Lấy chồng năm 15 tuổi và ly dị năm 16 tuổi, một thiếu nữ Syria cho biết rất hối hận vì lấy một người xa lạ chỉ vì anh ta đẹp trai mà không ngờ lại vũ phu, theo AFP.
Em là một trong số ngày càng nhiều "cô dâu trẻ con" trong cộng đồng người Syria lưu vong ở Jordan do cuộc nội chiến kéo dài 6 năm ở quê nhà. Các gia đình cho con gái lấy chồng để giảm gánh nặng tài chính, hoặc với lý do hôn nhân là cách bảo vệ "danh dự" của con gái.
Theo kết quả điều tra dân số Jordan, cô dâu trẻ con trong độ tuổi từ 13-17 chiếm 44% tổng số phụ nữ Syria kết hôn năm 2015 tại Jordan, tăng 11% so với năm 2010. Người Syria dự kiến sẽ tiếp tục lưu vong tại Jordan nhiều năm nữa. Các quan chức Liên Hợp Quốc và Jordan nhận định, xu hướng tảo hôn sẽ gây hại cho người tị nạn và nước chủ nhà.
Sẽ có thêm nhiều thiếu nữ Syria thất học, vì hầu hết các cô dâu trẻ con đều bỏ học. Họ thường lấy người đồng hương Syria chỉ hơn vài tuổi, không có việc làm ổn định và sẽ lâm vào cảnh đói nghèo. Các em cũng có xu hướng đẻ nhiều con hơn là phụ nữ kết hôn ở tuổi trưởng thành, làm tăng tỷ lệ sinh ở Jordan.
"Điều này nghĩa là dân số Jordan sẽ tăng quá mức khả năng của chính phủ", Maysoon al-Zoabi, Tổng thư ký Hội đồng dân số Jordan, nói.
Số liệu về tảo hôn được lấy từ cuộc điều tra dân số hồi tháng 11/2015 tại Jordan và được biên soạn trong một nghiên cứu mới năm 2017. Cuộc điều tra cho thấy hiện có 9,5 triệu người sống ở Jordan, trong đó 2,9 triệu không phải công dân Jordan.
Số người Syria tị nạn là 1,265 triệu, tăng gấp đôi so với năm 2011 kể từ khi nội chiến Syria nổ ra. Những thành phần người Syria khác bao gồm lao động nhập cư trước chiến tranh và những người không đăng ký là người tị nạn.
Đa số những người tảo hôn đến từ vùng nông thôn có văn hóa bảo thủ ở miền nam Syria, nơi các thiếu nữ có truyền thống lấy chồng sớm từ trước khi cuộc xung đột nổ ra. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người Syria tảo hôn ở Jordan cao hơn ở quê nhà.
Cô bé ly dị chồng năm 16 tuổi nói trên chạy khỏi tỉnh Daraa của Syria năm 2012, cùng bố mẹ và 4 anh chị em. Gia đình em cuối cùng định cư ở một thị trấn nhỏ tại tỉnh Mafraq, miền bắc Jordan.
Bố mẹ và cô gái nay 17 tuổi, kể câu chuyện đời mình với điều kiện giấu tên vì người ly hôn hay bị kỳ thị. Họ hy vọng câu chuyện của mình sẽ cảnh tỉnh người khác không mắc sai lầm tương tự.
"Khi mới đến, cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn", mẹ của cô bé kể khi ngồi trên miếng đệm ở sàn phòng khách ngôi nhà nhỏ đi thuê. "Nếu chúng tôi vẫn ở lại Syria, tôi sẽ không cho phép con gái còn nhỏ thế đã lấy chồng".
Gia đình bà sống chật vật nhờ các khoản tiền vặt làm thêm và lương thực hỗ trợ của Liên Hợp Quốc. Chồng bà đi làm với thu nhập dưới mức tối thiểu. Tồi tệ hơn, do sợ con gái bị quấy rối, họ đã không cho các em đi học ở trường địa phương - những ngôi trường thường quá tải trước số lượng lớn học sinh Syria.
Càng ngồi không ở nhà các cô gái càng có động lực lấy chồng sớm. Chị của thiếu nữ trên cũng lấy chồng khi còn là vị thành niên.
Cô em lúc nào cũng ru rú ở nhà, không bạn bè, không đi học, chỉ được phép ra ngoài nếu có mẹ đi cùng. Chẳng có gì cho em làm trong cái thị trấn hoang mạc nhỏ bé này cả.
Cách đây hai năm, một thanh niên Syria đã hỏi cưới em, sau khi được người làm mối giới thiệu. Người làm mối nói rằng chàng trai có việc làm tốt, đủ tiền mua nhà riêng. Thiếu nữ mới 15 tuổi đồng ý kết hôn.
"Lúc đó tôi quá buồn chán nên muốn lấy chồng", cô nói. Cô đã bỏ qua lời nhận xét chàng trai dường như hơi thiếu chín chắn của bố mẹ. Đám cưới diễn ra một tháng sau, cô dâu mặc váy trắng.
Giấy kết hôn do một luật sư người Syria đóng dấu, không phải do tòa án tôn giáo ở Jordan chứng nhận, nghĩa là giấy kết hôn này không có giá trị pháp lý ở Jordan. Luật pháp ở đây quy định nữ 18 tuổi mới được kết hôn, dù các thẩm phán Jordan thường tạo ngoại lệ cho cô dâu 15-17 tuổi.
Cưới xong, thiếu nữ Syria chuyển tới một thị trấn khác với chồng. Anh ta lập tức lộ mặt là người thất nghiệp, suốt ngày sai bảo và đánh đập vợ. Dù bị ngược đãi, cô gái vẫn muốn duy trì hôn nhân vì sợ mang tiếng xấu ly hôn. Cuối cùng, bố đẻ bắt cô phải ly dị vì cảm thấy con sẽ gặp nguy hiểm nếu tiếp tục ở lại với chồng.
Về tới nhà, thiếu nữ tham gia một chương trình giáo dục và hỗ trợ trẻ em có tên Makani do Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) và các tổ chức từ thiện ở Jordan điều hành. Cô gái bắt đầu kết bạn, nhưng vẫn giấu mình mỗi khi có một nhóm học sinh mới đến đăng ký.
Robert Jenkins, trưởng đại diện văn phòng Unicef tại Jordan, cho biết rất khó để các thiếu nữ đi học lại sau khi kết hôn.
"Chúng tôi ưu tiên phòng ngừa tảo hôn", ông nói, nhấn mạnh Unicef đang cố gắng hỗ trợ các gia đình và thanh thiếu niên để họ không kết hôn sớm.
Trong trại tị nạn Zaatari, việc tuyên truyền này dường như bắt đầu hữu dụng, theo Hussam Assaf, 32 tuổi, người có cửa hàng cho thuê và bán váy cưới ở khu chợ địa phương, nhận xét.
Assaf cho biết tuổi trung bình của khách hàng ở Zaatari là 16 hoặc 17, lớn hơn so với 14 hoặc 15 tại quê anh ở vùng nông thôn Syria. Sự thay đổi này nhờ chương trình tư vấn của các nhóm cứu trợ.
Thiếu nữ Syria đã ly dị chồng nói trên không loại trừ sẽ tái hôn trong tương lai. Cô không thể quay lại trường học vì đã lỡ mất 5 năm. Tuy nhiên, cô luôn suy ngẫm về những chuyện đã có thể xảy ra.
"Nếu tôi tiếp tục việc học, có lẽ cuộc sống sẽ tốt hơn", cô gái nói. "Cuộc hôn nhân ngắn ngủi đã làm tôi yếu ớt hơn".
Hồng Hạnh