Ông Nguyễn Đình Hưng, luật sư tiếp tục tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho ông Trọng trong phiên phúc thẩm ngày 22/5 tới cho biết, trong lần tiếp xúc hai ngày trước, ngay lúc đầu câu chuyện, cựu phó giám đốc công an Hải Phòng nói: “chắc anh buồn lắm nhỉ”. Luật sư Hưng đã bảo: “Cậu cũng buồn huống chi tôi”. Ông Trọng giữ thái độ bình thản khi nói về người anh trai là Dương Chí Dũng vừa tiếp tục bị TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên y án tử hình về tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản.
Trong buổi nói chuyện với luật sư Hưng, ông Trọng tâm sự sở dĩ làm đơn kháng cáo vì muốn xin giảm nhẹ hình phạt. “Phiên sơ thẩm, Trọng không phủ định cũng không thừa nhận lời khai của các bị cáo nguyên là cấp dưới, song lần ra tòa phúc thẩm này, Trọng sẽ nhận tội”, luật sư Hưng chia sẻ. Ông Trọng cho biết, bản án sơ thẩm quy kết ông chỉ đạo Đồng Xuân Phong là chưa chính xác, bị cáo không có quan hệ nào với cựu cán bộ hải quan này.
Theo lời luật sư Hưng, trong phiên xử tới, ông Trọng sẽ dành một thời lượng lớn để nói đỡ cho các bị cáo khác. Ông Trọng cho rằng, vì mình mà cấp dưới nghe theo lệnh để nhận án nặng. Bản thân ông cũng không phân công chi tiết cho họ trong việc tổ chức cho ông Dũng bỏ trốn trước khi có quyết định khởi tố bị can vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines. Ông Trọng không khai chi tiết việc tổ chức cho anh trai trốn bởi những cấp dưới này khi được giao đều tự làm, tự hiểu công việc.
Sau khi nhận 18 năm tù, mức án cao nhất cho tội Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài, thời gian bị tạm giam, ông Trọng nhận được nhiều sách về Phật giáo, Yoga, của gia đình gửi vào. Ông đọc nhiều, thiền và suy nghĩ. “Trọng bảo thiền để tránh được bệnh lý vì cựu phó giám đốc công an này bị bệnh về máu”, luật sư nói và cho biết, ông Trọng có gửi lời nhắn gia đình và dặn vợ định hướng cho con lớn thi vào Đại học Hàng hải. Đặc biệt, ông lo cho sức khỏe của mẹ già, cha yếu và sợ họ suy sụp khi biết Dương Chí Dũng tiếp tục bị tuyên y án.
Trước đó bản án sơ thẩm ngày 8/1 quy kết, tối 17/5/2012, Dương Chí Dũng được người của ông Trọng đưa về huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Việc tổ chức đưa ông Dũng trốn ra nước ngoài được Vũ Tiến Sơn (cựu phó Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hải Phòng) thay mặt ông Trọng giải quyết. Ông Dũng sau đó được đưa vào TP HCM, ra cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia rồi tới Singapore. Không xin được visa vào Mỹ, từ Singapore ông Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng cho tới khi bị bắt (4/9/2012).
TAND Hà Nội nhận định, hành vi đưa ông Dũng bỏ trốn của 7 bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Việc ông Dũng trốn trót lọt sang Campuchia đã gây khó khăn cho việc điều tra vụ án ở Vinalines. Trọng là cán bộ công an cao cấp nhưng đã làm sai, gây khó khăn cho công tác điều tra của nhà nước, dù có thành tích trong công tác nhưng cần phải áp dụng mức án cao.
Do thay mặt ông Trọng trực tiếp chỉ đạo, ông Sơn lĩnh 13 năm tù. 5 người còn lại được xác định có vai trò thấp hơn nên tòa quyết định tuyên phạt Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng) 5 năm tù, Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng) nhận 6 năm, Đồng Xuân Phong (40 tuổi, nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng) 7 năm, Trần Văn Dũng (Dũng "Bắc Kạn", 46 tuổi, giang hồ đất Cảng) 8 năm, Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng) 5 năm.
Sau bản án trên, cùng với ông Trọng, 6 người còn lại đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Mai Chi