Trong một phòng họp nhỏ nhìn ra ngoài trời đầy mây, Huang Jinlai đang phác thảo cam kết dịch vụ đẻ mướn cho những khách hàng giàu có nhưng hiếm muộn ở Trung Quốc. Công ty Baby Plan của Huang có chi nhánh ở bốn thành phố, mỗi năm thực hiện tới 300 ca đẻ hộ thành công.
Giống như một số nước, đẻ mướn không được cho phép ở Trung Quốc. Tuy nhiên gần đây dịch vụ chợ đen này đang phát triển thịnh vượng ở đây. Các chuyên gia ước tính, có hơn 1.000 em bé được sinh ra mỗi năm từ những bà mẹ đẻ thuê.
Sự gia tăng trên được xem là do nhiều nguyên nhân. Tỷ lệ vô sinh cao hơn đồng nghĩa với việc các bà mẹ gặp vấn đề sinh nở tự nhiên muốn tìm kiếm một người đẻ thuê. Bên cạnh đó, nhiều học giả Trung Quốc tin rằng, ô nhiễm nước, không khí và đất cũng làm tăng lên tình trạng vô sinh. Tuy nhiên, khẳng định này của họ đến nay vẫn chưa được chứng minh một cách khoa học. Ngoài ra, chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con của chính phủ được nới lỏng tạo điều kiện cho các cặp muốn có thêm con.
Theo Giáo sư Wang Bin ở Đại học Nam Khai, "có cầu ắt có cung". Ông Bin giải thích rằng nhiều đôi vợ chồng có nhu cầu cần người đẻ hộ nên chợ đen phát triển để đáp ứng thị hiếu đó.
Nền công nghiệp đẻ thuê là một loại dịch vụ mai mối giữa các đôi hiếm muộn với những phụ nữ cho thuê dạ con để lấy tiền. Dịch vụ dành cho nhà giàu này có liên quan tới việc gia tăng số lượng các đôi vợ chồng nhiều tiền, học vấn cao nhưng kết hôn muộn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cam kết giữa hai bên, người thuê đẻ thuê và người mang thai hộ, cũng theo đúng kế hoạch. Trước khi dùng dịch vụ, khách được yêu cầu đặt cọc khoảng 5.000 USD và trả nốt số tiền còn lại khi nhận được con.
Khách hàng họ Zuo cho biết, cô được bạn bè dẫn mối tới gặp một phụ nữ nông thôn từng qua sinh nở và cần tiền. Những người bạn khác giới thiệu cho cô một bệnh viện tư ở Bắc Kinh để cấy phôi và theo dõi quá trình mang thai. Một phụ nữ mang thai hộ cần nhiều tháng tiêm hoóc môn để chuẩn bị cho quá trình nhận phôi và chống đào thải. Sau khi có bầu, người mang thai giúp Zuo nói muốn giữ đứa trẻ rồi biến mất.
"Chúng tôi đã phải bỏ ra khoảng 5.000 USD đặt cọc mà không nhận được gì, thậm chí còn chẳng có cách nào để tìm được cô ấy", Zuo cho biết.
Vì lý do trên, nhiều cặp đôi Trung Quốc sang tận Thái Lan, nơi chấp nhận mang thai hộ, để kích trứng, lấy phôi trứng trước khi chuyển phôi cho người đẻ thuê. Theo ông chủ Huang, người cho thuê dạ con cũng đi cùng để tiến hành nhận phôi. Thai đậu, họ cùng trở về Trung Quốc. Từ đó cho đến lúc sinh, họ sẽ được chăm sóc và giám sát chặt tại căn hộ riêng nhằm tránh tình trạng bỏ trốn. Hàng ngày bác sĩ tâm lý sẽ tới thăm sản phụ này.
Nếu mọi chuyện tốt đẹp, đứa trẻ sẽ chào đời tại một bệnh viện tư đã có cam kết trước đấy với công ty của Huang. Sau khi nhận được con, khách hàng và người đẻ mướn sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa. Nếu ở ngay lần mang thai hộ đầu tiên thành công, Baby Plan sẽ kiếm được khoản lợi nhuận 24.000 USD, bằng số tiền mà một phụ nữ đẻ mướn nhận được.
Huang cho hay, một số phụ nữ nghĩ cần phải có con nếu không chồng sẽ bỏ nhưng cũng có trường hợp tìm đến dịch vụ đẻ mướn vì chuyện buồn và nhiều đôi hy vọng có đứa con để thay thế người con đã mất. Câu chuyện của một phụ nữ họ Zhang 49 tuổi ở Thượng Hải là một ví dụ. Cô con gái duy nhất 18 tuổi của vợ chồng Zhang tự tử năm 2012. Một năm sau, vợ chồng cô quyết định có thêm một đứa con khác.
Không may, những cuộc kiểm tra cho thấy trứng của Zhang quá già để có thể thụ tinh. Sau đó, cô đã bàn với chồng là dùng trứng của một phụ nữ khác. Với Zhang, đó là cách giúp cô thanh thản. Giờ thì người mang bầu giúp Zhang đã chửa được 4 tháng và cô cũng vừa mới tới thăm họ.
Những bà mẹ mang thai hộ
Ông chủ của Baby Plan tiết lộ trên NY Times, những bà mẹ cho thuê dạ con đều là phụ nữ xuất thân từ nông thôn. Huang nói rằng khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu không chấp nhận người nước ngoài dù giá có thấp hơn. Dẫu vậy, những phụ nữ không phải người Trung Quốc vẫn được thuê đẻ hộ nhiều.
Một cô gái Việt họ Nguyễn 30 tuổi đến từ TP HCM là một trường hợp như thế. Nguyễn nói với mẹ và hai con gái ở nhà rằng cô sẽ sang Trung Quốc làm việc một năm. "Cuộc giao dịch" thành công, Nguyễn kiếm được gần 19.000 USD, thấp hơn so với 24.000 USD mà công ty Huang phải trả cho một bà mẹ người Trung Quốc.
"Tôi chỉ muốn mọi việc diễn ra càng nhanh càng tốt để có thể về nhà sớm", Nguyễn nói.
Thực tế, người đẻ mướn có thể kiếm được món tiền kha khá nhưng đổi lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Ngoài nguy hiểm trong quá trình điều trị hóc môn và mang thai, nhiều người còn gặp các vấn đề tâm lý.
Cô gái họ Yang 24 tuổi tâm sự, đây là lần thứ hai mang thai hộ cho công ty Baby Plan. Năm 2012, cô trở về nhà với khoản tiền 24.000 USD nhưng sau đó, người bạn trai nghiện rượu đã đánh cắp toàn bộ số tiền và nướng vào cờ bạc.
Yang chia sẻ, cô làm nghề đẻ thuê vì muốn kiếm tiền chữa bệnh cho bố. Trong lúc Yang mang thai, bố cô đã qua đời. Baby Plan không cho phép Yang về nhà chịu tang bố vì việc này sẽ phải hoãn quá trình điều trị hoóc môn.
"Đó là điều đáng tiếc nhưng nếu chúng tôi để cô ấy về, gia đình khách hàng sẽ mất đứa con", Huang nói. Hiện tại, Yang trở thành "cộng tác viên" lần thứ hai cho Baby Plan. Lần này cô chấp nhận cho thuê dạ con vì cần tiền chữa bệnh cho mẹ.
Công ty của Huang luôn ưu ái những phụ nữ đã qua sinh nở bởi họ sẽ ít lo lắng về những hậu quả có thể xảy ra bao gồm cả việc sau nay không còn sinh con được nữa. Ngoài ra, tâm lý của họ cũng ổn định hơn, Huang giải thích.
Để an toàn, Huang sẽ thuê người hàng ngày đến thăm sản phụ. Nhân viên của Huang sẽ nói với họ rằng đứa bé trong bụng không phải là con của họ. Sự thận trọng ấy nhằm tuyệt giao sợi dây gắn kết giữa người mang thai hộ và đứa con trong bụng họ.
Kong, 30 tuổi, cũng là một "cộng tác viên" của Baby Plan và đang mang bầu được 6 tháng. Kong cho biết cô đã lên kế hoạch rõ ràng cho số tiền 24.000 USD sẽ nhận được, đó là kinh doanh dịch vụ giúp việc nhà ở một thành phố nhỏ.
Với trường hợp của cô, được phép gọi điện về cho cậu con trai 4 tuổi đang sống cùng bà ngoại là một ưu tiên đặc biệt.
"Lúc đầu nói chuyện qua điện thoại, thằng bé hỏi tôi mẹ ơi, lúc nào mẹ về. Nó giận dữ rồi khóc toáng lên. Giờ thì nó chẳng nói chuyện điện thoại với tôi nữa", Kong nói, giọng trùng xuống.
Bình Minh (Theo NY Times)