Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, lần thứ 13 sẽ được tổ chức tại Singapore từ ngày 30/5 đến ngày 1/6.
Trong khuôn khổ hội nghị, các nước thành viên chủ chốt sẽ thảo luận về các vấn đề thúc đẩy hợp tác quân sự, giải quyết căng thẳng chiến lược, triển vọng hòa bình và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đảm bảo giải quyết xung đột khu vực.
Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động gây căng thẳng trên Biển Đông, cụ thể là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa Việt Nam và điều nhiều tàu bảo vệ. Theo giới quan sát, vấn đề tranh chấp và căng thẳng trên Biển Đông được cho là sẽ trở thành một chủ đề quan trọng tại các phiên thảo luận tại hội nghị.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với tư cách là một trong các diễn giả chính tại hội nghị, sẽ có bài phát biểu vào ngày khai mạc 30/5. Theo Sankei Shimbun, Nhật Bản sẽ tận dụng bài phát biểu tại hội nghị để tạo đối trọng với Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang có những hành động phô trương sức mạnh và gây căng thẳng trên Biển Đông.
Ông Abe sẽ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và kêu gọi "các cuộc thảo luận mang tính xây dựng" để giảm căng thẳng.
“Đối với tình hình căng thẳng leo thang tại biển Đông và biển Hoa Đông, chúng tôi hy vọng các cuộc thảo luận mang tính xây dựng sẽ được tổ chức, nhằm hướng tới ổn định và hòa bình trong khu vực này”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhận định.
Thượng nghị sĩ Mỹ Ben Cardin thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm qua cho biết ông sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La và đưa vấn đề căng thẳng hiện nay tại Biển Đông và hành động khiêu khích của Trung Quốc ra diễn đàn quan trọng này.
Theo thượng nghị sĩ, Mỹ ủng hộ ASEAN và Trung Quốc tiến tới bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), kêu gọi các bên xử lý khác biệt bằng biện pháp hòa bình. Quan điểm này sẽ được Mỹ nhắc lại trên bất cứ diễn đàn nào.
Trong cuộc họp báo chiều qua, ông Ben Cardin khẳng định, việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa là hành động nguy hiểm, không chấp nhận được. Thượng nghị sĩ nhấn mạnh, Mỹ đánh giá tình hình hiện nay là nguy hiểm và đã kêu gọi Trung Quốc có các hành động nhằm giảm căng thẳng, chứ không leo thang.
Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Institute of International Strategic Studies, IISS) phối hợp với chính quyền Singapore tổ chức hằng năm. Hội nghị là diễn đàn quan trọng trong việc định hình các vấn đề an ninh đang nổi lên ở châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh vấn đề chung, quan chức quốc phòng cấp cao của các nước còn tổ chức các cuộc họp song phương bên lề.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu nước này tham dự Đối thoại Shangri-La lần này.
Trước thềm Đối thoại Shangri-La, một hội nghị bàn tròn do Trung tâm Chiến lược châu Á (CASS) của Ấn Độ đã diễn ra với sự tham gia của nhiều học giả từ các nước trong khu vực châu Á Thái Bình dương. Các học giả bàn về căng thẳng hiện nay trên Biển Đông và hệ lụy đối với an ninh khu vực.
Bên trong hội nghị:
Thùy Linh