Ngay cả khi chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng chính sách một con năm 2013 và xóa bỏ đầu năm nay, cho phép mỗi gia đình sinh hai con, nhiều gia đình vẫn phải trốn tránh nếu sinh con thứ ba, theo tìm hiểu của John Sudworth - phóng viên BBC.
"Pháp luật không cho sinh con thứ ba", một người đàn ông giấu tên cho biết. Ông phải đưa cả gia đình tới nơi khác sinh sống vì vợ vừa sinh con thứ ba. "Chúng tôi phải tìm thuê nhà chỗ khác, cách xa làng cũ".
"Cứ ba tháng một lần, chính quyền địa phương lại định kỳ kiểm tra số ca mang thai trong khu vực. Lúc đó mà không trốn, chúng tôi sẽ bị ép phá thai".
Chính sách một con được Trung Quốc áp dụng từ năm 1979. Theo ước tính của chính phủ, kể từ khi áp dụng, chính sách này đã ngăn chặn 400 triệu ca sinh sản.
Cưỡng bức phá thai
Sudworth tìm đến một trung tâm kế hoạch hóa gia đình ở ngoại ô một thành phố phía đông Trung Quốc. Bầu không khí ảm đạm và lạnh lẽo bao trùm cơ sở gây cảm giác khó chịu. Cả trung tâm có hai phòng siêu âm và ba phòng thủ thuật. Những phòng khám như thế trải dài ngang dọc đất nước Trung Quốc.
Khi được hỏi về những trường hợp bị cưỡng bức phá thai, người phụ trách trung tâm ngập ngừng.
"Rất ít", ông ta lưỡng lự trong chốc lát rồi khẳng định không có trường hợp nào trong "ít nhất là 10 năm nay".
Ông này nói thêm, trong khu vực ông quản lý, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được yêu cầu phải báo cáo kết quả siêu âm hai lần mỗi năm.
"Những trường hợp phát hiện mang thai con thứ ba sẽ được tư vấn phù hợp", ông này cho biết.
Sudworth nhờ một người đồng nghiệp nữ gọi điện tới một số trung tâm kế hoạch hóa gia đình. Đóng giả một người mẹ mang thai con thứ ba, cô hỏi phải làm những gì để được phép sinh đứa trẻ.
Luật pháp Trung Quốc quy định người vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình phải chịu một khoản phạt rất lớn, gấp 10 lần thu nhập bình quân một năm. Chế tài nghiêm khắc này đã hạn chế nhiều ca sinh đẻ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, các nhà chức trách đã đi xa hơn ngoài việc xử phạt. Họ đến từng gia đình để "thuyết phục" phụ nữ phá thai.
"Nếu cô bị tố giác, chúng tôi sẽ tìm và thuyết phục cô bỏ con", một người nói.
"Chắc chắn chúng tôi sẽ tìm ra cô và thuyết phục cô phá thai", một người ở cơ sở khác trả lời.
Khi được người mẹ có khả năng bị cưỡng chế phá thai không, một nhà chức trách trả lời có thể "theo nguyên tắc".
"Khó nói lắm", một vị lãnh đạo khác trả lời khi được hỏi câu tương tự.
Còn khi được hỏi có được hay không nếu một phụ nữ cứ sinh con và chấp nhận trả tiền phạt thì một nhà chức trách khẳng định: "Không, không được phép".
Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con không phải vì nhận thức được phụ nữ có quyền tự do sinh sản căn cứ vào sức khỏe và năng lực bản thân, mà vì chính quyền cuối cùng cũng nhận ra hậu quả nặng nề ảnh hưởng của việc giảm tỷ lệ sinh tới kinh tế quốc gia.
Có điều, việc thay đổi chính sách sinh đẻ đã quá muộn, nhiều phụ nữ thậm chí không còn muốn sinh thêm con thứ hai.
Hậu quả
Gia đình nhỏ trở thành mô hình chuẩn mực, đồng nghĩa với việc số ít người muốn sinh con thứ ba lại ngày càng ít hơn, còn một vài nhà chức trách trả lời một cách hờ hững.
"Nếu muốn có con thì cứ việc", một người nói, miệng càu nhàu nhấn mạnh người vi phạm sẽ phải trả khoản tiền phạt khổng lồ.
Mặc dù không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chính quyền Trung Quốc từng cưỡng bức phá thai sau chính sách hai con có hiệu lực, nhưng mối lo ngại vẫn hiện hữu rõ ràng.
Sau khi đứa con thứ ba ra đời, gia đình đang lẩn trốn trên phải đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ.
"Chúng tôi không có tiền đóng phạt. Giờ chúng tôi cũng không biết làm sao", người cha nói.
Khi được hỏi liệu có hối hận vì việc đã làm không, ông bố trả lời: "Khi nhìn đứa con mới chào đời, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc".
Xem thêm: Trung Quốc gánh hậu quả vì chính sách một con kéo dài
Hồng Hạnh