Ngày 7/1, Huỳnh Thị Huyền Như được thẩm vấn đầu tiên trong ngày làm việc thứ 2 của TAND TP HCM. Trả lời HĐXX, Như thừa nhận hành vi phạm tội đúng như cáo trạng đã truy tố.
Người đàn bà này cho biết, khoảng năm 2007, ngoài việc làm nhân viên tín dụng ngân hàng Vietinbank, Như còn kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành. Sang năm 2008, thấy trào lưu chơi chứng khoán rầm rộ và có lời, Như tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực này. Ngoài số vốn ban đầu khoảng 50 tỷ đồng, để mở rộng việc làm ăn, Như đã vay thêm của nhiều cá nhân khác như Nguyễn Thị Lành và Nguyễn Thiên Lý với lãi suất từ 0,4 đến 1% mỗi ngày.
"Ban đầu bị cáo vay vài tỷ, vài chục tỷ, chu kỳ thanh toán lãi là 10 ngày một lần. Nếu quá 10 ngày không trả thì sẽ tính lên 5%/ ngày. Thậm chí có những khoản phải trả lên đến 8%/ ngày", Như khai và cho biết do các chủ nợ đột ngột đòi tiền trong khi bất động sản và cổ phiếu xuống giá, không bán được nên bị cáo mất khả năng chi trả. Cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến số nợ ngày càng lớn.
Trả lời chất vấn của chủ tọa "vì sao không bán tài sản để trả nợ", Như cho hay đã phải bán bớt đi nhiều bất động sản cũng như cổ phiếu. Tuy nhiên giá trị bán ra thời điểm này phải chịu lỗ đến 50% nên vẫn không thấm vào đâu so với những khoản nợ vay lãi suất cao. Nguyên cán bộ tín dụng này cũng cho biết không thể tuyên bố phá sản vì do làm việc trong cơ quan Nhà nước nên lúc này không muốn cơ quan, bạn bè, người thân biết việc làm của mình.
“Nếu sợ ảnh hưởng đến bạn bè, người thân, tại sao bị cáo lại thực hiện một loạt các hành vi sai phạm tiếp đó”, chủ tọa hỏi. Như cho biết, vì nghĩ hy vọng sẽ xoay sở kiếm được một nguồn tiền lãi nào đó để trả nợ, song số nợ gốc và nợ lãi cứ ngày càng lớn khiến bị cáo rơi vào vòng luẩn quẩn.
“Mỗi sáng đi làm bị cáo nhận được hàng loạt tin nhắn, điện thoại đe dọa của các chủ nợ nên rất rối. Chị Lành nói sẽ lên cơ quan bị cáo nói hết sự việc. Còn chị Lý dọa sẽ đến cơ quan quậy và đập vỡ mặt khiến bị cáo không còn minh mẫn. Lúc này bị cáo buộc phải làm sai”, Như khai.
Cũng từ thời điểm này, bị cáo bắt đầu huy động tiền của các cá nhân và công ty sau đó chiếm đoạt để trả nợ cho những khoản vay lãi suất cắt cổ. Người đầu tiên Như nhắm đến là chị Giã Thị Mai Hiên. Vào cuối năm 2009, Như bắt đầu huy động tiền của chị Hiên với mức lãi suất trong hợp đồng là 10,49%/ năm, nhưng chi bên ngoài có lúc đội lên mức 30-100% / năm. Tổng số tiền Như vay của Hiên khoảng hơn 2.100 tỷ, nhưng số tiền thực tế đã trả cho người này đến 2.380 tỷ mà hiện vẫn còn nợ 274 tỷ đồng.
Liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền của công ty dầu khí Thái Bình Dương vào năm 2010, Như khai, thông qua Trần Hoàng Trung (tay chuyên môi giới chứng khoán) bị cáo biết công ty này có nguồn tiền nhàn rỗi nên đã nói cho Võ Anh Tuấn (phó giám đốc chi nhánh Nhà Bè Vietinbank chi nhánh TP HCM) để gặp Phạm Anh Tuấn (giám đốc công ty) thỏa thuận.
Ban đầu, Như bảo Võ Anh Tuấn đến làm hợp đồng huy động vốn cho chi nhánh Nhà Bè với lãi suất 10,9% trong hợp đồng. Tuy nhiên, do mức chi chênh lệch ngoài hợp đồng quá cao, Võ Anh Tuấn không đồng ý nên Như đã làm giả khoảng 10 hợp đồng, giả chữ ký của Tuấn để huy động của công ty dầu khí Thái Bình Dương 1.500 tỷ đồng. Số tiền này Như dùng để trả nợ cho các cá nhân, trả cho Phạm Anh Tuấn 120 tỷ tiền lãi và chi 50 tỷ đồng tiền chênh lệch khác trong đó chi cả cho người môi giới.
"Nếu chỉ sử dụng tiền đi vay để trả lãi cho chính công ty cũng như trả nợ cho người khác là không thể sinh lời. Lý do gì bị cáo vẫn thực hiện?", HĐXX hỏi. Như bảo, thời điểm này chỉ nghĩ được rằng dùng tiền ở những chỗ lãi suất thấp trả cho những chỗ lãi suất cao rồi tiếp tục xoay sở. “Bị cáo cũng nhanh chóng muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn này. Nhưng số tiền nợ cứ ngày càng lớn nên bị cáo không còn cách nào khác”, Như nói và thừa nhận thời điểm này đã phải làm giả các con dấu, chữ ký của nhiều đơn vị. Ban đầu là giả con dấu của Vietinbank Nhà Bè, sau đó là các Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Công ty Bảo hiểm toàn cầu, Công ty An Lộc….
"Con mồi" tiếp theo của Như là Công ty Zenplaza. Trong phi vụ này, Như thỏa thuận huy động tiền theo hình thức ủy thác đầu tư vốn với lãi suất 10,49%/năm, phí trả ngoài là 0,04- 0,062%/ngày. Tổng số tiền huy động của Zenplaza là 300 tỷ, trong đó tiền lãi đã trả cho công ty này hơn 20 tỷ, 40 tỷ phí chi ngoài hợp đồng và hiện còn hơn 45 tỷ chưa tất toán.
Về số tiền chiếm đoạt của 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên (ở Hà Nội), Như khai, thông qua một người là Giang Quang Chính biết các công ty nói trên có nguồn tiền nên nói với Võ Anh Tuấn ra Hà Nội đàm phán. Như giới thiệu tên là Quyên, nhân viên của Tuấn đang cần huy động tiền cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Do mức lãi suất các công ty này đưa ra từ 18 đến 22%/năm là không thể huy động nên Tuấn không đồng ý.
Tuy nhiên sau đó, Như đã sử dụng nhiều hợp đồng giả để đứng ra huy động tổng cộng 2.500 tỷ đồng của 3 công ty này. Để chiếm đoạt, Như làm giả hơn 110 hợp đồng và gần 130 lệnh chi để chuyển tiền của các công ty (trong tài khoản được Như mở tại Vietinbank) vào tài khoản của công ty Hoàng Khải do Như thành lập và chuyển trả nợ trực tiếp cho các cá nhân đơn vị khác. Trong quá trình giao dịch, Như cho biết mới trả cho công ty này được 900 tỷ.
Cũng trong buổi thẩm vấn sáng nay, Như khai đã làm nhiều hợp đồng giả danh Vietinbank chi nhánh TP HCM để huy động của công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông và Công ty cổ phần đầu tư An Lộc hơn 1.800 tỷ đồng với mức lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm và chi phí ngoài hợp đồng là 5,5%/năm. Sau khi nhận được tiền, Như làm giả các lệch chi và chữ ký của các lãnh đạo công ty này để chiếm đoạt tiền. Sau khi tất toán, Như còn nợ 2 công ty này hơn 550 tỷ.
Hành vi lừa đảo của Huyền Như đối với một số đơn vị khác sẽ tiếp tục được thẩm vấn trong buổi làm việc chiều nay.
>> Đồ họa: Huyền Như đã làm giả 4.000 tỷ đồng như thế nào
Hải Duyên