hoặc người ta cho rằng anh chẳng có ai để chăm sóc, quan tâm cả. Nhưng thực tế không phải vậy. Cuộc sống độc thân đắt đỏ hơn, bạn phải tự làm mọi việc và nếu có chuyện gì không may xảy ra, bạn cũng chẳng có ai để nương tựa tài chính", Chaka giải thích.
Ngựa thồ chốn văn phòng
Theo kết quả một nghiên cứu gần đây của hãng kiểm toán và tư vấn tài chính PWC, 2/3 trong tổng số 25.000 nữ nhân viên văn phòng ở độ tuổi 28-40 tại Anh cho biết dường như họ có nghĩa vụ phải làm thêm nhiều giờ hơn.
"Tôi đã gặp không biết bao nhiêu nhân viên độc thân phàn nàn rằng trong mắt sếp, họ lúc nào cũng rảnh rỗi và sẵn sàng làm việc vào đêm muộn hoặc cuối tuần. Vì họ làm gì có con cái hay vợ chồng để mà bận tâm", Eric Klinenberg, một giáo sư xã hội học giảng dạy tại trường đại học New York, cho biết. Sau khi phỏng vấn hàng trăm người ở khắp châu Âu và Mỹ để lấy tư liệu viết sách về xu hướng sống độc thân, giáo sư Klinenberg phát hiện ra rằng "có một quan điểm phổ biến cho rằng người độc thân là những con ngựa thồ ở chốn văn phòng".
"Một số trường hợp phụ nữ độc thân tôi gặp nói rằng họ không được tăng lương vì sếp tin rằng họ không có nhiều việc cần đến tiền như những đồng nghiệp có con nhỏ".
Xu hướng sống độc thân
Theo một khảo sát do trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện năm 2014, ước tính cứ một trong 4 người Mỹ trưởng thành không kết hôn cho đến tận năm 50 tuổi. Trong khi đó, theo thống kê của Eurostat, mô hình phổ biến ở châu Âu vào năm 2016 là hộ gia đình chỉ có một người.
"Vấn đề ở đây không phải là anh làm gì trong thời gian nghỉ phép, anh có thể đi nghỉ, mua sắm, hẹn hò hoặc đưa con cái đi chơi. Miễn sao anh tự sắp xếp để làm việc đủ 40 tiếng một tuần", David Carter, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp ở Anh, nhận xét.
Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành của Facebook, đồng tình với quan điểm trên. Trong cuốn sách nổi tiếng "Lean In" (Tạm dich: Dấn thân), Sandberg kể về một nữ nhân viên độc thân dưới quyền bà đã lý luận rằng tan sở đúng giờ để tối đi tiệc tùng cũng chính đáng như về đúng giờ để đưa con đi đá bóng. Bởi vì, cô ấy cần mở rộng mối quan hệ xã hội, có thêm cơ hội gặp được đúng người để tiến tới hôn nhân.
"Hãy đảm bảo các nhân viên độc thân hiểu rằng họ cũng quyền sống cuộc sống của họ", Sandberg đưa ra lời khuyên.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng nói bao giờ cũng dễ hơn làm.
"Nếu anh chưa làm cha mẹ, anh chưa thực sự hiểu việc có con cái thay đổi cuộc sống và những ưu tiên của anh như thế nào", Jonas Almeling, giám đốc đổi mới sáng tạo tại một công ty về xuất nhập khẩu của Thụy Điển, nhận xét.
Là người bố một con, Almeling cho biết anh không thể linh hoạt sắp xếp công việc bằng những người độc thân.
"Rõ ràng làm sao có thể so sánh giữa một người nói rằng 'Ồ xin lỗi nhé, tôi đi chèo thuyền kayak đây!' với một người phải lao đi đón con ở nhà trẻ", anh nói.
Đã 10 năm sau lần đi ăn trưa về văn phòng trễ, Janice Chaka giờ là chuyên gia tư vấn doanh nghiệp, nhớ lại cảm giác tội lỗi trước kia khi mỗi lần cô xin nghỉ phép trùng đúng vào dịp một đồng nghiệp nữ cũng muốn xin nghỉ để đi du lịch với gia đình. Cô thừa nhận từng bịa ra những lý do "to tát" để tan sở đúng giờ vì không muốn bị đồng nghiệp soi xét là kẻ thờ ơ và ích kỷ.
"Cho dù có hay không có con, bạn cũng không nên cảm thấy có lỗi chỉ vì muốn cân bằng giữa cuộc sống và công việc", cô nói.
An Hồng