Hai vợ chồng ông Chu, bà Linh đã ngoài 50 tuổi. Kết hôn từ những năm 1990, vợ chồng ông bà có một con trai hơn 20 tuổi, ngôi nhà bốn tầng khang trang mặt phố lớn.
Theo lời ông Chu, ông vốn xuất thân từ nông thôn nên ít nói, sống nội tâm nên khi đến với bà Linh là con gái phố thị sắc sảo, hoạt ngôn, những mâu thuẫn nhỏ nhặt cứ tích tụ dần theo năm tháng. Xung khắc lên đến đỉnh điểm vào đầu những năm 2000 khi ông cho rằng vợ đã không tiếc lời khi nhiếc móc, xúc phạm mình.
Năm 2010, sau nhiều năm ngủ riêng phòng, ông Chu làm đơn xin ly hôn nhưng bị toà bác đơn. Đến năm 2014 ông gửi đơn lần hai. Trong phiên tòa sơ thẩm do TAND quận Cầu Giấy mở giữa tháng 7/2015, bà Linh và con trai vắng mặt. Ông Chu được chấp nhận đơn ly hôn, nhận phần diện tích chia tài sản chung lớn hơn bà Linh.
Bà Linh kháng cáo xin hủy án sơ thẩm vì cho rằng vẫn còn tình cảm với chồng, không muốn chia khối tài sản chung do vợ chồng cùng gây dựng mấy chục năm. Ông Chu cũng kháng cáo, cho rằng, ngôi nhà cùng mảnh đất do một tay làm ăn tích cóp dựng thành nên chỉ muốn chia cho bà Linh một phần nhỏ.
Ngày 10/3, TAND Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét yêu cầu của hai ông bà. Cậu con trai cũng lầm lũi theo bố mẹ tới toà. Bà Linh cho rằng tòa sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không tống đạt giấy triệu tập bà và con trai đến phiên xử. Bà chỉ biết chồng đã ly hôn xong với mình qua lời người hàng xóm.
Khi HĐXX đề nghị giải thích vì sao tòa sơ thẩm nhiều lần tống đạt giấy triệu tập mà bà không nhận, bà viện nhiều lý do: người tống đạt không chứng minh được mình là người của tòa án, hẹn người tống đạt làm việc nhưng không thấy đến…
“Tôi vẫn còn tình cảm với anh ấy, vẫn muốn gia đình đoàn tụ”, bà nhiều lần nói trước toà, song ngay sau đó ngồi quay lưng lại với ông Chu.
Chủ tọa phiên tòa hỏi những năm qua bà đã làm gì để hàn gắn quan hệ, cải thiện mâu thuẫn vợ chồng? Bà trả lời: “Tôi vẫn nấu cơm, muốn nói chuyện với anh ấy, vẫn chăm sóc chồng con như xưa nhưng anh ấy không ăn, không nói thì tùy”.
Bà cho hay, chồng ở trong doanh trại nhiều năm nên thường xuyên vắng nhà. Một mình bà phải nuôi dậy con. Vài năm gần đây, ông về nhà ở nhưng có quan hệ ngoài luồng với một phụ nữ trẻ nên hắt hủi vợ con.
Ông Chu kể, quan điểm sống của hai người khác xa nhau, càng sống chung càng mâu thuẫn. Hai người sống chung một nhà nhưng nhiều năm ngủ riêng phòng, ăn riêng và không bao giờ nói chuyện với nhau.
Ông một mực khẳng định những lời nhiếc móc, những cái tát của vợ đã hằn sâu vào tâm trí nên kiên quyết muốn ly hôn. “Cô ấy hành động như đàn ông, thậm chí lấy giầy đánh vào mặt tôi, tát tôi trước mặt con khi bị phản đối về cách dạy con", ông bức xúc nói.
Vị cựu sĩ quan nói đã chờ đợi một lời xin lỗi từ vợ nhiều năm sau những lần bị xúc phạm, nhưng cảm thấy vô vọng. “Tôi cũng là một người đàn ông bình thường. Vợ không cho vào phòng ngủ, sống không khác nào ly thân nên đã có tình cảm với một người khác”, ông Chu lý giải.
Nữ thẩm phán cắt ngang lời hai ông bà và cho rằng hai người đến với nhau do tự nguyện nên sống tiếp với nhau hay không cũng tự nguyện. Nói rồi, bà quay sang hỏi cậu con trai cúi gằm mặt suốt phiên tòa: “Cháu thấy bố mẹ sống với nhau có hạnh phúc không? Họ có nên tiếp tục chung sống với nhau không?”. Cậu thanh niên buồn rầu lắc đầu, nói bố mẹ sống với nhau không hạnh phúc và không nên tiếp tục duy trì bi kịch này nữa.
Khi tòa hỏi lại nguyện vọng của hai bên lần cuối trước khi vào nghị án, ông Chu bỗng dưng bật khóc. Ông nói trong tiếng nấc: “Vợ chồng sống với nhau mấy chục năm, tình không còn nhưng nghĩa khó nhạt phai. Tôi muốn ly hôn vì không thể nào khắc phục được mối quan hệ này nữa nhưng tôi cũng muốn chia cho cô ấy và con một phần nhà đất đủ điều kiện để họ sinh hoạt thoải mái”.
Tòa phúc thẩm nhận định, mâu thuẫn giữa hai ông bà khó hàn gắn nên việc tòa sơ thẩm thuận tình cho ly hôn là có lý. Việc ông Chu được chia phần nhà đất lớn hơn so với vợ là chưa thỏa đáng vì đó là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Tòa phúc thẩm cũng cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng. Bởi lẽ khi trong gần hai năm thụ lý vụ án đã tống đạt nhiều lần giấy triệu tập đến phiên xử cho bà Linh nhưng bà không hợp tác, đáng lẽ TAND quận Cầu Giấy đã phải lập biên bản niêm yết tại nhà bà về sự bất hợp tác này. Theo quy định của pháp luật, sau khi niêm yết 15 ngày phiên tòa sơ thẩm mới được mở. Song, TAND quận Cầu Giấy đã mở phiên sơ thẩm sau 13 ngày niêm yết.
Tòa phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và giao trả hồ sơ về cho tòa sơ thẩm giải quyết lại từ đầu theo đúng trình tự.
Bảo Hà
*Tên các nhân vật đã thay đổi