Thông tin trên là kết quả của cuộc khảo sát tại 44 nước, do Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện, và vừa được công bố hôm qua.
"Năm nay có tổng cộng 11 nước châu Á được khảo sát, khoảng một nửa hoặc nhiều hơn trong số này nói rằng họ lo ngại những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các láng giềng sẽ dẫn đến một cuộc xung đột quân sự", AP dẫn nghiên cứu cho hay.
Người dân Philippines bày tỏ lo lắng nhiều nhất với 93% số người được hỏi cho rằng khả năng trên có thể xảy ra. Tỷ lệ này ở Nhật Bản là 85%, ở Việt Nam là 84% và Hàn Quốc là 83%.
Thậm chí tại Trung Quốc, khảo sát cho thấy 62% người dân cũng có chung suy nghĩ như trên.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, chồng lấn với các nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Gần đây, Trung Quốc ráo riết hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ "đường 9 đoạn" trên Biển Đông bằng nhiều hành động gây hấn, đẩy căng thẳng leo thang, bất chấp sự phản đối của các nước có liên quan.
Từ đầu tháng 5 đến nay, Bắc Kinh ngang nhiên hạ đặt một giàn khoan dầu khí sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời điều hàng trăm tàu và máy bay hộ tống tấn công lực lượng thực thi pháp luật và tàu cá Việt Nam trong khu vực.
Trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh cũng có tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát. Tàu và máy bay Trung Quốc thường xuyên đi vào khu vực này, dẫn đến những cuộc đối đầu nguy hiểm với phía Nhật Bản.
Theo khảo sát của Pew, người Nhật Bản, Philippines và Việt Nam xem Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất, trong khi Trung Quốc cũng như Malaysia và Pakistan cho rằng Mỹ mới là mối đe dọa của họ.
Với các nước châu Á khác, bao gồm Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan, Mỹ là đồng minh lớn nhất.
Có 40% số người được hỏi ở 44 nước vẫn tin rằng Washington là siêu cường của thế giới. Tuy nhiên, số người xem Bắc Kinh là siêu cường đang dẫn đầu cũng đã tăng từ 19% cách đây 6 năm lên 31%. Thậm chí, hơn một nửa cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ thay thế hoặc đã tiếm ngôi Mỹ.
Anh Ngọc