Báo The Age dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Australia hôm qua cho biết nước này đang giám sát chặt chẽ tình hình. Australia cũng hối thúc các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông kiềm chế, tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng.
Trong khi đó, ông Michael Wesley, một chuyên gia về châu Á thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng vụ việc giữa Trung Quốc và Việt Nam đang khiến các nhà phân tích xem xét lại quan điểm cho rằng Bắc Kinh đang muốn xoa dịu những nước Đông Nam Á khác.
Lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm qua thống nhất ra tuyên bố chung Naypytaw, kêu gọi các bên sử dụng biện pháp hòa bình và không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Liên minh châu Âu đã ra tuyên bố quan ngại tình hình ở Biển Đông, chỉ trích hành động của Trung Quốc là khiêu khích nghiêm trọng và kêu gọi các bên kiềm chế.
Trung Quốc ngày 1/5 đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
Việt Nam tuyên bố cực lực phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trọng Giáp