Bridget Harris, biên tập viên ảnh của tạp chí Time, từng nhiều lần nghe mẹ kể về những trải nghiệm của ông ngoại cô, một binh sĩ trong Thế chiến II nhưng chưa lần nào thấy mẹ nhắc tới bộ ảnh về quốc trưởng Đức quốc xã Adolf Hitler cất trong chiếc hộp lớn. Trong chuyến về thăm nhà ở Nam California, Mỹ năm ngoái, Harris tình cờ có được những bức ảnh hiếm về Hitler sau cuộc chuyện trò cùng mẹ.
Sau khi sống sót trong trận D-Day (trận chiến mà đồng minh bấy lâu mong đợi, nhằm giành lại châu Âu từ tay Hitler) ở Normandy, ông ngoại Harris, thượng sĩ Paul T. Lipari, rời châu Âu cùng những món đồ kỷ niệm bí mật, trong đó có các bức ảnh của trùm phát xít Adolf Hitler thời trẻ.
"Đợi đã. Cái gì cơ?", Harris viết trong một bài báo đăng trên LIFE.com. "Tai tôi vểnh lên... Những bức ảnh về Hitler ư? Đó là câu chuyện tôi chưa từng nghe đến".
Harris ngồi nghe chăm chú và không khỏi sửng sốt khi mẹ cho con gái xem bộ ảnh chưa từng được trông thấy trước đây. Ảnh được đặt trong một chiếc hộp cùng nhiều tấm hình khác, bản đồ, thư từ. Mẹ Harris cất chiếc hộp ở tầng trên căn nhà của họ tại bang California.
Bộ ảnh tuyên truyền của Đức quốc xã mô tả Hitler như "một nhà lãnh đạo tốt bụng và đáng kính". Bức ảnh Hitler đang cho một con vật ăn có chú thích: "Quốc trưởng là người bạn của các con vật". Có tấm chụp cảnh Hitler bắt tay công nhân đang tươi cười, trong khi nhiều bức khác ghi lại khoảnh khắc ông ta gặp gỡ binh lính bị thương.
Trong nhiều bức Harris được xem còn có tấm Hitler chụp chung cùng nhiều người tại một bệnh viện ở thành phố Berlin. Hitler từng có thời gian gần hai tháng điều trị ở bệnh viện này sau khi bị trúng đạn trong trận chiến tháng 10/1916.
Harris phát hiện ra rằng dưới mỗi bức ảnh là dòng chú thích tuyên truyền. "Những chiếc trống gọi tự do Đức", dòng chữ đề dưới một bức ảnh chụp đoàn diễu hành viết. Một tấm khác viết: "Thủ tướng và công nhân bắt tay nhau". Ảnh trở nên hiếm vì sau năm 1945, chúng bị cấm lưu hành.
Harris cho hay các bức hình này được chụp cho bộ ảnh tuyên truyền và cô gọi chúng là "những bức thiệp thương mại của Đức quốc xã". Phần lớn ảnh là do Heinrich Hoffmann, nhiếp ảnh gia chính thức của Đức quốc xã, và là người duy nhất suốt nhiều năm được phép chụp ảnh Hitler, thực hiện.
"Nếu ông ngoại tôi đến giờ vẫn còn sống, tôi sẽ có nhiều câu hỏi dành cho ông", Harris viết khi nhắc tới ông ngoại đã qua đời cách đây hơn 15 năm. "Ông tìm thấy những bức ảnh này ở đâu? Điều gì khiến ông dừng lại và nhặt chúng lên, và tại sao ông lại mang chúng về quê hương?".
Bình Minh (theo LIFE)