Theo The Independent, ước tính ở Indonesia có 57.000 bệnh nhân tâm thần bị xích, dù lệnh cấm hành động phân biệt đối xử này được ban hành từ năm 1977.
Báo cáo của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) công bố hôm nay ghi nhận 175 trường hợp vừa được cứu khỏi tình trạng xiềng xích cùng 200 trường hợp tương tự trong vài năm trở lại đây. Báo cáo cũng đề cập đến phương pháp điều trị đáng sợ tại các cơ sở y tế ở Indonesia, nơi người ta cho rằng bệnh tâm thần là do lời nguyền hay ma ám.
"Bạn có thể ném đá và đánh đập bất kỳ ai bị xích. Ở đây chuyện đó khá phổ biến", Yeni Rosa Damayanti, chủ tịch Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần ở Jakarta, nói.
Ismaya, 24 tuổi, bị xích ba tuần liền trong một trung tâm điều trị.
"Họ xích chân tay tôi lại. Tôi đã tìm cách thoát ra. Nhưng càng cố thì càng bị xích chặt. Họ chưa bao giờ tháo xích. Ở đây chẳng có nhà vệ sinh. Tôi thường phải gào lên mỗi khi muốn đi vệ sinh nhưng họ có cho đâu", anh nói.
Phần lớn trường hợp người bệnh tâm thần bị xích được phát hiện ở vùng nông thôn hẻo lánh. Ở đây, người dân thiếu kiến thức về sức khỏe tâm thần và hầu như không biết đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. 90% những người có vấn đề về tâm thần trên toàn quốc không có cách nào tiếp cận được các dịch vụ này. Indonesia có đến 250 triệu dân nhưng chỉ có 48 bệnh viện tâm thần.
"Indonesia có hệ thống y tế rất tốt, nhưng điều đáng tiếc là chăm sóc sức khỏe tâm thần không nằm trong hệ thống này", bà Shantha Rau Barriga, giám đốc chương trình về quyền của người khuyết tật thuộc HRW, cho biết.
Carika, 29 tuổi, sống suốt 4 năm trong chuồng cừu sau nhà mình ở đảo Java. Cô ăn, ngủ và đi vệ sinh ngay tại đây. Cô luôn cầu xin gia đình thả mình ra.
Cuối cùng thì cô cũng được cảnh sát giải cứu sau một chiến dịch chống xiềng xích người tâm thần do một nhà báo Indonesia khởi xướng. Nhưng sau khi thoát khỏi chuồng cừu, cô lại bị đưa đến một trung tâm điều trị, bị bắt phải uống thuốc, điều trị bằng phương pháp sốc điện và bị bệnh nhân khác cưỡng hiếp.
"Họ truyền điện vào não tôi qua thái dương và trán, tôi thấy đau lắm. Khi đó tôi còn tỉnh. Tôi nhìn thấy hết. Họ trói chặt tay tôi vào giường", cô kể.
Biện pháp chữa trị này phổ biến ở các bệnh viện truyền thống. Trong khi đó, các cơ sở điều trị tư nhân thì đông đúc và điều kiện vệ sinh kém, HRW cho biết.
Chính phủ Indonesia đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc xích bệnh nhân tâm thần và cải thiện điều kiện chữa trị cho họ. Nhưng khó khăn là người dân còn ít hiểu biết về căn bệnh này và cơ sở y tế còn thiếu, theo HRW. Chính phủ Indonesia ước tính có hơn 18.000 bệnh nhân tâm thần vẫn đang chịu cảnh xiềng xích.
Cuối cùng thì Carika cũng được trở về nhà. Nhưng tuần vừa rồi cô lại bị gia đình bắt nhốt vào chuồng cừu, bà Barriga cho biết.
"Cần nâng cao nhận thức cho các gia đình về bệnh tâm thần. Nhưng điều đó rất khó vì người ta vẫn tin vào những câu chuyện truyền thuyết xoay quanh căn bệnh này. Cần phải có biện pháp khác thay thế cách chữa trị truyền thống", bà Barriga nói.
Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần kêu gọi chính phủ Indonesia tiếp tục nỗ lực khắc phục tình trạng này, củng cố các điều luật về bệnh tâm thần và nâng cao nhận thức của cán bộ nhà nước về vấn đề này.
HRW kêu gọi các tổ chức cứu trợ quốc tế, như Cục Phát triển Quốc tế của Anh, phối hợp với chính phủ Indonesia để tìm ra cách đối phó tình trạng này.
Ngọc Anh