VKSND Tối cao cho rằng có 6 căn cứ xác định 4 bị cáo Mai Văn Phúc, Dương Chí Dũng (cựu chủ tịch HĐQT Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines), Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) đã phạm tội tham ô khi chia nhau 1,66 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) "lại quả" trong thương vụ mua ụ nổi cũ nát, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 366 tỷ đồng. Trong đó, nội dung các lần chuyển tổng cộng 10 tỷ đồng cho mỗi ông Dũng và Phúc đã được thể hiện đầy đủ qua lời khai của Sơn.
Theo VKS, ở tội Cố ý làm trái, hiện tiền nộp khắc phục hậu quả của ông Phúc là "rất nhỏ" với yêu cầu tuyên bồi thường hơn 100 tỷ đồng của tòa sơ thẩm, nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt theo khoản b điều 46 Bộ luật hình sự.
VKS cho rằng đây là vụ án điều tra truy xét, 6 năm sau mới bị phát hiện và không phải bị can nào cũng thừa nhận hành vi. Sau khi Vinalines chuyển đủ 9 triệu USD tiền mua ụ nổi, phía công ty môi giới nước ngoài, theo chỉ dẫn của Sơn đã lập tức chuyển 1,66 triệu USD về tài khoản của Công ty Phú Hà của em gái Sơn.
"Chúng tôi có đủ căn cứ cho thấy đây là số tiền trích từ khoản 9 triệu USD mua ụ nổi. Trên cơ sở tổng hợp các chứng cứ, thấy đủ căn cứ và niềm tin vào lời khai của bị cáo Sơn về số tiền đã chia", VKS nêu quan điểm.
Đối đáp lại với cơ quan công tố, bị cáo Phúc khẳng định không nhận 10 tỷ đồng trong số tiền lại quả này. "Bị cáo và Dương Chí Dũng 'vốn không đội trời chung' thì không có việc bắt tay cùng chia chác số tiền này", cựu tổng giám đốc Vinalines nói. Ông Phúc một mực đề nghị HĐXX xem xét khách quan và "nếu chứng minh được bị cáo sẵn sàng nhận tội chết".
Được tòa hỏi, vợ ông Phúc tha thiết đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho chồng, đồng thời cho biết sẽ "trao hết mọi thứ" để khắc phục hậu quả, cứu ông khỏi án tử hình. Tương tự, vợ ông Dũng cho tòa biết đã bán tài sản và vay mượn để khắc phục được 5,2 tỷ đồng, cũng với hy vọng "cứu chồng".
Trong khi đó, khi được nói lời cuối, bị cáo Dương Chí Dũng bày tỏ: "Để xảy thiệt hại tại Tổng công ty Hàng hải, bị cáo xin lỗi Đảng, nhà nước, nhân dân. Trước pháp luật không thể nhận điều không đúng được. Mong HĐXX cân nhắc kỹ lưỡng, khách quan, nếu chưa xác đáng chứng cứ thì cho bị cáo giảm nhẹ hình phạt, để bị cáo có thể chờ đến một thời điểm nào đó làm sáng tỏ".
"Không phải bị cáo sợ, nếu có tội bị cáo sẵn sàng chịu, chỉ mong HĐXX hết sức thận trọng. Bị cáo thành khẩn, rất ăn năn. Trước mắt bị cáo xin vận động gia đình, dù bao nhiêu đi chăng nữa cũng cố gắng khắc phục. Hãy cho bị cáo sống để chờ có cơ hội rửa mối oan. Mong tha lỗi cho bị cáo đã xảy ra những sai phạm này", ông Dũng nói thêm.
Còn bị ông Phúc nhấn mạnh: "Bị cáo về nhậm chức trong hoàn cảnh chân ướt, chân ráo. Bị cáo là nạn nhân của vụ án này. Bị cáo đã gắn bó với ngành hàng hải, đến nay cũng đã gần hết đời".
Đến lượt Trần Hải Sơn, bị cáo này giãi bày: "Trong quá trình xét xử, bị cáo đã nhận thức được sai phạm của mình nên vận động gia đình, người thân khắc phục hậu quả. Bị cáo xin với HĐXX xem xét để có mức án đúng đắn và không có mức án tử hình với hai anh Dũng và Phúc".
Trước đó, sáng nay trong phần tranh tụng, khi nhiều luật sư cho rằng án sơ thẩm chưa xem xét đến hậu quả, bắt các bị cáo bồi thường số tiền quá lớn là "oan uổng", VKS cho biết đến thời điểm khởi tố vụ án nhà nước đã chi ra trên 500 tỷ đồng trong việc mua ụ nổi, sau khi trừ các khoản chi phí mới ra còn gần 367 tỷ đồng thiệt hại. "Vinalines là tập đoàn 100% vốn Nhà nước, mất một đồng cũng của nhà nước, người dân", công tố viên đối đáp.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng, bảo vệ cho bị cáo Trần Hải Sơn, cho rằng ụ nổi 83M không sử dụng được, hiện phải thuê bến bãi neo đậu mất cả tỷ đồng mỗi tháng song nếu "bán sắt vụn thì cũng thu được khoản tiền không nhỏ". Nếu chấp nhận số tiền thiệt hại như quy kết của VKS thì coi như hiện giờ "giá trị ụ nổi bằng không", còn nếu tháo dỡ bán thì thiệt hại sẽ giảm đi rất nhiều. Ông Hưng đề nghị xét lại hậu quả của vụ án, ít nhất là trừ vào giá trị của ụ nổi hiện vẫn còn.
Sáng 25/4, tòa nghị án và dự kiến sẽ tuyên án vào lúc 14 giờ cùng ngày.
Việt Dũng